Hỗ trợ doanh nghiệp

Viettel, VNPT, Mobifone, Gtel 'bắt tay' dùng chung hơn 1.300 trạm BTS

Ngày 10/6, 4 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ di động bao gồm Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tổng công ty Viễn thông Mobifone và Công ty cổ phần Viễn thông di động Toàn Cầu (Gtel Mobile) đã cùng ký thỏa thuận dùng chung cơ sở hạ tầng các trạm thu phát sóng di động (BTS).

Kỳ vọng doanh nghiệp nội ‘bắt tay’ cùng làm lớn / VINASME và SHB tiếp sức cho cộng đồng DNNVV

Theo đó, Cục Viễn thông chủ trì cùng 3 doanh nghiệp là Viettel, VNPT và MobiFone ký thỏa thuận dùng chung và phát triển cơ sở hạ tầng mới trong năm 2020.

Cụ thể, Viettel và Mobifone dự kiến phát triển chung 24 vị trí cơ sở hạ tầng dùng chung, MobiFone sử dụng chung 480 trạm thu phát sóng (BTS) của Viettel, Viettel sử dụng 14 trạm BTS của Mobifone. Viettel và VNPT cùng thống nhất dùng chung 554 vị trí cơ sở hạ tầng viễn thông trong năm 2020.

Cục Viễn thông cũng chủ trì cùng 4 nhà mạng là Viettel, VNPT, MobiFone và Gtel Mobile ký thỏa thuận chia sẻ, sử dụng chung hạ tầng viễn thông. Trong đó, VNPT sẽ sử dụng 242 vị trí của Gtel Mobile để triển khai phát sóng mới trong giai đoạn 2020-2021; Mobifone sử dụng 20 vị trí của Gtel Mobile để triển khai phát sóng mới trong năm 2020; Viettel sẽ sử dụng 64 vị trí của Gtel Mobile. Ngược lại, Gtel Mobile cam kết ưu tiên sử dụng vị trí của Viettel, VNPT, Mobifone khi có nhu cầu.

Cục Viễn thông chủ trì cùng 4 nhà mạng Viettel, VNPT, Mobifone và Gtel Mobile ký thỏa thuận cùng chia sẻ, sử dụng chung hạ tầng viễn thông.

Cục Viễn thông chủ trì cùng 4 nhà mạng Viettel, VNPT, Mobifone và Gtel Mobile ký thỏa thuận cùng chia sẻ, sử dụng chung hạ tầng viễn thông.

Theo đánh giá của Cục Viễn thông, hiện Việt Nam là quốc gia có tốc độ phát triển hạ tầng và dịch vụ viễn thông nhanh trong khu vực và trên thế giới. Hạ tầng kỹ thuật viễn thông đã được xây dựng cơ bản khá đồng bộ. Tuy nhiên công tác quản lý, xây dựng hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động vẫn còn hạn chế, nhất là trong việc chia sẻ, sử dụng chung các công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động (nhà trạm viễn thông, cột ăng ten, cột treo cáp, công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm).

Việc các doanh nghiệp viễn thông thiếu chia sẻ, sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động không chỉ làm giảm hiệu quả đầu tư, gây khó khăn trong công tác phát triển, xây dựng hạ tầng của chính doanh nghiệp viễn thông mà còn gây ảnh hưởng không tốt đến cảnh quan môi trường, an toàn của người dân.

Cục Viễn thông khẳng định việc ký kết thỏa thuận chia sẻ sử dụng chung vị trí trạm BTS giữa các doanh nghiệp viễn thông là một trong số các kết quả đạt được từ đầu năm 2020 đến nay. Đồng thời khẳng định sự quyết tâm của các doanh nghiệp này trong việc triển khai các chính sách, biện pháp dùng chung hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động như cột ăng ten, nhà trạm BTS. Từ đó, góp phần tiết kiệm ngân sách cho nhà nước cũng như các doanh nghiệp viễn thông.

Việc ký kết thỏa thuận này sẽ là cơ sở để các doanh nghiệp triển khai hạ tầng, giảm chi phí đầu tư phát triển hạ tầng, đồng thời sẽ là mô hình tốt để các doanh nghiệp viễn thông, các địa phương tham khảo và cùng triển khai trong thời gian tới.

 

Phát biểu tại sự kiện này,ông Tào Đức Thắng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết, về cơ bản các nhà mạng đã gần phủ sóng 100% dân số, do vậy yếu tố cạnh tranh về hạ tầng không phải là điều kiện tiên quyết. Tuy nhiên sắp tới khi triển khai phủ sóng mạng 5G và để đạt mục tiêu 5G muốn len lỏi đến tận ngõ, ngách thì việc dùng chung hạ tầng viễn thông là rất quan trọng và có ý nghĩa.

Cùng quan điểm này, ông Huỳnh Quang Liêm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT kỳ vọng, việc chia sẻ, dùng chung hạ tầng mạng mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp viễn thông và xã hội, từ đó mở ra tiềm năng cho phát triển xã hội số, kinh tế số.

“Vừa qua Singapore cũng đã yêu cầu và thống nhất phát triển hạ tầng 5G chia sẻ, chứ không chỉ cùng chia sẻ hạ tầng viễn thông và việc hợp tác này sẽ giúp việc khai thác đầu tư mạng lưới với chi phí thấp nhất”, ông Huỳnh Quang Liêm nhấn mạnh.

Còn theo Phó tổng giám đốc Mobifone Thiềm Công Nguyên, việc hợp tác dùng chung hạ tầng BTS là định hướng được nhà mạng này áp dụng kể từ khi chính thức cung cấp dịch vụ di động trên thị trường, bằng việc dùng chung hạ tầng với mạng VinaPhone.

Về phía Gtel Mobile, ông Nguyễn Trường Phi, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Viễn thông di động Toàn Cầu cho biết hiện Gtel chỉ có hạ tầng mạng 2G và đang trong quá trình tái cấu trúc định hướng phát triển công nghệ 5G cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Do vậy việc hợp tác chia sẻ dùng chung hạ tầng viễn thông với các nhà mạng trên sẽ giúp Gmobile thực hiện chuyển đổi số.

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm