Hỗ trợ doanh nghiệp

TP. HCM: Nhà đầu tư nhạy cảm với rủi ro quốc gia và tham nhũng

DNVN - Đại diện của các doanh nghiệp cho rằng, hiện nay hình thức đầu tư hợp tác công tư (PPP) tại TP.HCM chưa thực sự thu hút được nhà đầu tư, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Lâm Đồng: Ra mắt Chi hội Doanh nghiệp huyện Đam Rông / Các nhà nhập khẩu Singapore để mắt đặc biệt tới hơn 18 loại nông sản ở Lâm Đồng

Đó là nội dung được các đại diện doanh nghiệp đưa ra tại buổi hội thảo quốc tế về hợp tác công tư (PPP) trong một số lĩnh vực vừa diễn ra tại TP.HCM.

Rào cản trong hợp tác công tư

Nêu lên tình hình đầu tư trên địa bàn TP.HCM, đặc biệt với hình thức đầu tư PPP, UBND TP cho biết thời gian qua lượng dự án thực hiện theo hình thức PPP này chỉ chiếm 5% trong tổng số dự án đầu tư công của thành phố, trong khi nguồn lực xã hội đã huy động gấp 3 lần tổng nguồn lực đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Về vấn đề đầu tư PPP, nhiều đại diện của doanh nghiệp nêu ý kiến lo ngại về một số vấn đề thiếu minh bạch trong môi trường đầu tư, nhất là với hình thức đầu tư PPP sẽ tạo rào cản với nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Gánh nặng thủ tục và chi phí khiến nhiều doanh nghiệp nước ngoài "ngại" đầu tư vào TP.HCM (Ảnh: TL)

Gánh nặng thủ tục và chi phí khiến nhiều doanh nghiệp nước ngoài "ngại" đầu tư vào TP.HCM (Ảnh: TL)

Chỉ ra những hạn chế trong thu hút đầu tư PPP tại TP.HCM, bà Victoria Rigby Delmon (chuyên gia cao cấp của Ngân hàng thế giới) cho biết, nguyên nhân là thiếu kinh nghiệm đầu tư, nhiều dự án có kết quả không nhất quán.

Ngoài ra, hầu hết các dự án đều có các phương án tuyển chọn từ một nguồn duy nhất, hoặc theo đề xuất của nhà đầu tư với phần lớn dự án BT (đổi đất lấy hạ tầng) dẫn tới thiếu tính minh bạch và cạnh tranh. "Nhà đầu tư tư nhân rất nhạy cảm với rủi ro quốc gia, đặc biệt là tham nhũng", bà Victoria cho biết.

Trong khi đó, bà Amanda Rasmussen, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) đánh giá, TP.HCM đã có nhiều cải tiến trong xây dựng cải cách hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, thành phố nên tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính như: Kiểm tra sau nhập khẩu, kiểm tra thuế.

Một số ý kiến bày tỏ mong muốn thành phố tiếp tục có những điều chỉnh nhằm giảm chi phí cho doanh nghiệp và giảm phức tạp trong thủ tục hành chính về đầu tư kinh doanh. "Những thay đổi tích cực này sẽ góp phần giúp TP.HCM tăng khả năng cạnh tranh và tăng trưởng kinh tế trong tương lai", Amanda Rasmussen nhận định.

 

Ông Ousmane Dione (Giám đốc Quốc gia tại Việt Nam, Ngân hàng Thế giới) đánh giá, TP.HCM là một đại đô thị, thu hút vốn đầu tư nước ngoài đứng đầu cả nước. Để duy trì lợi thế cạnh tranh cũng như giải quyết các thách thức từ tốc độ đô thị hóa nhanh, thành phố cần đầu tư hạ tầng nhiều hơn, đặc biệt là lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục và môi trường.

Ông Ousmane Dione cũng đề cập thành phố cần có khung pháp lý, quy định và thể chế phải rõ ràng, chặt chẽ để giúp các nhà đầu tư có thể chấp nhận rủi ro trong dài hạn với mức độ chắc chắn nhất định.

Thay đổi để tạo đà phát triển

Đến nay, TP.HCM đã thu hút được hơn 8.000 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đăng ký gần 45 tỷ USD. Việc đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài giữ vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế thành phố. Trong đó, xuất khẩu của doanh nghiệp nước ngoài bình quân mỗi năm chiếm gần 59% tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố (khoảng 20 tỷ USD).

Dù không ngừng tăng cường thu hút đầu tư, nhưng hiện nay nguồn vốn FDI của TP.HCM chưa đạt được mục tiêu đề ra. Do đó, chính quyền thành phố đã cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nước ngoài, cũng như nhanh chóng thực hiện thay đổi cần thiết để thu hút dòng vốn ngoại.

 

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, sẽ cải cách mạnh mẽ và minh bạch để các doanh nghiệp đầu tư thuận lợi.

Theo ông Nguyễn Thành Phong, PPP là một trong giải pháp tối ưu để giải quyết bài toán thiếu vốn về đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ, nhất là các địa phương có nhu cầu đầu tư lớn như TP.HCM.

Thành phố mong muốn các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp kiên trì hợp tác đầu tư, đặt niềm tin vào các cải cách của thành phố. Chúng tôi cam kết tạo mọi điều kiện tốt nhất để thành phố là điểm đến đầu tư lâu dài.

Về vấn đề này, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, mỗi đồng vốn đầu tư vào nền kinh tế không chỉ đem lại lợi ích cho doanh nghiệp, nhà đầu tư mà còn là “lá phiếu” ủng hộ của doanh nghiệp với chính quyền thành phố trong nỗ lực cải cách, xây dựng hệ thống hành chính kiến tạo, cùng doanh nghiệp đóng góp cho sự phát triển chung của thành phố.

Vì thế, để thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài, TP.HCM đang ưu tiên đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng, tạo ra các kết nối thông minh, hiệu quả, giảm chi phí giao dịch, nâng cao tính cạnh tranh cho doanh nghiệp, nhà đầu tư và toàn bộ nền kinh tế.

 

Đức Linh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm