Hỗ trợ doanh nghiệp

TP Hồ Chí Minh: Cho phép hoạt động, doanh nghiệp dịch vụ ăn uống vẫn “cửa đóng then cài”, kêu khó với quy định

DNVN - Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Hòa Bình cho biết thành phố đang xây dựng các tiêu chí an toàn để mở cửa cho doanh nghiệp hoạt động trong thời gian tới. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống, mô hình chuỗi cửa hàng và nhà hàng cho biết dù thành phố đã cho mở cửa trở lại nhưng họ không thể thực hiện được.

'Ngọn hải đăng' hay khách sạn trá hình ? / Thừa Thiên Huế bắt tay Tập đoàn Đất đai và Nhà ở Hàn Quốc phát triển đô thị thông minh

Xây dựng các tiêu chí để doanh nghiệp mở cửa

Do dịch COVID-19 nên chi phí sản xuất tăng cao, thậm chí phải đóng cửa hoạt động đã khiến cho nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh gặp nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp mong muốn được vay vốn, cơ cấu lại nợ hoặc giảm nợ… để cầm cự, phục hồi lại sản xuất trong tình hình mới.

Trước những khó khăn của doanh nghiệp trong thời gian qua, tại chương trình “Dân hỏi – Thành phố trả lời” diễn ra tối 13/9, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Hòa Bình cho biết hiện thành phố đang xây dựng các tiêu chí an toàn để mở cửa cho doanh nghiệp hoạt động khôi phục sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới.

Theo ông Lê Hoà Bình, để mở cửa trở lại nền kinh tế, TP Hồ Chí Minh đang xây dựng 8 bộ tiêu chí cho các ngành, lĩnh vực. Bộ tiêu chí này sẽ hoàn thành trước ngày 16/9, sau đó triển khai thí điểm tại quận 7, huyện Củ Chi và huyện Cần Giờ, đồng thời cân nhắc mở rộng thêm tại Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) và Khu công nghệ cao (TP Thủ Đức).

Trong quá trình thí điểm, nếu khu vực, cơ sở nào đạt tiêu chí an toàn thì cũng có thể cho hoạt động. Công tác phòng chống dịch bệnh là khó và phức tạp, do đó thành phố vừa làm, vừa điều chỉnh, bổ sung theo nguyên tắc không chủ quan, nóng vội nhưng cũng không cầu toàn, thụ động.

TP Hồ Chí Minh xây dựng 8 bộ tiêu chí an toàn để mở cửa trở lại nền kinh tế

TP Hồ Chí Minh xây dựng 8 bộ tiêu chí an toàn để mở cửa trở lại nền kinh tế.

Về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, ông Lê Hoà Bình cho biết thành phố đã làm việc với các ngân hàng để bàn về chính sách hỗ trợ về vốn cho doanh nghiệp và “sẽ giảm lãi suất cho doanh nghiệp cũng như giãn các khoản nợ, khoanh nợ… Sau ngày hôm nay, TP Hồ Chí Minh sẽ làm việc với Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ để có kiến nghị phù hợp. Còn với những quyết sách trong thẩm quyền, thành phố sẽ có biện pháp cụ thể để giúp doanh nghiệp vượt khó.

Riêng thủ tục hành chính, ông Bình cam kết thành phố sẽ đẩy mạnh giải quyết nhanh nhất cho doanh nghiệp, chẳng hạn như được vay trong vòng một tuần nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện.

“Có thể trước mắt sẽ giảm lãi suất để doanh nghiệp có điều kiện vay vốn, giãn nợ, khoanh nợ. Điều mà các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đang rất quan tâm là chính là thủ tục hành chính. Để hỗ trợ cho doanh nghiệp, thành phố sẽ giải quyết nhanh nhất các thủ tục hành chính cho tất cả các doanh nghiệp”, ông Hòa Bình nói.

Cho mở cửa, các doanh nghiệp dịch vụ ăn uống cũng 'bó tay'

Trước thông tin hỗ trợ của TP Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ ăn uống đều biểu lộ sự vui mừng bởi đây được xem là "phao cứu sinh" giúp doanh nghiệp phục hồi lại kinh doanh. Song các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ ăn uống cho biết vẫn đang gặp nhiều khó khăn bởi các quy định.

Là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nhà hàng và các dịch vụ ăn uống phục vụ lưu động hơn 7 năm qua tại TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thanh Hiếu, Giám đốc Công Ty TNHH Kinh Doanh Ăn Uống Hương Vị Việt (quận Tân Phú) cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên hoạt động của doanh nghiệp này thường xuyên đóng cửa. Chi phí mặt bằng, kho bãi, nhân sự, bảo hiểm xã hội, bảo hành các thiết bị trong nhà hàng, cơ sở ăn uống đã khiến doanh nghiệp ảnh hưởng rất nặng nề.

Thời gian qua, mặc dù TP Hồ Chí Minh cho phép hoạt động kinh doanh ăn uống được mở cửa trở lại từ ngày 7/9, song cơ sở của ông Hiếu vẫn chưa thể mở cửa hoạt động được. Nguyên nhân là bởi, việc triển khai chính sách của thành phố đang gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

Cụ thể, ông Hiếu cho rằng, theo quy định thành phố đưa ra, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ ăn uống muốn hoạt động thì phải thực hiện mô hình “3 tại chỗ” (sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ, ngủ/nghỉ tại chỗ) là vấn đề đã khiến các doanh nghiệp, người kinh doanh “bó tay”.

“Bởi hiện nay các nhà hàng không có khu vực tắm rửa và nghỉ ngơi cho nhân viên, rất nóng và ngột ngạt khi đóng cửa vào cuối ngày, do đó không đảm bảo sức khoẻ và không phù hợp để làm nơi ở cho nhân viên, nên việc đáp ứng theo yêu cầu “3 tại chỗ” theo quy định là điều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ ăn uống chúng tôi hoàn toàn không thể làm được”, ông Hiếu nói.

Nhiều nhà hàng, quán ăn tại TP Hồ Chí Minh đã đóng cửa suốt nhiều tháng nay.

Nhiều nhà hàng, quán ăn tại TP Hồ Chí Minh đã đóng cửa suốt nhiều tháng nay.

Bên cạnh đó, theo quy định thời gian bán hàng là từ 6 giờ sáng đến 18 giờ được ông Hiếu cho rằng thời gian này quá ngắn, không kịp thực hiện các đơn hàng phục vụ giờ ăn tối của khách hàng. “Chẳng hạn khi chúng tôi nhận đơn khoảng 4 món của khách hàng lúc 17 giờ thì cũng cần có thời gian chuẩn bị, chế biến mất đến gần 30 phút. Sau đó chúng tôi đặt shipper rồi giao cho khách, quá trình giao thức ăn đến khách hàng nhiều khi vượt quá 18 giờ. Đó là thời gian bị cấm hoạt động, nên chúng tôi gặp khó khi giới hạn thời gian như vậy”, ông Hiếu chia sẻ.

Ông Hiếu cho biết thêm, một khó khăn khác mà doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ ăn uống đang vấp phải đó là khi cơ sở ăn uống được hoạt động trở lại, theo quy định thì nhân viên phải được xét nghiệm nhanh âm tính COVID-19 hai ngày/lần. “Các quy định khá nghiêm ngặt này đã khiến nhiều chủ doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ “nản” và có dự tính tiếp tục “nghỉ ngơi”. Trong khi đó, đa số nhân viên của doanh nghiệp đã trở về quê và chưa được tiêm vaccine nên khó trở lại TP Hồ Chí Minh để làm việc”, ông Hiếu nói.

Đồng quan điểm, bà Cao Thị Thanh Ly, Giám đốc Công Ty CP Đầu tư và Sản xuất Thương mại Vũ Thiên (TP Hồ Chí Minh) cho biết, là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ ăn uống với chuỗi 3 cơ sở hoạt động tại quận Tân Phú, Tân Bình và Gò Vấp mặc dù đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, song vẫn cần nhiều thời gian để ngành dịch vụ ăn uống mở lại được hoạt động trong điều kiện hiện nay.

Theo bà Thanh Ly, các doanh nghiệp dịch vụ ăn uống nếu muốn trở lại hoạt động thì nguồn nguyên liệu để sản xuất, kinh doanh phải đảm ứng đầy đủ. Trong khi đó, hiện nay tình trạng nguyên vật liệu để sản xuất, kinh doanh lại bị nghẽn bởi nhà cung cấp không thể giao hàng liên quận, liên tỉnh.

Hơn nữa, doanh nghiệp phải làm thủ tục thông báo với cơ quan quản lý địa phương nếu muốn hoạt động trở lại, rồi sắp xếp lại nhân sự, nguyên liệu, nhân viên giao hàng... Trong khi phần lớn nhân viên của doanh nghiệp đều đã về quê, một số ở trong khu vực phong tỏa, mất nhiều thời gian mới có thể quay trở lại. Chưa kể các điều kiện xét nghiệm, test COVID-19 và giá nguyên liệu, giá giao hàng lại tăng rất cao...

“Việc giao hàng hiện nay của các cửa hàng cũng gặp nhiều khó khăn do giá giao hàng tăng vọt, lực lượng shipper không đủ, phí hoa hồng cho các ứng dụng giao hàng công nghệ là 20 - 30%. Chưa kể đến việc thành phố vẫn còn nhiều điểm phong tỏa, chưa thể giao hàng nội quận dễ dàng. Vì vậy, chúng tôi sẽ theo dõi thêm và đưa ra kế hoạch mở lại khi tình hình ổn định hơn”, bà Thanh Ly cho biết.

Thời gian sắp tới, để doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống, mô hình chuỗi cửa hàng và nhà hàng nhanh chóng hồi phục sau thời gian dài thở "oxy”, bà Thanh Ly kiến nghị, thành phố cần có động thái kiến nghị ngành ngân hàng cho doanh nghiệp vay vốn, giãn nợ vay, giảm chi phí vốn xuống mức thấp nhất. Đồng thời, mong thuế thu nhập doanh nghiệp được miễn trong giai đoạn 3-6 tháng và giảm 50% trong 1, 2 năm tới. Với các chi phí liên quan đến logistics như phí cầu đường, dịch vụ hải quan, dịch vụ cảng cũng cần phải giảm, đặc biệt là trong bối cảnh bị đội giá nguyên vật liệu như hiện tại.

Song song đó, doanh nghiệp mong muốn lãnh đạo TP Hồ Chí Minh ưu tiên tiêm vaccine cho những người đang hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống.Người lao động được tiêm ít nhất một mũi vaccine có thể đi làm bình thường.“Doanh nghiệp trong ngành ăn uống mong muốn được tự đi giao hàng và không bị phụ thuộc vào shipper của các ứng dụng công nghệ. Với những loại hàng hóa không nằm trong danh mục cấm lưu thông thì mong chính quyền được cho phép di chuyển bình thường và cho phép các đơn vị vận tải, nhà xe cung ứng hàng hóa được giao hàng liên tỉnh, liên quận”, bà Thanh Ly kiến nghị.

Phạm Đức
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm