Hỗ trợ doanh nghiệp

Vingroup sẽ ký kết với 50 trường đại học để đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao

Các chuyên gia cho rằng với sự phát triển của robot những công việc mới sẽ được tạo ra, tương lai của robot hợp tác với con người.

Vincom Retail xin ý kiến cổ đông để mở rộng ngành nghề kinh doanh / Go Việt tung khuyến mại "sốc", sau cạnh tranh khách hàng là cuộc chiến giành giật tài xế với Grab?

Câu hỏi lớn nhất gây tranh cãi nhất trong suốt thời gian ngành công nghiệp robot phát triển (từ năm 1970 đến nay) vẫn là liệu robot có "cướp" đi việc làm của con người hay không? - TS Hùng La, trường Đại học Nevada, Reno (Mỹ) đặt vấn đề tại Hội thảo Công nghệ Robotics-Mechatronics trong cách mạng 4.0, nhu cầu giải pháp cho doanh nghiệp do Bộ Công Thương tổ chức ngày 21/8.

Lo ngại robot "cướp" việc làm khiến chính sách của Mỹ thay đổi rất nhiều. Tuy nhiên, khoảng 6 năm trở lại đây, Washington nhìn lại quan điểm này bằng chương trình khởi tạo robot. Robot không cướp đi việc làm của con người, thay vào đó tạo ra những công việc mới. "Nếu hiểu sai bản chất vấn đề không thể phát triển được", TS Hùng La bày tỏ.

Thực tế, robot trong công nghiệp hiện nay còn khá nhiều hạn chế. TS Phạm Quang Cường, Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) cho biết 90-95% robot được sử dụng trong môi trường có cấu trúc cố định, cần có dây chuyền hiện đại. Như vậy, robot gần như chỉ làm được những công việc được lập trình, lặp đi lặp lại và không có tính linh động. Khi doanh nghiệp muốn thay đổi một chi tiết trong sản xuất cần thời gian lập trình lại rất lâu và tốn chi phí.

Theo TS Cường, xu hướng chính hiện nay là phát triển robot trong công nghiệp có thể làm việc trong môi trường ít cấu trúc hơn, linh hoạt hơn. Và như vậy, robot cần phát triển theo hướng robot hợp tác với con người. Cùng với đó là phát triển robot thông minh, có thị giác để xác định được vị trí của đồ vật và robot có khả năng điều khiển lực khi tiếp xúc.

Sự thay đổi về quan điểm và công nghệ sẽ tạo ra nhu cầu về nhân lực mới. Ông Võ Quang Huệ, Phó Tổng Giám đốc Vingroup phụ trách VinFast chia sẻ một thông tin được cho là quan trọng với dự án sản xuất ô tô của tập đoàn này. Ngay 4h chiều nay, Vingroup sẽ tiến hành lễ ký kết với 50 trường đại học của Việt Nam để xây dựng nguồn nhân lực lâu dài cho ngành công nghiệp công nghệ cao. Cùng với đó, đơn vị này mong muốn mở ra trung tâm công nghệ cao và quỹ tài trợ cho các dự án phát triển công nghệ cao.

Ông Huệ chia sẻ, hiện nay riêng nhà máy hàn thân xe của VinFast có khoảng 1.200 robot khác nhau. Trong nhà máy VinFast, robot được đưa vào để tiến hành nghiên cứu, mô phỏng các hoạt động của nhà máy trong tương lai để tìm ra hình dạng của tương lai sản xuất và tối ưu hóa ngay từ ban đầu.

Lãnh đạo VinFast cho rằng tính chất quan trọng của cách mạng 4.0 đó là việc kết nối giữa robot và nguồn thông tin đa dạng, đưa ra được các chỉ dẫn, kịch bản cho tương lai thay vì đợi tới lúc xảy ra hư hỏng rồi sửa chữa.

Ứng dụng công nghệ không quá khó với các tập đoàn lớn như Vingroup nhưng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ lại là vấn đề lớn. TS Hoàng Việt Hồng, Phó Tổng giám đốc công ty Cổ phần Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết bài toán lớn nhất với các nhà máy dây chuyện công nghiệp nhỏ là phải đổi mới mô hình như thế nào. Đưa robot, tự động hóa vào cần cơ sở vật chất, kho bãi đáp ứng yêu cầu.

Ông Hồng đề xuất các bộ ngành, đặc biệt là Bộ Công Thương có nghiên cứu chứng minh tình hiệu quả của công nghệ, tự động hóa để các doanh nghiệp tích cực tham gia. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, TS Hùng La lại cho rằng như cầu phải bài toán về công nghệ nên xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp. "Doanh nghiệp cần gì nhà khoa học sẽ nghiên cứu để đưa ra giải pháp chứ không phải trông chờ nhà khoa học chỉ cho doanh nghiệp nên làm gì", ông Hùng chia sẻ quan điểm phát nền công nghiệp robot trong tương lai.

Theo Người đồng hành
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm