Hỗ trợ doanh nghiệp

TP.HCM: Cần thêm nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động

DNVN - Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp TP.HCM đã gửi kiến nghị lên UBND TP.HCM, trong đó đề xuất thêm nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, đồng thời đơn giản hóa thủ tục để đẩy nhanh tiến độ giải ngân trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Bà Rịa - Vũng Tàu: Hàng trăm tấn hải sản không có người mua, ngư dân như "ngồi trên đống lửa" / Bà Rịa-Vũng Tàu: Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ứng dụng máy móc công nghệ

Ngày 25/6, Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp TP.HCM (Hepza) cho biết, vừa đề xuất lên UBND TP.HCM một số chính sách hỗ trợ cho người lao động và các doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Theo Hepza, trong năm 2020, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19. Hiện Chính phủ và TP.HCM cũng đang tiếp tục xây dựng các gói hỗ trợ (đợt 2) năm 2021.

Bên cạnh các chính sách đang xây dựng theo đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH và Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, Hepza cũng có những đề xuất, kiến nghị UBND TP.HCM một số chính sách khác.

Cụ thể, đối với các gói hỗ trợ của Chính phủ, Hepza đề xuất UBND TP.HCM kiến nghị Chính phủ tiếp tục duy trì các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp năm 2020 như lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn. Tiếp tục thực hiện giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021 đối với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2021 không quá 200 tỷ đồng.

Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của làn sóng Covid-19 lần thứ 4

Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của làn sóng Covid-19 lần thứ 4.

Đối với gói hỗ trợ doanh nghiệp vay trả lương cho người lao động trong thời gian ngừng việc và trả lương cho người lao động trong thời gian doanh nghiệp bị tạm dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước để phòng, chống dịch Covid-19, Hepza kiến nghị Chính phủ xem xét tăng thời hạn cho vay là 12 tháng, lãi suất 0%.

Đồng thời, mở rộng nguồn vốn vay ngoài Ngân hàng Chính sách xã hội (bằng nguồn tái cấp vốn từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) có thể vay từ các tổ chức tín dụng khác theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước để doanh nghiệp giảm áp lực về tiền lương chi trả cho người lao động trong thời gian dịch bệnh, doanh nghiệp có một nguồn vốn lưu động nhất định để tái sản xuất.

Theo Hepza, Chính phủ cần sớm ban hành các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động theo đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH. Các chính sách hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp cần đơn giản thủ tục, giải quyết nhanh để hỗ trợ kịp lúc cho người lao động và doanh nghiệp.

Giãn thời gian nộp BHXH cho công nhân

Theo Hepza, Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) quy định mức đóng BHXH hằng tháng của người sử dụng lao động chiếm 17,5% tổng quỹ lương của doanh nghiệp, đây là khoản chi phí khá lớn đối với doanh nghiệp (đặc biệt là doanh nghiệp có đông lao động) và yêu cầu phải nộp trong thời gian quy định. Việc chậm nộp cũng ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động và doanh nghiệp còn bị phạt chậm nộp. Do đó, Hepza kiến nghị Chính phủ bổ sung khoản hỗ trợ giãn thời gian nộp Bảo hiểm xã hội từ 6 đến 12 tháng để doanh nghiệp ổn định, phục hồi sản xuất; đảm bảo quyền lợi người lao động.

Đối với các gói hỗ trợ của TP.HCM, Hepza đề xuất điều chỉnh tăng mức trợ cấp đối với trường hợp mất việc (bị doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng lao động do khó khăn vì Covid-19). Năm 2020, mức trợ cấp đối với trường hợp mất việc là 1 triệu đồng/tháng, áp dụng trong 3 tháng.

Về thủ tục nhận hỗ trợ, đối với trường hợp tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc ngừng việc không hưởng lương, đề nghị bỏ bớt thủ tục phải có đơn đề nghị hỗ trợ của người lao động, vì đã có danh sách do công ty lập, có xác nhận của Bảo hiểm xã hội. Mặt khác, khi công ty thực hiện tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc ngừng việc không hưởng lương, hầu hết người lao động về quê, việc yêu cầu người lao động quay lại thành phố để ký đơn gây khó khăn cho người lao động.

Ngoài ra, Hepza cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo Ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn lưu động (doanh nghiệp gặp khó khăn do vật tư, nguyên vật liệu tăng giá, vay vốn trả lương…) phục vụ sản xuất, bảo lãnh thanh toán các Hợp đồng mua bán nguyên vật liệu với mức lãi suất 0% đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19, đồng thời giảm chi phí về điện, nước trong phục vụ sản xuất kinh doanh.

Đức Linh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm