Hỗ trợ doanh nghiệp

TS Cấn Văn Lực: Dại gì mà không tiếp cận DNNVV

(DNVN) - TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) đã "chốt" lại như vậy tại "Hội nghị đối thoại doanh nghiệp về cải cách TTHC và đánh giá 1 năm thực hiện Luật Hỗ trợ DNNVV diễn ra vào chiều 20/12 tại Hà Nội.

Nestlé Việt Nam được vinh danh Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động / Thế Giới Di Động “khai tử” vuivui.com

Trình bày báo cáo "Tháo gỡ nút thắt về tiếp cận vốn đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa", TS Cấn Văn Lực khẳng định cộng đồng DNNVV có vai trò lớn đối với nền kinh tế qua số liệu: Khoảng 508.000 DNNVV đang hoạt động tính đến 1/1/2017. Đến cuối năm 2017, DNNVV của Việt Nam đóng góp khoảng 45% GDP, 33% thu ngân sách.
Quỹ phát triển DNNVV đã cho 19 DNNVV vay 145 tỷ đồng qua 4 ngân hàng thương mại. Theo Luật hỗ trợ DNNVV, Quỹ đang chuyển sang mô hình hoạt động mới, theo đó đối tượng hỗ trợ hẹp hơn cùng nguồn tài chính ngoài ngân sách nhà nước.
Chính phủ đã ban hành và thực thi một số chính sách liên quan đến nguồn vốn bảo lãnh, tín dụng dành riêng cho DNNVV.
Tuy nhiên, TS Cấn Văn Lực cho rằng, DNNVV có tiềm năng phát triển nhưng chưa đủ điều kiện tiếp cận tín dụng ngân hàng ở các lĩnh vực được ưu tiên cấp tín dụng theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.
TS Cấn Văn Lực phát biểu tại "Hội nghị đối thoại doanh nghiệp về CC TTHC và đánh giá 1 năm thực hiện Luật Hỗ trợ DNNVV". (Ảnh: Ánh Tuyết)

TS Cấn Văn Lực phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Ánh Tuyết)

Nói về nguyên nhân tiếp cận tín dụng của DNNVV còn khó khăn, TS Cấn Văn Lực nêu ra 2 nguyên nhân chính:
Một là, nguyên nhân từ phía các tổ chức tín dụng: Phối hợp chưa tốt giữa Quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV và các TCTD về thẩm định, thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, khi xử lý rủi ro…; Một số TCTD đang trong quá trình tái cơ cấu, thay đổi chiến lược hoạt động; Một số TCTD chưa có sản phẩm-dịch vụ phù hợp.
Hai là, nguyên nhân từ chính các DNNVV: Trình độ quản lý còn yếu kém, công nghệ lạc hậu; Thiếu chiến lược kinh doanh, phương án kinh doanh chưa khả thi; Thiếu tài sản đảm bảo; Thông tin thiếu minh bạch, thiếu tin cậy, khó đánh giá; Chưa nắm rõ về thủ tục vay vốn, bảo lãnh, về chính sách, sản phẩm-dịch vụ và các gói của các TCTD, các chương trình hỗ trợ của Chính phủ/hiệp hội; Một số DN không có nhu cầu vay vốn; Hộ kinh doanh chưa muốn chuyển đổi thành DN.
Trước thực trạng trên, TS Cấn Văn Lực đã đưa ra một số gợi ý giải pháp, đồng thời khẳng định vai trò của BIDV trong việc hỗ trợ DNNVV.
Theo đó, Chính phủ, bộ, ngành, Ngân hàng Nhà nước, hiệp hội... nên triển khai hiệu quả, đồng bộ Luật hỗ trợ DNNVV; Đẩy mạnh hoạt động của Quỹ bảo lãnh DNNVV; Cân nhắc về cơ chế trần lãi suất cho vay đối với DNNVV; Tiếp tục quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh-đầu tư; Phát triển cân bằng thị trường tài chính; Tăng cường vai trò Hiệp hội DNNVV, thúc đẩy gắn kết VINASME với các hiệp hội SMEs địa phương; Tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển, hỗ trợ SMEs...
Các định chế tài chính cần thiết kế các sản phẩm, qui trình tín dụng đặc thù, phù hợp hơn đối với DNNVV; Phát triển hình thức cấp tín dụng theo chuỗi giá trị, hợp tác với DN lớn để phối hợp tài trợ cho các DNNVV; Nâng cao hiệu quả hợp tác, phối hợp với các Quỹ; Đẩy nhanh tái cơ cấu và xử lý nợ xấu; giảm thiểu thủ tục hành chính; Hỗ trợ đào tạo, nâng cao kiến thức của DNNVV về tài chính-tín dụng.
Đối với cộng đồng DNNVV: Phải Minh bạch hoạt động và báo cáo tài chính; thiện chí hợp tác, phối hợp với TCTD trong cung cấp thông tin, cơ cấu lại nợ và xây dựng phương án kinh doanh phù hợp; chủ động tăng hiểu biết về tài chính-tín dụng, bảo lãnh và các chính sách hỗ trợ DNNVV; chủ động, quyết liệt tham gia chuỗi giá trị; nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp và quản lý rủi ro bài bản hơn; củng cố, tăng cường, đào tạo đội ngũ CBNV, phát triển VHDN và qua đó, giảm thiểu rủi ro đạo đức trong kinh doanh.
Trong khi đó, chính quyền địa phương cần cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư-kinh doanh; tăng cường vai trò kết nối giữa chính quyền-DN, giữa NH-DN và Hiệp hội với DN; tích cực tham gia xử lý nợ xấu; phối hợp nâng cao nhận thức, kiến thức của công chức, người dân và DN về dịch vụ tài chính-NH.
TS Cấn Văn Lực khẳng định: Mặc dù đã có nhiều nguồn vốn đa dạng cho DNNVV nhưng việc tiếp cận vốn, đất đai đối với DNNVV còn khó khăn. Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước, các bộ - ngành, hiệp hội... hướng đến DNNVV nhưng cần mạnh mẽ, thiết thực và hiệu quả hơn nữa.
Khẳng định "không dại gì mà không tiếp cận các DNNVV", nhưng chuyên gia Cấn Văn Lực nhấn mạnh, bản thân các DNNVV cũng cần phải thay đổi tư duy, quản trị điều hành và văn hóa kinh doanh để tiến trình hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp này đem lại kết quả cao nhất.
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) đã có chiến lược tập trung ưu tiên phục vụ phân khúc DNNVV, có ban/phòng riêng chuyên phục vụ SMEs.
Về cơ chế, chính sách đã triển khai: Quy trình, thủ tục gọn nhẹ tối đa; Lãi suất cho vay ưu đãi, cạnh tranh; tuân thủ trần lãi suất của NHNN; Nhiều chương trình tín dụng hỗ trợ DNNVV với quy mô 50.000-60.000 tỷ đồng/năm; Tài sản bảo đảm: dựa trên kết quả định hạng của DN; có cơ chế cấp tín dụng không có TSBĐ với mức 10 tỷ đồng/KH; linh hoạt các loại hình TSĐB: quyền đòi nợ, hàng hóa luân chuyển…
Tận dụng các nguồn vốn ủy thác quốc tế dành cho DNNVV: JICA, JIBIC, ADB, nguồn vốn trong nước (Quỹ phát triển DNNVV). Sản phẩm, dịch vụ đa dạng, phù hợp, tiện ích ưu việt, ứng dụng công nghệ hiện đại, hỗ trợ DN tiết giảm thời gian giao dịch trực tiếp, tiết giảm chi phí, quản lý dòng tiền hiệu quả. Cung cấp dịch vụ tư vấn dành cho DNNVV.
Là đối tác chiến lược và đồng hành cùng Hiệp hội DNNVV Việt Nam, theo đó, BIDV dẫn đầu về quy mô tín dụng DNNVV (phục vụ 260.000 SME, 246.000 tỷ VND, chiếm 25% tổng dư nợ).
BIDV giành được danh hiệu “Ngân hàng SME tốt nhất Việt Nam 2018” bởi Tạp chí Global Banking and Finance Review (Anh Quốc), Tạp chí Asian Banking Finance (Singapore); Tạp chí Alpha Southeast Asia (Hong Kong).
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm