Trợ lực cho doanh nghiệp còn rất khiêm tốn
DNVN - Theo chuyên gia Nguyễn Minh Thảo - người theo dõi mảng môi trường kinh doanh rất nhiều năm, cộng đồng doanh nghiệp (DN) hiện đang phải đối mặt với nhiều rào cản, trong khi đó trợ lực từ phía cơ quan quản lý Nhà nước còn quá ít ỏi. Do đó, DN kỳ vọng hơn nữa vào sự chung tay của Chính phủ.
Tái định vị doanh nghiệp, đổi mới sáng tạo để phát triển bền vững / Xây dựng bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cho 4 địa phương miền Trung – Tây Nguyên
Nhiều rào cản
Bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, đầu năm 2022 DN có sự kì vọng nhất định về sự phục hồi nhưng đến nửa cuối năm 2022 niềm tin này đã sụt giảm rất nhiều. Điều này bị tác động bởi nhiều yếu tố, từ yếu tố thị trường bên ngoài đến cuộc chiến Nga - Ukraine tác động rất lớn đến chi phí và ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.
Dường như Chính phủ đưa ra chính sách khá kịp thời nhưng câu hỏi đặt ra liệu chính sách có thực sự đi vào cuộc sống hay không? Nếu đưa ra rất nhiều chính sách nhưng chính sách không đi vào cuộc sống thì sẽ làm mất đi niềm tin của DN về sự đồng hành của Chính phủ.
Thời gian vừa qua, bên cạnh yếu tố khó khăn về thị trường, đơn hàng giảm, DN buộc phải cắt giảm lao động hay yếu tố về lãi suất dẫn tới DN bị cạn vốn. Hay zoom tín dụng cũng làm cho DN rất khó khăn trong tiếp cận vốn. Trong khi DN cần vốn mà không có vốn thì hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng rất lớn.
Bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc CIEM.
Đánh giá động thái của các bộ, ngành và địa phương trong việc hỗ trợ DN, bà Thảo cho rằng, trong bối cảnh DN gặp nhiều khó khăn, bà chưa nhìn thấy sự đồng hành của cơ quan quản lý Nhà nước. Ví dụ trong hoạt động đầu tư kinh doanh, bất cập trong tiếp cận vốn cho bất động sản chỉ là một phần, còn rất nhiều thủ tục về đầu tư, gây cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh và nhiều dự án đầu tư không thể thực hiện được bởi chưa khắc phục được những rào cản về quy định.
Chính phủ đã nhận diện được nhiều bất cập từ lâu như điều kiện kinh doanh, quản lý chuyên ngành nhưng đến nay bất cập đó vẫn còn tồn tại, chưa có phương án giải quyết.
Gần đây, đáng chú ý là bất cập về đăng kiểm, phòng cháy chữa cháy (PCCC), những rào cản về điều kiện kinh doanh vô cùng khó. Trong cuộc đối thoại mới đây, DN kiến nghị lên Thủ tướng rất nhiều vấn đề liên quan đến điều kiện kinh doanh về PCCC.
"Rõ ràng ở đây còn nhiều rào cản, điều kiện cũ mà mình chưa khắc phục được. Mối quan tâm của các bộ, ngành và địa phương đến những cải cách về môi trường kinh doanh có sự sụt giảm rất nhiều, động lực và áp lực không còn được tốt như trước. Có lẽ đây là dư địa để chúng ta tiếp tục thúc đẩy hơn để trước những khó khăn về thị trường thì DN còn có bệ đỡ về hỗ trợ cải cách từ trong nước, giúp cho DN thuận lợi hơn", bà Nguyễn Minh Thảo đánh giá.
Phản ứng chính sách rất chậm
Là người theo dõi mảng môi trường kinh doanh rất nhiều năm, chuyên gia này cho biết cảm thấy rất hứng khởi khi chứng kiến các hoạt động cải cách giai đoạn 2015 - 2019 và nhìn thấy các phong trào cải cách, phong trào thay đổi ở các bộ, ngành và địa phương.
Nhưng từ năm 2020, có lẽ do yếu tố về dịch bệnh COVID-19 nên mối quan tâm của các bộ, ngành và địa phương cũng bị hút vào những yếu tố về dịch bệnh. Đến năm 2022, với chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, thì mối quan tâm dường như cũng chỉ xoay quanh các yếu tố của chương trình phục hồi, mặc dù chương trình phục hồi tham vọng rất lớn nhưng hiệu quả không đạt như kỳ vọng.
Theo giới chuyên gia, chất lượng chính sách còn rất nhiều điều phải bàn.
"Như vậy, vấn đề ở đây là cần khơi dậy lại động lực về cải cách và động lực này phải từ áp lực. Không có áp lực sẽ không tạo ra động lực. Chỉ khi áp lực liên tục thì mới tạo ra được động lực cho các bộ, ngành và địa phương cùng thay đổi", chuyên gia nói.
Theo bà Nguyễn Minh Thảo, cơ quan quản lý có kế hoạch để xây dựng chính sách nhưng phản ứng chính và đưa chính sách vào thực tế rất là chậm. Chất lượng chính sách còn rất nhiều điểm phải bàn. Tại sao chính sách không đi vào cuộc sống? Tại sao chính sách cho DN phát triển xanh, sạch, theo tiêu chuẩn phát triển bền vững chúng ta chậm được đưa ra hoặc đưa ra nhưng không đi vào cuộc sống?
Doanh nghiệp rất cần được trợ lực
Với DN trong nước, chuyên gia đánh giá, rõ ràng trong bối cảnh hiện nay có nhiều rủi ro khi châu Âu áp dụng tiêu chuẩn về carbon và sắp tới Mỹ cũng sẽ ban hành đạo luật về carbon, DN xuất khẩu hàng sang châu Âu phải đáp ứng các yêu cầu về chuẩn mực. Rõ ràng ở đây ngoài bản thân năng lực của DN, năng lực về vốn, Việt Nam còn rất nhiều DN nhỏ, khả năng về công nghệ để bảo đảm tiêu chí sản xuất xanh rất khó.
Do đó, DN rất cần trợ lực của Nhà nước. Theo bà Thảo, thời gian vừa qua, đối với các DN FDI được các bộ, ngành và địa phương có sự quan tâm nhiều hơn nếu so với DN trong nước. Ngay ở dưới địa phương, khi DN FDI gặp vấn đề khó khăn nào đó thì ngay lập tức có thể được chính quyền địa phương hoặc các bên cùng ngồi lại với nhau để có thể giải quyết vấn đề của DN. Nhưng với DN trong nước khi gặp vấn đề thì những cuộc đối thoại dường như chỉ để lắng nghe.
Trước năm 2019, các địa phương tổ chức khá nhiều các cuộc đối thoại, và những cuộc đối thoại này trong nhiều trường hợp giải quyết được vấn đề cho DN và họ có linh hoạt trong xử lý vấn đề.
Tuy nhiên, gần đây hầu hết các cuộc đối thoại chỉ để lắng nghe và rất ít các vấn đề của DN được giải quyết. Khi DN chia sẻ, đối thoại mà không được giải quyết thì sẽ mất đi niềm tin và không khuyến khích họ chia sẻ nữa.
Rõ ràng trong trường hợp này, sự quan tâm của cơ quan Nhà nước, cả bộ, ngành và địa phương tới DN trong nước chưa xứng với yêu cầu và vai trò trong nước cần được thúc đẩy. Nhiều dự án của DN giờ không biết nằm ở đâu, thủ tục nằm ở khâu nào.
Trước đây, trong nhiều trường hợp, các cơ quan quản lý Nhà nước có thể giải quyết thủ tục cho DN nếu nhìn thấy dự án đó có hiệu quả, tiềm năng thì họ có thể linh hoạt giải quyết thủ tục cho DN theo cơ chế tuân thủ luật này hoặc chưa hoàn toàn tuân thủ theo luật khác.
Nhưng với cơ chế sợ trách nhiệm như hiện nay, cộng với pháp luật không rõ ràng, không minh bạch và khác biệt nên DN không biết thực hiện theo thủ tục nào cho chuẩn mực.
"Nếu giải quyết được căn nguyên sự bất cập trong chính sách thì sẽ giải quyết được những vấn đề thực hiện này. Có thể nói rào cản thì rất nhiều, trợ lực thì còn quá ít ỏi. DN kỳ vọng hơn nữa sự chung tay của Chính phủ. Thủ tướng nhiều lần nói nhiều rằng rủi ro cần có sự sẻ chia, trong trường hợp này DN gặp rất nhiều rủi ro, cần có sự chung tay chia sẻ từ phía cơ quan quản lý Nhà nước", chuyên gia của CIEM nêu.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo