Thực hành quản trị của doanh nghiệp Việt đang thiếu thước đo
3 doanh nghiệp Việt được vinh danh quản trị công ty tốt nhất ASEAN / Hỗ trợ doanh nghiệp Việt: Samsung đưa sáng kiến tăng khả năng tiếp cận công nghệ và quản trị
Theo ông Vũ Chí Dũng - Trưởng ban Pháp chế và Đối ngoại, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, nhận thức về vai trò và lợi ích của quản trị công ty tốt ngày càng được nâng cao trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung và cả doanh nghiệp niêm yết nói riêng.
Trải qua gần 15 năm, quy định quản trị công ty của Việt Nam đã có nhiều thay đổi lớn với sự ban hành của Luật Chứng khoán 2019, Luật Doanh nghiệp 2020. Đặc biệt vào năm 2023, Bộ Nguyên tắc Quản trị công ty G20 (OECD) được G20 thông qua đã đánh dấu chuẩn mực toàn cầu cho khuôn khổ pháp lý, quy định và thể chế cho quản trị doanh nghiệp lên một tầm cao mới.
OECD nhấn mạnh trách nhiệm của doanh nghiệp và hội đồng quản trị về các vấn đề phát triển bền vững; trách nhiệm quản lý rủi ro và lợi ích của các bên liên quan không phải là cổ đông. Đồng thời, quy định nghĩa vụ công bố kịp thời và chính xác tất cả thông tin trọng yếu, bao gồm thông tin tài chính, phi tài chính và công tác quản trị của công ty.

Chia sẻ với Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam, ông Dũng cho rằng, doanh nghiệp niêm yết phải vượt trên sự tuân thủ quy định quản trị công ty. Đó là không chỉ áp dụng đầy đủ quy định tối thiểu cho các doanh nghiệp niêm yết theo từng ngành nghề, lĩnh vực mà còn phải tuân thủ cao yêu cầu về phát triển bền vững.
“Doanh nghiệp phải nhìn xa để nhận rõ khía cạnh rủi ro trong hoạt động của mình có thể tác động tới môi trường. Từ đó, có chi phí bù đắp cho cải thiện môi trường. Như vậy, trong hoạt động quản trị, doanh nghiệp không chỉ bảo vệ môi trường mà còn phải chống rủi ro tác động tới môi trường”, ông Dũng nói.
Đánh giá về Cẩm nang quản trị công ty - ấn phẩm 2025 vừa được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra mắt ngày 2/4, ông Dũng khẳng định, cuốn cẩm nang sẽ giúp nhà quản trị doanh nghiệp có được cái nhìn rộng hơn, theo tiêu chuẩn quốc tế. Tiêu chuẩn quốc tế quy định doanh nghiệp phải có cơ chế báo cáo về hoạt động quản trị của mình.
Nhận định nguyên nhân vì sao tình hình áp dụng quản trị của doanh nghiệp Việt Nam đang đứng top cuối của ASEAN, ông Dũng nhấn mạnh, nhiều doanh nghiệp Việt Nam làm được nhưng thiếu tinh thần báo cáo. Nghĩa là làm được nhưng chưa nói được.
Báo cáo về quản trị doanh nghiệp phải bằng tiếng Anh vì người chấm là người nước ngoài. Doanh nghiệp làm được thì phải nói được, nói được thì phải nói bằng ngôn ngữ mà quốc tế tiếp cận được.
Bên cạnh đó, việc thực hành quản trị tại Việt Nam đang thiếu thước đo để doanh nghiệp căn cứ vào đó tham chiếu thực hành. Để thực hiện báo cáo quản trị doanh nghiệp tốt, doanh nghiệp phải nêu ra được các nội dung liên quan đến hoạt động của hội đồng quản trị cũng như việc thành lập, hoạt động của các tiểu ban thuộc hội đồng quản trị.
“Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ thúc đẩy hoạt động nâng cao nhận thức của doanh nghiệp đối với việc thực hiện báo cáo quản trị doanh nghiệp, đặc biệt là đào tạo cho người trực tiếp làm báo cáo. Làm sao báo cáo phải đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế và khu vực”, ông Dũng cho biết.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất

Mỹ áp thuế đối ứng 46% lên hàng Việt: Hàng loạt doanh nghiệp gặp khó
Thực hành quản trị của doanh nghiệp Việt đang thiếu thước đo
Huy động mọi nguồn lực khu vực tư nhân phát triển đất nước
Lập tổ phản ứng nhanh, lắng nghe doanh nghiệp khi Mỹ áp thuế lên hàng Việt
Nghệ An đầu tư xây nhiều cây cầu cứng ở huyện biên giới