Hỗ trợ doanh nghiệp

Thủy sản Hùng Vương: Ánh sáng cuối đường hầm?

Thuế suất xuất khẩu cá tra vào Mỹ của CTCP Hùng Vương có thể sẽ được áp dụng mức 0%. Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết kết quả vụ xem xét hành chính lần thứ 14 (POR14) của Mỹ đột ngột giảm mạnh.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai Hệ thống đào tạo trực tuyến cho doanh nghiệp SMEs / Starbucks, Apple hết thời kiếm tiền dễ dàng ở Trung Quốc

Theo đó kết quả chính thức sẽ được Bộ Thương mại Mỹ công bố trong sáu tháng tới, nhưng trong khoảng thời gian từ 1-6-2016 đến 31-7-2017, Hùng Vương có mức thuế suất chống bán phá giá là 0%; các công ty khác chịu mức 0,41 đô la Mỹ/ki lô gam. Để so sánh, hầu hết doanh nghiệp thủy sản Việt Nam theo kết quả POR13 bị áp mức thuế chống bán phá giá 3,87 đô la/ki lô gam.

Thông tin này đến vào giữa lúc nền tảng cơ bản của Hùng Vương vẫn khá bộn bề. Theo báo cáo tài chính chín tháng công ty tự lập, chưa kiểm toán, HVG còn nợ ngắn hạn 3.351 tỉ đồng cộng nợ dài hạn 335 tỉ đồng; lỗ lũy kế đến ngày 30-6-2018 tới 646 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu chỉ còn 1.767 tỉ đồng, đồng nghĩa giá trị sổ sách là 7.780 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên trong vòng ba tháng gần nhất, thị giá cổ phiếu HVG đã chuyển động từ 2.400 đồng lên 5.190 đồng.

Chế biến cá tra xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở ĐBSCL.

Trong trường hợp Bộ Thương mại Mỹ giữ nguyên thuế chống bán phá giá 0% cho Hùng Vương khi công bố kết quả chính thức, đây sẽ là một trong những động lực mạnh để “vua cá tra” một thời trở lại đường đua.

Gục ngã ở “thiên đường”

Những năm 2009-2011 Hùng Vương thâm nhập mạnh mẽ thị trường Ukraina. Nhờ sự hợp tác với một đối tác Việt kiều tại đây, ông Lô Bằng Giang (người sau đó tham gia thành viên hội đồng quản trị và từng sở hữu một tỷ lệ không nhỏ cổ phiếu HVG), các sản phẩm cá tra của Hùng Vương có mặt ở nhiều siêu thị lớn không chỉ Kiev, mà cả các địa phương của đất nước 45 triệu dân này.

Cùng thời gian ấy, HVG duy trì xuất khẩu vào Mỹ và lấn sân sang thị trường Nga. Năm 2011, lợi nhuận sau thuế của công ty đạt gần 420 tỉ đồng trong khi vốn điều lệ chỉ bằng phân nửa hiện nay và vốn chủ sở hữu đã vượt 2.000 tỉ đồng. Nhưng rồi vì những lý do cả khách quan và chủ quan, Hùng Vương dần mất thị trường Ukraina.

Năm 2015, người viết bài này gặp ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị HVG tại Moscow trong Triển lãm hàng hóa Việt Nam, ông tỏ ra lạc quan về triển vọng mở rộng thị trường Nga. Ông nói thị trường Nga nếu khai thác tốt, sự thành công sẽ còn lớn hơn cả thị trường Ukraina trước đó.

 

Hùng Vương thậm chí lên kế hoạch nhập khẩu cá từ Nga về gia công chế biến và xuất khẩu trở lại. Lúc ấy doanh số xuất khẩu của HVG vào Mỹ thông qua công ty con Agifish đã giảm, nhưng chưa mất hẳn. Agifish trước khi về với HVG, vốn là một doanh nghiệp xuất khẩu cá tra hàng đầu vào Mỹ và nhiều năm được hưởng mức thuế chống bán phá giá 0%.

Tuy vậy thị trường Nga rộng lớn và không quá khắt khe về chất lượng đã không mang lại may mắn cho Hùng Vương. Các đối tác nhập khẩu sản phẩm của HVG ở Nga đều sử dụng phương pháp trả chậm (bán hàng xong mới thanh toán) và trong bối cảnh bị Mỹ cấm vận kinh tế, đồng rúp lao dốc 50-60% (từ mức 30 rúp đổi 1 đô la Mỹ lên 65-75 rúp/đô la Mỹ), Hùng Vương bị thiệt hại.

Bị chiếm dụng vốn, bị lỗ vì tỷ giá rúp/đô la Mỹ ở nước ngoài, HVG lại sai lầm trong nước khi gia tăng vay vốn ngân hàng, thực thi các phi vụ M&A đình đám như mua lại Công ty Thủy sản Tắc Vân, Thực phẩm Sao Ta, Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng và nâng quy mô các công ty con sẵn có nhằm khép kín chu trình từ nuôi đến xuất khẩu cá tra. Chưa hết, HVG còn lấn sân sang chăn nuôi heo ngay trước thời điểm giá heo hơi rớt thảm, đến nỗi nhiều hộ nông dân treo chuồng.

“Đại gia chân đất”

Trong kinh doanh, tham vọng giống như con dao hai lưỡi. Thiếu tham vọng, doanh nghiệp chỉ mãi giẫm chân tại chỗ. Tham vọng quá lớn và biến tham vọng thành hiện thực không đúng thời điểm, có thể gây nên khủng hoảng, thậm chí đổ vỡ.

 

Hùng Vương đã rơi vào trường hợp kinh điển thứ hai.

Có thể ví ông Dương Ngọc Minh là “đại gia chân đất” dù bề ngoài ông có dáng vẻ nghệ sĩ lãng tử với quần jean, áo phông. Ông không xài xe sang, không hoa hòe hoa sói, suốt ngày quần quật ở các nhà máy chế biến hay ao nuôi trồng cá, tôm ở tỉnh. Hùng Vương cũng không xây dựng trụ sở bề thế ở TPHCM. Ngoài văn phòng công ty ở đường Nguyễn Du, quận 1, HVG vẫn duy trì một văn phòng giao dịch ở một góc tòa nhà Châu Văn Liêm, quận 5, thuê đã hàng chục năm của SaigonBank.

Ông Minh tự nguyện, lặng lẽ gắn bó với con cá tra và bươn chải để tìm thị trường xuất khẩu. Ông nói ông đủ giàu nếu duy trì công ty ở mức vừa phải vì nhu cầu của ông hàng ngày chỉ là hút thuốc lá, uống cà phê, cơm hai bữa. Nhưng ông có niềm tự hào cao độ khi thấy con cá tra Việt Nam có mặt ở hệ thống siêu thị các quốc gia Nga, Mỹ và đủ sức cạnh tranh công bằng với cá nội địa.

Hồi những năm 2012-2014 ông hay ngồi ở quán cà phê trên đường Nguyễn Văn Cừ, quận 5. Các khách hàng đôi khi đến tìm ông ở đó. Một lần vào tháng 10, đại diện một nhà nhập khẩu nước ngoài đến năn nỉ ông bán hàng cho họ để kịp mùa Giáng sinh. Khi ấy cá tra đang giá cao, song ông đồng ý bán bằng giá đã thương lượng. Ông nói phải tính hợp tác đường dài với họ.

Uy tín của ông, uy tín trên thương trường của Hùng Vương thời đó là điều không thể phủ định. Nhiều ngân hàng sẵn sàng hỗ trợ ông về vốn. Trong khi các doanh nghiệp khác ngược xuôi thuyết phục ngân hàng để được giải ngân, ông Minh nói các ngân hàng nước ngoài cho HVG vay ngoại tệ, lãi suất chỉ 3-3,5%/năm. Hiện nay, trong thời điểm khó khăn, các ngân hàng cho Hùng Vương vay vẫn là những tên tuổi lớn BIDV, Vietcombank, Agribank.

 

Đứng dậy

Nợ của Hùng Vương phình nhanh từ năm 2015 và đến cuối năm 2016 đã gần tới 9.000 tỉ đồng. Từ năm 2017 trong các báo cáo tài chính của công ty, kiểm toán liên tục khuyến cáo về tổng nợ ngắn hạn đã vượt tài sản ngắn hạn và đặt dấu hỏi về khả năng hoạt động liên tục.

Trên thực tế, sau những đợt M&A, các tài sản của Hùng Vương đều mang lại khoản lợi nhuận rất lớn nếu công ty chuyển nhượng. Thí dụ, Công ty Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng được một số đối tác trả trên 5 chấm (tức 50.000 đồng/cổ phiếu). Nếu bán Việt Thắng bấy giờ, HVG có thể có lời ngay hàng trăm tỉ đồng. Thực phẩm Sao Ta cũng ăn nên làm ra, và không ít đối tác hỏi mua.

Thay bằng chốt lời ngay để có cả ngàn tỉ đồng lợi nhuận, HVG đã vướng vào “bánh xe đổ” vay vốn ngắn hạn để đầu tư dài hạn và không quản lý hiệu quả khi quy mô doanh nghiệp nở nồi. Trả lãi vay hàng trăm tỉ đồng mỗi năm đã “ngốn” hết lợi nhuận, chưa kể sức ép thị trường xuất khẩu co hẹp.

Chuyện phải đến đã đến. HVG đã phải bán các tài sản từ bất động sản đến công ty con để trả nợ. Đến cuối tháng 6-2018 nợ vay của Hùng Vương đã giảm về 3.686 tỉ đồng, trong đó chỉ riêng quí 2-2018 giảm gần 2.000 tỉ đồng. Tài sản ra đi, doanh thu giảm mạnh cả xuất khẩu lẫn nội địa, bù lại HVG bắt đầu ghi nhận lợi nhuận dương.

 

Ít nhất Hùng Vương vẫn còn cơ hội phục hồi và là cơ hội lớn. Các cơ sở nuôi trồng, chế biến cá tra vẫn còn đó. Việc đưa hàng xuất khẩu trở lại Mỹ với mức thuế 0% Hùng Vương đủ sức làm và chắc chắn có lời với mức thuế trên.

Nợ giảm, quy mô nhỏ lại, guồng máy xuất khẩu vào thị trường cũ mà mới khởi động, Hùng Vương đã nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm. Kinh nghiệm mà ông Dương Ngọc Minh trải qua những năm tháng vừa qua không thể nói là ngọt ngào. Nó mặn và đắng, nó được trả bằng lợi nhuận của doanh nghiệp. Sự đứng dậy từ thất bại, lấy lại vị thế “vua cá tra” là việc mà Hùng Vương phải chứng minh cho cổ đông, cho thị trường lúc này.

Theo ndh.vn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm