Hỗ trợ doanh nghiệp

Tiềm năng "bỏ ngỏ" cho hàng Việt tại Bắc Âu

DNVN - Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại khẳng định, Thụy Điển và Na Uy là 2 thị trường còn nhiều tiềm năng bị "bỏ ngỏ" cho đa dạng hàng Việt tại khu vực Bắc Âu. Cần nhiều hơn nữa hoạt động quảng bá cụ thể, dự án thu hút đầu tư của Việt Nam với 2 thị trường này.

Chủ tịch Savipharm Trần Tựu: Đề xuất chuyển khu chế xuất Tân Thuận thành khu công nghệ, đất ở có một số vấn đề không hợp lý / CEO Đỗ Khắc Hà: Tadi muốn "chia lửa" với tài xế taxi giữa lúc thị trường gặp khó khăn

Đề xuất mở đường bay thẳng Việt Nam - Thụy Điển
Trong khuôn khổ Chương trình cấp quốc gia về Xúc tiến thương mại năm 2022, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển (kiêm nhiệm Na Uy) tổ chức Đoàn giao dịch thương mại tại Thụy Điển và Na Uy từ ngày 6 - 16/8.
Tham gia đoàn giao dịch có Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thái Bình; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi; ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại; lãnh đạo các Sở Công Thương Thái Bình, Quảng Ngãi, cùng đại diện 23 doanh nghiệp từ 8 tỉnh, thành phố của Việt Nam trong các lĩnh vực nông sản, thực phẩm, hàng tiêu dùng, may mặc, da giày, cơ khí, ô tô, công nghệ thực phẩm, năng lượng tái tạo...
Trong số này có 12 doanh nghiệp tỉnh Thái Bình tham gia đoàn nhằm mục tiêu khảo sát thực địa thị trường, tiếp xúc và tạo dựng các mối quan hệ đối tác kinh doanh và đầu tư tiềm năng với các doanh nghiệp Thuỵ Điển và Na Uy.

Ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại phát biểu tại buổi làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Thuỵ Điển ngày 9/8/2022.
Tại Hội thảo cơ hội kinh doanh với thị trường Thuỵ Điển tại trụ sở Đại sứ quán Việt Nam tại Thuỵ Điển ngày 9/8 mới đây, Đại sứ Phan Đăng Đương cho biết, Đại sứ quán đang thúc đẩy triển khai đề xuất mở đường bay thẳng Việt Nam - Thụy Điển để tạo cơ hội thuận tiện cho hàng hóa vào Thụy Điển và Bắc Âu nhiều hơn trong thời gian tới.
Bà Nguyễn Hoàng Thuý - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Thuỵ Điển (kiêm nhiệm Na Uy) đã thông tin giúp Đoàn hiểu hơn về thị hiếu tiêu dùng, năng lực nhập khẩu, khả năng tiếp cận thị trường Thụy Điển. Một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Thụy Điển hiện nay đã nhiều hơn hàng của Thái Lan và Campuchia.
Trong chương trình công tác tại Thuỵ Điển, đoàn đã đến giao dịch trực tiếp với nhiều kho hàng nhập khẩu, đầu mối phân phối hàng thực phẩm, thuỷ sản, hàng tiêu dùng các loại từ các thị trường nhằm tìm hiểu cách thức vận hành hoạt động của các kho hàng, nhu cầu hàng hoá của thị trường Thuỵ Điển thông qua lưu lượng xuất, nhập hàng của các kho.

Đoàn thăm các kho hàng phân phối, nhập khẩu thực phẩm, hàng tiêu dùng tại Thuỵ Điển.
Cơ hội hợp tác trong nhiều lĩnh vực
Với chương trình công tác tại Na Uy, đoàn đã đến giao dịch với nhà nhập khẩu Scanesia Á về nông sản, thực phẩm; tham gia Hội thảo kết nối giao thương Việt Nam – Na Uy vào ngày 12/8.
Ông Lê Hồng Lam - Đại sứ Việt Nam tại Na Uy cho rằng, trong bối cảnh bình thường mới, khi đại dịch chưa hoàn toàn chấm dứt, thế giới, châu Âu, Na Uy và Việt Nam còn gặp vô vàn khó khăn, thách thức nhiều mặt, sự quan tâm và quyết tâm của doanh nghiệp hai nước tiến hành những hoạt động cụ thể nhằm góp phần phục hồi, củng cố và tăng cường quan hệ kinh tế Việt Nam – Na Uy.
Tại Hội thảo, ông Ole Henaes - đại diện Vụ Châu Á và Trung Đông, Cơ quan Xúc tiến thương mại và đầu tư Na Uy (Bộ Công nghiệp Thương mại và Thuỷ sản Na Uy) cho biết, kinh tế Na Uy dựa nhiều vào thương mại xuất nhập khẩu và luôn tìm kiếm đối tác chiến lược lâu dài với các nước trong đó có Việt Nam.
Ông Ame Kjetil Lian, Tham tán thương mại Na Uy tại Việt Nam, kiêm Giám đốc Văn phòng đại diện Cơ quan Xúc tiến thương mại và đầu tư Na Uy tại Hà Nội khẳng định, hợp tác đầu tư kinh doanh giữa Na Uy và Việt Nam có nhiều cơ hội trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, khí hóa lỏng, nông nghiệp, thủy hải sản, kinh tế tuần hoàn.
Trong phiên giao thương của hội thảo, trên 50 doanh nghiệp Việt Nam và Na Uy đã có cơ hội tiếp xúc, thực hiện hàng loạt các cuộc giao dịch trực tiếp, tìm hiểu năng lực và nhu cầu hợp tác thương mại, đầu tư vào các lĩnh vực tiềm năng còn "bỏ ngỏ" giữa hai nước.

Giao thương doanh nghiệp Việt Nam – Na Uy.
Xuyên suốt các cuộc hội thảo và chương trình làm việc của đoàn, ông Nguyễn Quang Hưng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thái Bình đã quảng bá năng lực phát triển kinh tế của địa phương. Đó là việc xây dựng và vận hành Khu kinh tế Thái Bình phục vụ tốt cho phát triển các khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ, những dự án giao thông quan trọng đang được đầu tư rút gắn thời gian di chuyển từ Thái Bình đi các tỉnh phía Bắc Việt Nam, trong đó có sân bay Cát Bi, cảng biển Lạch Huyện, thành phố Hải Phòng… Đồng thời, lãnh đạo tỉnh Thái Bình cũng kêu gọi các doanh nghiệp Thuỵ Điển và Na Uy tích cực tăng cường tìm hiểu, hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp và đầu tư vào tỉnh Thái Bình.
Cùng với Thái Bình, ông Trần Phước Hiền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng chia sẻ về những tiềm năng và nội lực phát triển kinh tế của địa phương. Đặc biệt là các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài thông thoáng, tạo nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp Thuỵ Điển và Na Uy tham gia đầu tư vào tỉnh Quảng Ngãi trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, điện gió…
Đại diện phái đoàn giao dịch thương mại, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã giới thiệu tới các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp Thuỵ Điển và Na Uy nhiều tiềm năng hợp tác kinh doanh và đầu tư với Việt Nam. Ông Vũ Bá Phú cho rằng, cần nhiều hơn nữa hoạt động quảng bá cụ thể, hiệu quả về hàng hoá, dự án thu hút đầu tư của Việt Nam với thị trường Thuỵ Điển và Na Uy, cũng như thực hiện các hoạt động tuyên truyền trực tiếp, sâu rộng tới từng nhóm khách hàng mục tiêu tại hai thị trường Bắc Âu quan trọng này trong thời gian tới.
Qua chuyến công tác, đoàn nhận thấy Bắc Âu là một thị trường nhiều tiềm năng cho hàng hoá Việt Nam với sức mua khá, cần được khai thác trong thời gian tới. Nhiều doanh nghiệp của doàn đã có cơ hội học hỏi được phương pháp, kỹ năng, kinh nghiệm quản lý doanh nghiệp, phát triển thị trường, nắm bắt được những tiêu chuẩn, quy chuẩn hàng hóa mà Thụy Điển, châu Âu quy định. Từ đó có sự đổi mới từ quản trị doanh nghiệp tới hoạt động sản xuất, kinh doanh để nâng cao doanh thu và hội nhập thành công.
Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm