Hỗ trợ doanh nghiệp

Thương hiệu sản phẩm OCOP chưa được bảo vệ đúng mức

DNVN - Tại hội thảo "Pháp luật về đăng ký bản quyền cho các sản phẩm nông nghiệp, làng nghề OCOP" tại Đà Nẵng ngày 16/5, TS Nguyễn Thị Thu Hường (ĐH Thái Nguyên) nhấn mạnh việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm nông nghiệp OCOP ở Việt Nam ngày càng trở nên cấp bách.

Đà Nẵng – Quảng Nam: Hạn hán, xâm nhập mặn sớm đe dọa sản xuất nông nghiệp / Đà Nẵng: Không quy định thêm các điều kiện tạo rào cản đối với đầu tư, kinh doanh

Pháp luật sở hữu trí tuệ không có quy định riêng cho sản phẩm OCOP

TS Nguyễn Thị Thu Hường, Phó trưởng khoa Luật – Trường ĐH Khoa học (ĐH Thái Nguyên) cho biết, qua triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), tính đến tháng 7/2022 cả nước đã có 8.340 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên và có 4.273 chủ thể tham gia chương trình. Phấn đấu đến năm 2025, cả nước thực hiện đạt mục tiêu 10.000 sản phẩm OCOP.

TS Nguyễn Thị Thu Hường phát biểu tại hội thảo

TS Nguyễn Thị Thu Hường phát biểu tại hội thảo

Theo TS Nguyễn Thị Thu Hường, hiện việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm nông nghiệp OCOP ở các tỉnh thành có 2 hướng.
Một mặt, chủ thể sở hữu sản phẩm OCOP đã quan tâm và có ý thức xây dựng, bảo vệ thương hiệu sản phẩm thông qua việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ (SHTT) đối với các sản phẩm OCOP. Đồng thời các địa phương cũng quan tâm việc đăng ký bảo hộ thương hiệu sản phẩm OCOP.

Cụ thể, trong lĩnh vực nông nghiệp, giai đoạn 2018 – 2020, Cục SHTT đã cấp 517 đơn nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và chỉ dẫn địa lý hình thành các sản phẩm OCOP.

“Có thể thấy, hoạt động bảo hộ SHTT là công cụ đắc lực để phát triển kinh tế xã hội, tăng giá bán, sức cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, đem lại lợi nhuận kinh tế cho người sản xuất, kinh doanh”, TS Nguyễn Thị Thu Hường nhấn mạnh.

Nhưng bên cạnh đó bà cũng chỉ ra rằng, việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm OCOP chưa được nhiều chủ thể quan tâm đúng mức và thực hiện chưa thực sự hiệu quả. Một là, nhiều chủ thể sở hữu sản phẩm OCOP chưa thực hiện đăng ký bảo hộ SHTT đối với sản phẩm. Hai là, chủ thể lựa chọn hình thức bảo hộ SHTT sản phẩm OCOP chưa phù hợp với sản phẩm.

Đáng chú ý, theo TS Lưu Bình Dương - Phó trưởng khoa Luật ĐH Đông Á, thương hiệu sản phẩm là khái niệm mang tính thương mại. Việc bảo hộ thương hiệu sản phẩm nông nghiệp OCOP hiện nay đang được tiếp cận và hiểu là bảo hộ dưới ba đối tượng: Bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa; tên thương mại và chỉ dẫn địa lý sản phẩm nông sản OCOP.

Tuy nhiên pháp luật về SHTT không có quy định riêng, quy trình riêng cho việc đăng ký bảo hộ quyền SHTT đối với sản phẩm nông sản OCOP mà thực hiện theo quy định chung của pháp luật về SHTT. Vì vậy, để bảo hộ được thương hiệu sản phẩm nông sản OCOP, người sản xuất phải quan tâm, tích cực thực hiện Luật SHTT như là biện pháp bảo vệ chính mình thông qua các quy định pháp luật.

Nhiều bài học cay đắng

“Vấn đề pháp lý đặt ra thời gian qua là việc bảo hộ thương hiệu, xuất xứ hàng hóa đối với các sản phẩm OCOP chưa được quan tâm đúng mức. Đã xuất hiện các thông tin kêu cứu vì hàng hóa bị chiếm mẫu mã, thương hiệu, đánh tráo xuất xứ… làm giảm giá trị; mất quyền lợi chính đáng của các nhà sản xuất…”, Ths Lê Thị Thanh Lai, Phó trưởng khoa phụ trách khoa Luật, ĐH Đông Á nhấn mạnh.

Việc đăng ký sở hữu trí tuệ cho sản phẩm OCOP sẽ tạo điều kiện thuận lợi mở rộng thị trường trong nước và quốc tế

Việc đăng ký sở hữu trí tuệ cho sản phẩm OCOP sẽ tạo điều kiện thuận lợi mở rộng thị trường trong nước và quốc tế

Nhiều bài học cay đắng đã được nêu lên tại hội thảo, như gạo ST24, ST25 bị doanh nghiệp nước ngoài đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Mỹ. Nước mắm Phú Quốc từ năm 1982 bị 1 công ty trụ sở ở Mỹ đăng ký và được cấp nhãn hiệu “Nước mắm Phú Quốc” tại Mỹ, châu Âu, Úc và Trung Quốc; 1 công ty ở Hong Kong đăng ký bảo hộ độc quyền nhãn hiệu “Phú Quốc” cho nhóm hàng hóa 30 (trong đó có nước mắm) trên lãnh thổ Trung Quốc từ năm 2011.

“Một số vụ việc tương tự cũng xảy ra đối với nhãn hiệu nước mắm Phan Thiết, cà phê Buôn Ma Thuột... Điều đó có nghĩa nếu muốn xuất khẩu gạo ST24, ST25, nước mắm Phú Quốc… sang các quốc gia đã chấp nhận bảo hộ nhãn hiệu này thì chúng ta sẽ buộc phải xin phép doanh nghiệp chủ sở hữu thương hiệu đã được đăng ký ở quốc gia đó và phải trả tiền sử dụng thương hiệu, nếu không sẽ vi phạm quyền SHTT”, TS Nguyễn Thị Thu Hường nhấn mạnh.

Bà cũng khuyến cáo Việt Nam có nhiều sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu hàng đầu thế giới như gạo, cà phê, tiêu, điều, trái cây, rau quả, thủy, hải sản... nhưng có đến 80% sản lượng nông sản xuất khẩu hiện chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác riêng…

Nhiều chủ thể sau khi được chứng nhận OCOP thì yên tâm tập trung phát triển sản phẩm và đưa sản phẩm ra thị trường mà chưa chú ý việc đăng ký bảo hộ thương hiệu sản phẩm của mình, phần vì việc đăng ký chưa bắt buộc, phần vì các chủ thể sản xuất sản phẩm, tiêu thụ chủ yếu ở thị trường địa phương nên còn tâm lý chủ quan, chưa quan tâm việc đăng ký bảo hộ. Đến khi sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường thì đã bị chủ thể khác đăng ký trước.

“Không đăng ký SHTT đối với sản phẩm OCOP không chỉ gây khó khăn trong việc mở rộng thị trường trong nước mà còn đặc biệt khó khăn khi mở rộng ra thị trường quốc tế. Thực tế có nhiều sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam đã bị tranh chấp về quyền SHTT. Do đó việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm nông nghiệp OCOP ở Việt Nam hiện nay là nhu cầu tất yếu khách quan và ngày càng trở nên cấp bách.

Đăng ký SHTT cho sản phẩm OCOP sẽ tránh việc vô tình (hoặc cố ý) xâm phạm tài sản SHTT của bên khác. Điều này sẽ gây hậu quả pháp lý rất nặng nề, chủ thể sẽ phải nộp phạt hoặc nếu muốn khởi kiện để lấy lại thương hiệu cũng rất mất thời gian và tốn kém”, TS Nguyễn Thị Thu Hường nhấn mạnh.


Hải Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm