Thuế nhập khẩu sắp về 0% doanh nghiệp mía đường chưa tự tin ứng phó
Doanh nghiệp Việt Nam ít thông tin để tận dụng cơ hội từ các FTA / Doanh nghiệp cần chiến lược mới
Theo cam kết tại Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), Việt Nam phải xóa bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu (NK) đường đối với các nước ASEAN kể từ ngày 1/1/2018. Nhưng để các doanh nghiệp (DN) mía đường và người nông dân có thêm thời gian thích ứng, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ cho hoãn thực thi cam kết ATIGA thêm 2 năm. Điều này có nghĩa là từ ngày 1/1/2020, hạn ngạch NK mía đường từ ASEAN chính thức được xoá bỏ và mức thuế suất NK đường vào Việt Nam sẽ là 0%.
Nhiều doanh nghiệp chưa thể thích ứng
Sau khi có thêm 2 năm trì hoãn, ngành mía đường Việt Nam đến nay vẫn chưa thực sự sẵn sàng vẫn cho việc thực thi cam kết ATIGA. Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp mía đường trong nước vẫn chưa chủ động, tự tin để thích ứng, thậm chí vẫn mong muốn tiếp tục được Chính phủ kéo dài thêm thời gian bảo hộ.
Đại diện một doanh nghiệp mía đường khu vực miền Trung cho biết, doanh nghiệp kiến nghị trình Quốc hội áp thuế giá trị gia tăng 0% đối với đường trong nước; dừng đấu giá quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2019. Doanh nghiệp cho rằng, giá đường trong nước khó giảm bởi 75-80% giá đường phụ thuộc vào giá mía, trong khi đó, muốn hạ giá mía phải giảm được chi phí sản xuất, chi phí đầu vào và nâng cao năng suất.
“Muốn giảm chi phí nhân công trồng mía trong các khâu làm đất, chăm sóc, thu hoạch nhất thiết phải cơ giới hoá với diện tích canh tác lớn. Trong khi đó, diện tích đồng ruộng Việt Nam bình quân chỉ ở mức 0,3 - 0,5ha/hộ nên cần thời gian để dồn điền đổi thửa để có diện tích lớn mới có thể áp dụng cơ giới hoá, mà điều này không thể dễ dàng thực hiện trong 1 – 2 năm nên rất cần sự hỗ trợ của địa phương cũng như sự can thiệp của Nhà nước”, ông Doanh nhấn mạnh.
Theo đánh giá của các chuyên gia ngành mía đường, khi hạn ngạch thuế quan NK đường bị xoá bỏ, thuế suất NK về 0% và thị trường mía đường được mở cửa hoàn toàn, nếu nhà máy nào đã chuẩn bị được nguyên liệu cũng như có thay đổi trong quản trị doanh nghiệp, đa dạng hoá sản phẩm vẫn có thể sẽ gặp khó khăn nhưng vẫn trụ được.
Tuy nhiên thực tế cho thấy tại Việt Nam, có khoảng 1/3, thậm chí đến 1/2 số nhà máy đường chưa thích ứng được với những thay đổi lớn. Vì thế, khi mở cửa thị trường, việc phá sản của nhiều doanh nghiệp mía đường là khó tránh khỏi và đây là điều mà nhiều doanh nghiệp dù không muốn nhưng vẫn lâm vào cảnh “lực bất tòng tâm”.
Giảm giá thành tạo sức cạnh tranh
Theo VSSA, để nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập, nhất là sau khi Hiệp định ATIGA có hiệu lực từ năm 2020, Hiệp hội đã kiến nghị các DN cần cơ cấu lại sản xuất nguyên liệu mía nhằm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành mía nguyên liệu để nông dân có lời. Đồng thời, ngành mía đường cần cơ cấu lại công nghiệp chế biến theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, hình thành chuỗi giá trị sản phẩm nhằm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, đủ khả năng cạnh tranh; phấn đấu giá thành đường dưới 10.000 đồng/kg.
Chủ tịch VSSA - ông Phạm Quốc Doanh cũng cho hay, Hiệp hội đã kiến nghị Bộ Công Thương xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ một số biện pháp ứng phó với việc xóa bỏ hạn ngạch thuế quan đối với mặt hàng đường. Trong đó đề nghị chỉ cho phép nhập đường thô để tinh luyện và áp dụng việc cấp phép NK để theo dõi lượng NK nhằm đảm bảo điều tiết cung cầu tại các thời điểm nhất định; dừng đấu thầu quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan NK đường năm 2019; kịp thời đề xuất biện pháp phòng vệ hoặc chống bán phá giá theo Luật Quản lý ngoại thương.
VSSA cũng kiến nghị Bộ Tài chính xem xét trình Quốc hội điều chỉnh, bổ sung thuế Tiêu thụ đặc biệt với đường lỏng (HFCS) với mức thuế suất 12% mà không phải là 0% như hiện nay; cho phép hạch toán vào chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm các khoản chi hỗ trợ các nhà máy cho nông dân phát triển vùng nguyên liệu, nâng cao khả năng cạnh tranh...
“VSSA sẽ theo dõi sát sao các thông tin về lượng NK, giá cả cũng như mức độ ảnh hưởng của việc nhập khẩu tới sản xuất mía đường trong nước, từ đó có những kiến nghị phù hợp về biện pháp phòng vệ. Nếu đường NK gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất trong nước, Chính phủ cần có biện pháp phòng vệ tương tự như đối với các mặt hàng phân bón, thép…”, ông Doanh đưa giải pháp.
Thứ trưởng Bộ Công Thương - ông Trần Quốc Khánh cho biết, việc xóa bỏ hạn ngạnh thuế quan nhập khẩu đường từ ASEAN theo cam kết ATIGA từ ngày 1/1/2020 là không thể trì hoãn thêm. Vì thế, những kiến nghị của các DN đường hiện nay sẽ là rất khó thực hiện theo các cam kết hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, để triển khai thực hiện lộ trình hội nhập đảm bảo đầy đủ, đúng lộ trình, thực thi hiệu quả các cam kết, phù hợp thông lệ quốc tế, đảm bảo sự bình đẳng, công bằng trong cạnh tranh cũng như lợi ích của tất cả các bên có liên quan, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, trong đó có buôn lậu đường, góp phần tạo môi trường cạnh tranh công bằng, lành mạnh qua đó giúp các DN đường phát triển và hội nhập.
End of content
Không có tin nào tiếp theo