Hỗ trợ doanh nghiệp

Thủy văn bất lợi, doanh nghiệp thủy điện ‘cạn’ lợi nhuận

Theo báo cáo mới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết đang phải huy động tối đa các nguồn nhiệt điện có giá thành cao để bù đắp cho sản lượng điện thiếu hụt từ các nhà máy thủy điện, do lưu lượng nước về và mực nước tại các hồ thủy điện rất thấp so với cùng kỳ nhiều năm.

Liên kết doanh nghiệp - nông dân: Giải pháp hiệu quả trong xuất khẩu trái cây sang Mỹ / Bảo hiểm Hàng không gia nhập Doanh nghiệp Bảo hiểm 1.000 tỷ đồng

Báo cáo cho thấy tổng dung tích hữu ích hiện có ở các hồ chứa thủy điện khoảng 19,25 tỷ m3, thấp hơn cùng kỳ năm 2018 là 6,8 tỷ m3. Sản lượng điện từ các nhà máy thủy điện toàn hệ thống đạt 58,2 tỷ kWh, giảm 19% so với cùng kỳ và chiếm khoảng 29% tổng sản lượng điện cả nước.

d-1-2310-1574268327.png

Cơ cấu sản lượng điện từ các nguồn điện. Nguồn: EVN

EVN cho biết ngoại trừ một số hồ thủy điện ở miền Nam và Tây Nguyên có lưu lượng nước tương đương trung bình nhiều năm, nhiều hồ thủy điện lớn ở Bắc Bộ và Trung Bộ đến nay nước vẫn về thấp hơn rất nhiều so với năm 2018 cũng như trung bình nhiều năm.

Theo báo cáo của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), từ cuối năm 2018 đến nay, tình hình thủy văn bất lợi nhất là hiện tương El Nino làm cho lượng nước tại các hồ thủy điện ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm, từ đó tác động tiêu cực đến lợi nhuận của các doanh nghiệp thủy điện.

Theo dự báo của Viện nghiên cứu thời tiết quốc tế của Đại học Columbia, xác suất hiện tương El Nino trong cuối năm 2019 và đầu năm 2020 đã giảm mạnh và chỉ còn khoảng 40%. Tuy nhiên lượng mưa thấp trong mùa mưa năm 2019 làm cho các hồ thủy điện không tích được nước dẫn tới các doanh nghiệp thủy điện sẽ tiếp tục khó khăn cho ít nhất đến hết nửa đầu năm 2020.

Chi phí sản xuất điện từ các nhà máy thủy điện thấp hơn các nhà máy nhiệt điện, do đó EVN thường huy động tối đa nguồn điện này. Tuy nhiên, rủi ro lớn đối với các công ty thủy điện chính là tình hình thủy văn, ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận doanh nghiệp.

Công ty thủy điện giảm lợi nhuận

Hiện nay các nhà máy thủy điện lớn nhất cả nước như Sơn La (2.400MW), Hòa Bình (1.920MW), Lai Châu (1.200MW)... vẫn thuộc quản lý trực tiếp của EVN. Các nhà máy thủy điện khác có quy mô nhỏ hơn đã bắt đầu được các Genco, các tập đoàn kinh tế và nhà đầu tư tư nhân khác tham gia phát triển.

Các công ty thủy điện cũng xuất hiện nhiều hơn trên sàn chứng khoán với khối lượng trên 20 đơn vị như Thác Mơ, Vĩnh Sơn Sông Hinh, Hủa Na, Bắc Hà, Hương Sơn... Đa số các công ty này cho thấy thực trạng chung là doanh thu và lợi nhuận giảm mạnh trong 9 tháng năm 2019.

Thủy điện Hủa Na (UPCoM: HNA) ghi nhận lợi nhuân sau thuế quý III chỉ đạt 123 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ. Điều này là do lưu lượng nước về hồ trung bình trong kỳ chỉ đạt gần 130 m3/s, bằng 29% so với quý III/2018; từ đó sản lượng điện chỉ đạt 239 triệu kWh, bằng 68% cùng kỳ.

Lũy kế 9 tháng, doanh thu của Hủa Na giảm 12% và lãi sau thuế giảm 22% còn 138 tỷ đồng. Hiện công ty quản lý Nhà máy thủy điện Hủa Na có công suất thiết kế 180MW, ngoài ra còn nghiên cứu đầu tư Nhà máy thủy điện Hủa Na A và dự án Nhà máy điện mặt trời nổi tại hồ thủy điện.

Thủy điện Cần Đơn (HoSE: SJD) cũng có kết quả kém khả quan chủ yếu do nguồn nước thiên nhiên thấp dẫn đến sản lượng phát điện giảm so với cùng kỳ. Doanh thu 9 tháng giảm 23% còn 317 tỷ đồng và lợi nhuận đạt 116 tỷ đồng, giảm 37%so với cùng kỳ.

d-28-5043-1574268327.png

Kết quả kinh doanh một số công ty thủy điện trong 9 tháng.

CTCP Sông Ba (HoSE: SBA) ghi nhận kết quả quý III thấp do thời tiết diễn biến bất thường, số ngày mưaít hơn cùng kỳ dẫn đến sản lượng phát điện giảm. Doanh thu quý III giảm 46% còn 30 tỷ và lợi nhuận giảm 77% xuống 22 tỷ đồng.

Sau 9 tháng, Sông Ba có doanh thu giảm 4% và lợi nhuận giảm nhẹ còn 68 tỷ đồng. Hiện công ty quản lý 2 nhà máy thủy điện là Khe Diên (công suất 9MW) và Krông H’năng (công suất 64MW).

Hay như Thủy điện Vĩnh Sơn Sông Hinh (HoSE: VSH) thậm chí còn thua lỗ 4 tỷ đồng trong khi cùng kỳ có lãi 17 tỷ. Công ty lý giải tình hình thủy văn xấu do hạn hán kéo dài làm ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, tổng sản lượng điện chỉ đạt 66 triệu Kwh, giảm 58% so vớiquý III năm ngoái.

Lũy kế 9 tháng, doanh nghiệp có lãi 108 tỷ đồng, giảm 61% so với cùng kỳ và hoàn thành 57% kế hoạch năm. Công ty đang quản lý 2 nhà máy thủy điện là Vĩnh Sơn và Sông Hinh có tổng công suất 136MW. Ngoài ra, VSH còn đầu tư dự án lớn Thủy điện Thượng Kon Tum có công suất 220MW.

Đa dạng hóa sang điện mặt trời

Chuyển hướng sang đầu tư điện mặt trời đang được các công ty thủy điện quan tâm, không chỉ Thủy điện Hủa Na đang nghiên cứu nhà máy điện mặt trời nổi trên hồ mà một số công ty khác thậm chí đã phát điện thương mại.

Công ty Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi (UPCoM: DNH) ghi nhận kết quả tăng trưởng trong 9 tháng nhờ được bổ sung sản lượng từ dự án mở rộng và điện mặt trời. Báo cáo quý III cho thấy doanh thu DNH tăng 44% lên 780 tỷ và lợi nhuận sau thuế tăng 78% đạt gần 453 tỷ đồng. Kết quả này đã xóa đi mức giảm lớn trong 6 tháng đầu năm và giúp lợi nhuận 9 tháng đạt 844 tỷ đồng, tăng 4%.

Được biết, DNH đã đưa Nhà máy điện mặt trời Đa Mi vào vận hành thương mại từ ngày 1/6 để được hưởng ưu đãi giá điện đến 9,35 cent/kWh. Nhà máy thủy điện Đa Nhim mở rộng cũng hoạt động vượt công suất thiết kế giúp tăng thêm sản lượng cho doanh nghiệp.

Công ty DNH đang quản lý các nhà máy thủy điện có tổng công suất gần 643MW, bao gồm Thủy điện Đa Nhim (160MW), Thủy điện Hàm Thuận (300MW), Thủy điện Đa Mi (175MW) và Thủy điện Sông Pha (7,5MW), chưa bao gồm việc mở rộng thủy điện Đa Nhim và điện mặt trời Đa Mi.

d-3-9870-1574268328.png

Nhà máy Điện mặt trời nổi hồ Đa Mi vận hành thương mại từ 1/6. Ảnh: EVN

Công ty Thủy điện miền Trung (HoSE: CHP) cũng có kết quả tích cực khi doanh thu 9 tháng tăng 78% lên 384 tỷ đồng và có lãi 49 tỷ (cùng kỳ vẫn thua lỗ 45 tỷ đồng).

Kết quả này là do công ty chính thức vận hành thương mại Nhà máy điện mặt trời Cư Jút từ quý II giúp tăng thêm sản lượng hơn 36 triệu kWh. Ngoài ra, Nhà máy Thủy điện A Lưới cũng tăng 29% sản lượng do tình hình thủy văn tại Huế năm nay thuận lợi hơn dẫn đến tổng doanh thu phát điện tăng tương ứng.

Hay như Thủy điện Gia Lai (UPCoM: GHC) đang vận hành 2 nhà máy thủy điện H’Mun và H’Chan có tổng công suất 28 MW cùng một nhà máy điện mặt trời Hàm Phú 2 có công suất 49MW. Trong đó, Hàm Phú 2 được vận hành thương mại vào cuối tháng 4.

Báo cáo 9 tháng mới đây của GHC cho thấy Hàm Phú 2 dù mới đi vào hoạt động nhưng có đóng góp sản lượng lớn nhất cho công ty với gần 34 triệu kWh. Trong khi đó nhà máy H’Mun có sản lượng 30 triệu kWh và H’Chan chỉ đạt 24,5 triệu kWh.

d-4-9948-1574268328.png

Nhà máy điện mặt trời Hàm Phú 2. Ảnh: Thanh niên.

Nhờ sự đóng góp lớn của dự án điện mặt trời, GHC ghi nhận doanh thu 9 tháng tăng 39% lên 157 tỷ đồng và giúp cho lợi nhuận chỉ còn giảm 4% xuống 71 tỷ đồng. Dự án Hàm Phú sẽ còn tiếp tục là động lực tăng trưởng cho công ty ít nhất trong cuối năm 2019.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm