Hỗ trợ doanh nghiệp

Xuất khẩu vào thị trường Algeria: Doanh nghiệp cần kiên nhẫn

DNVN - Tại phiên tư vấn xuất khẩu vào thị trường Algeria chiều 19/4, Tham tán thương mại tại Algeria đã đưa ra nhiều khuyến nghị giúp các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, thực phẩm, trong đó có việc cần kiên nhẫn để thiết lập và duy trì quan hệ vì đối tác Algeria thường chậm trả lời.

Bình Định khởi công dự án đường ven biển hơn 2.600 tỷ đồng / Còn nhiều tiềm năng xuất khẩu nông sản sang Thụy Sỹ

Những mặt hàng xuất khẩu tiềm năng
Bà Nguyễn Thu Thủy- Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu (Cục Xúc tiến thương mại) khẳng định, Algeria là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại Châu Phi. Hiện hai nước đang thúc đẩy quan hệ trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư.
Phân tích sâu về thị trường này, ông Hoàng Đức Nhuận- Tham tán thương mại tại Algeria (kiêm nhiệm Gambia, Mali, Niger, Senegal và Tunisia) cho biết, những năm gần đây, Algeria chủ trương đa dạng hóa nền kinh tế, đẩy mạnh xuất khẩu (XK), hạn chế nhập khẩu (NK) những sản phẩm trong nước sản xuất được, song đây vẫn là thị trường tiềm năng cho hàng hóa Việt Nam.
Mặc dù là một thị trường đầy tiềm năng và là cửa ngõ quan trọng giúp các DN Việt Nam tăng cường đầu tư và hợp tác thương mại với các nước Châu Phi nhưng thương mại song phương giữa Việt Nam và Algeria vẫn còn khiêm tốn.

Theo bà Nguyễn Thu Thủy- Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ Xuất khẩu, Algeria là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại Châu Phi.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trao đổi thương mại giữa hai nước đạt 300 triệu USD năm 2017, trong đó Việt Nam XK đạt khoảng 281 triệu USD. Do tác động của đại dịch COVID-19 và chính sách hạn chế NK của Algeria, năm 2021, kim ngạch XK của nước ta sang thị trường này chỉ đạt 153 triệu USD. 3 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Algeria đạt 30,6 triệu USD, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong cơ cấu XK hàng hóa của Việt Nam sang Algeria, cà phê chiếm 65% tổng giá trị XK. Tiếp đến là mặt hàng gạo, mỗi năm Algeria NK 100 nghìn tấn gạo, chủ yếu là gạo 5% tấm, gạo đồ, phục vụ cho người Châu Á sinh sống và làm việc tại Algeria.
Ngoài ra, các loại gia vị như hạt tiêu, quế cũng là những loại nông sản có nhu cầu cao tại Algeria cùng với hạt điều nhân. Thủy hải sản cũng nằm trong top 5 mặt hàng XK có kim ngạch lớn nhất của Việt Nam sang Algeria.
Theo ông Nhuận, mặc dù Algeria đang chủ trương đa dạng hóa nền kinh tế song nước này phải NK hầu hết các mặt hàng, trong đó có 50% lương thực, thực phẩm. Tổng kim ngạch NK mỗi năm khoảng 34 tỷ USD trong đó có hàng nông sản, thủy sản, sắt thép, giày dép, và máy móc thiết bị của Việt Nam.
Dân số Algeria tương đối đông, khoảng 44 triệu người, GDP bình quân đầu người trên 3.414 USD với sức mua khá lớn. Khả năng thanh toán của các doanh nghiệp nước này cũng khá tốt.
Người tiêu dùng Algeria chấp nhận hàng hoá phẩm cấp trung bình và giá rẻ, mẫu mã đa dạng không đòi hỏi cao về chất lượng. Một số hàng Việt Nam được người tiêu dùng Algeria ưa chuộng đã có chỗ đứng tại thị trường như cà phê, cá tra ba sa, hạt tiêu, cơm dừa, điều nhân, dệt may, da giày...
Hàng Việt phải cạnh tranh quyết liệt với nhiều nước
Bên cạnh những thuận lợi, theo ông Nhuận có một số điểm gây khó khăn cho DN. Đó là hàng rào thuế quan của Algeria vẫn rất cao, mang tính bảo hộ rõ rệt bởi quốc gia này chưa phải là thành viên của WTO.
Mặc dù các công ty tư nhân Algeria ngày một tăng về số lượng, nhưng tiềm lực về vốn cũng như qui mô, kinh nghiệm kinh doanh còn hạn chế, nhiều doanh nghiệp chưa có website. Các doanh nghiệp Algeria vẫn có thói quen nhập khẩu qua trung gian.
Trên thị trường Algeria, hàng Việt Nam phải cạnh tranh quyết liệt với hàng hóa nhiều nước khác đặc biệt là hàng Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ... và hàng cùng loại của các nước có FTA với Algeria.
Trong khi đó, môi trường kinh doanh tại Algeria chưa thuận lợi. Trong bảng xếp hạng Doing business 2020 của Ngân hàng thế giới, Algeria chỉ đứng vị trí 157 trên tổng số 190 nước nghiên cứu. Chính sách thương mại hay thay đổi, thời gian thanh toán của ngân hàng chậm, Algeria không cho chuyển tiền đặt cọc đối với việc nhập khẩu.
Kiên nhẫn trong thiết lập quan hệ
Đưa ra khuyến nghị cho DN Việt, ông Nhuận cho rằng, các DN có thể tìm kiếm và giao dịch với đối tác xuất nhập khẩu Algeria qua các kênh khác nhau. Trong thư chào hàng, giới thiệu, DN Việt Nam nên viết dưới dạng văn bản có đóng dấu với đầy đủ thông tin địa chỉ liên hệ kèm catalogue.
Khi chào giá sản phẩm, nên đưa ra mức giá hợp lý do thuế NK vào Algeria khá cao trong khi khách hàng Algeria thường xuyên tham khảo giá của các nhà xuất khẩu và trader quốc tế từ nhiều nước.
Đặc biệt, ông Nhuận lưu ý, DN cần kiên nhẫn trong thiết lập và duy trì quan hệ vì đối tác Algeria thường chậm trả lời, đặc biệt là vào các dịp nghỉ lễ, trong tháng Ramadan hoặc vào ngày thứ sáu.

Tại phiên tư vấn, ông Nhuận đưa ra một loạt khuyến nghị cho doanh nghiệp Việt Nam.
Khách hàng Algeria chú trọng tiếp xúc trực tiếp, xem tận mắt sản phẩm nên việc DN xuất khẩu gửi hàng mẫu hay tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế tại Algeria trong giai đoạn đầu thường đem lại hiệu quả cao hơn.
Tại Algeria, tình trạng lừa đảo qua mạng internet không phổ biến. Tuy nhiên, cũng cần thận trọng khi tìm kiếm bạn hàng online hoặc giao dịch với đối tác chủ động tìm đến DN Việt Nam qua website. Trước khi giao dịch, đề nghị đối tác cung cấp giấy phép đăng ký kinh doanh, mã số thuế, bản sao hộ chiếu, thẻ căn cước của người đại diện để khi cần, các cơ quan chức năng như Thương vụ có thể hỗ trợ tư vấn, xác minh.
Phương thức thanh toán nên sử dụng L/C không hủy ngang có xác nhận của ngân hàng uy tín châu Âu hoặc châu Mỹ hoặc nhờ thu chứng từ qua ngân hàng, trong đó đề nghị khách đặt cọc ít nhất là 25% giá trị tiền hàng, không chấp nhận phương thức trả chậm.
Khi có phát sinh tranh chấp trong XNK, trước tiên doanh nghiệp nên tự dàn xếp với khách hoặc liên hệ ngay với Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria cũng như Vụ Thị trường Châu Á-Châu Phi, Bộ Công Thương để được tư vấn, hỗ trợ, tránh để tình trạng kéo dài, nhất là khi hàng bị ách tại cảng, dẫn đến phát sinh chi phí lưu kho bãi tăng và hư hỏng hàng hóa.
Ngoài ra, ông Nhuận khuyến cáo DN Việt cần giữ chữ tín với đối tác. Đã xảy ra trường hợp DN Việt Nam nhận tiền đặt cọc song không giao hàng, gây ra khiếu kiện, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của các DN Việt Nam khác. DN nhớ phản hồi khi đối tác hỏi, đồng thời duy trì sự cung ứng hàng liên tục, ổn định về chất lượng để làm ăn được lâu dài.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm