Hỗ trợ doanh nghiệp

Xây dựng bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cho 4 địa phương miền Trung – Tây Nguyên

DNVN - Giám đốc VCCI Đà Nẵng Nguyễn Tiến Quang cho hay, trong năm 2023, VCCI Đà Nẵng sẽ xây dựng và triển khai Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành (DDCI) cho 4 địa phương còn lại ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên gồm Quảng Nam, Gia Lại, Đăk Lăk và Kon Tum.

Quảng bá du lịch Đà Nẵng tại hội chợ lớn nhất Ấn Độ / Đà Nẵng: Mùa cạn 2023 rất khó khăn về nguồn nước

Trước đó, từ 2018 - 2022, VCCI Đà Nẵng đã xây dựng DDCI cho 7/11 tỉnh, thành thuộc địa bàn hoạt động; gồm Kon Tum, Bình Định, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Thừa Thiên – Huế, Quảng Trị và Quảng Bình.

Bên cạnh đó theo đề nghị của các tỉnh, thành trong khu vực, VCCI Đà Nẵng đã triển khai các chương trình cải thiện môi trường kinh doanh, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), rà soát các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN) ở cấp địa phương và các khuyến nghị các giải pháp cải thiện.

VCCI Đà Nẵng trao Bằng khen của Chủ tịch VCCI Việt Nam cho hơn 30 doanh nghiệp hội viên VCCI khu vực Miền Trung – Tây Nguyên tại cuộc gặp mặt ngày 21/3/2023

Trao Bằng khen của Chủ tịch VCCI Việt Nam cho hơn 30 doanh nghiệp hội viên khu vực Miền Trung – Tây Nguyên ngày 21/3/2023

Theo kế hoạch, năm 2023, VCCI Đà Nẵng cũng sẽ tổ chức 6 khóa đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ địa phương về PCI/ DDCI và cải thiện môi trường kinh doanh; 4 hội thảo lấy ý kiến xây dựng pháp luật, cải thiện môi trường kinh doanh và góp ý trên 30 văn bản, chính sách cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ DN, phát triển kinh tế địa phương do các tỉnh, thành khu vực miền Trung - Tây Nguyên ban hành.

Đáng chú ý, trong công tác phổ biến tuyên truyền các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, năm 2023 VCCI Đà Nẵng sẽ tập trung đào tạo chuyên sâu vào các cam kết, vấn đề cụ thể, tương thích với giai đoạn mới trong thực thi các Hiệp định. Đồng thời tích cực tiếp xúc, làm việc với các cơ quan ngoại giao, tổ chức xúc tiến thương mại đầu tư ở trong và ngoài nước trong các hoạt động kết nối giao thương, đầu tư.

Theo báo cáo, năm 2022, VCCI Đà Nẵng đã tổ chức 10 hoạt động phổ biến chuyên sâu về các cam kết trong FTA và xúc tiến thương mại. Ngoài ra, VCCI Đà Nẵng cũng tiến hành khảo sát nhu cầu đào tạo của DN, từ đó đưa ra các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức và năng lực cho các DN liên quan đến lĩnh vực thuận lợi hóa thương mại trong khuôn khổ dự án “Hỗ trợ kỹ thuật tạo thuận lợi thương mại” (TFP) Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ.

Ông Nguyễn Tiến Quang cho biết, VCCI Đà Nẵng thường xuyên kết nối, trao đổi thông tin với Thương vụ Việt Nam tại các nước để nắm bắt nhu cầu nhập khẩu, cập nhật các sự kiện xúc tiến thương mại để thông tin đến DN trong khu vực. Chủ động mở rộng, tăng cường quan hệ hợp tác với các cơ quan đại diện ngoại giao, xúc tiến thương mại của Hoa Kỳ, Trung Quóc, Canada, Argentina, Nam Phi, Nga, Hàn Quốc... nhằm cung cấp thông tin, cơ sở dữ liệu về kinh tế, quảng bá tiềm năng, lợi thế của khu vực đến với các nhà đầu tư.

 

“Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của VCCI Đà Nẵng năm 2023 và những năm tới là phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước xây dựng: Báo cáo thường niên về phát triển DN, thu hút đầu tư Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; Báo cáo thường niên về phát triển DN, thu hút đầu tư khu vực Tây Nguyên. Tổ chức các diễn đàn cải thiện môi trường kinh doanh, xúc tiến thương mại đầu tư tại khu vực dựa trên hai báo cáo thường niên này và làm sâu hơn từng chủ đề, chủ điểm mà khu vực quan tâm trong từng năm”, ông Nguyễn Tiến Quang cho biết.


Hải Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm