Hỗ trợ doanh nghiệp

Sắp diễn ra phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường Đức

DNVN - Phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường Đức ngày 21/4 tới được tổ chức nhằm tư vấn, giải đáp các vấn đề doanh nghiệp (DN) Việt Nam quan tâm liên quan đến việc xuất, nhập khẩu sản phẩm chế biến từ nông sản, thực phẩm... với thị trường Đức - một trong số những thị trường tiêu dùng “khó tính” nhất thế giới.

Áp dụng các chính sách ưu đãi để sân bay Cần Thơ phát huy hiệu quả / Bình Định khởi công dự án đường ven biển hơn 2.600 tỷ đồng

Trong nhiều năm qua, Đức vẫn duy trì là quốc gia xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa đứng thứ 3 trên thế giới (chỉ sau Mỹ và Trung Quốc). Theo thống kê của ITC Trademap, năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Đức là 2.550 tỷ USD (chiếm khoảng 67% GDP của Đức), trong đó xuất khẩu đạt 1.378 tỷ USD còn nhập khẩu đạt 1.172 tỷ USD.
Đối với hàng nông sản, số liệu của Trademap ITC năm 2020 cho thấy, mặc dù tỷ trọng trong tổng nhập khẩu không lớn nhưng Đức vẫn là nước EU nhập khẩu nhiều nhất các sản phẩm rau quả tươi và chế biến (23,1 tỷ USD), chè – cà phê – gia vị (4 tỷ USD), thủy sản chế biến (1,65 tỷ USD), mật ong (274 triệu USD)…

Năm 2021 Việt Nam xuất siêu sang Đức 3,37 tỷ USD.
Nhằm tư vấn, giải đáp các vấn đề DN quan tâm liên quan đến việc xuất, nhập khẩu sản phẩm chế biến từ nông sản, thực phẩm... với thị trường Đức như yêu cầu đối với chất lượng và phẩm cấp hàng hóa, phương thức thanh toán, cách thức vận chuyển, bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu, giải quyết các vấn đề bất cập có thể phát sinh trong quá trình xuất nhập khẩu... ngày 21/4 tới, Cục Xúc tiến thương mại và Thương vụ Việt Nam tại Đức tổ chức phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường Đức.
Diễn giả, báo cáo viên của phiên tư vấn bao gồm đại diện Thương vụ Việt Nam tại Đức, Lãnh đạo các Hiệp hội DN Việt Nam tại Đức, Ủy ban Chuyên gia Hiệp hội phát triển Kinh tế và Ngoại thương toàn cầu (BWA), Hiệp hội kinh tế vừa và nhỏ liên bang (BVMW) và đại diện một số các nhà nhập khẩu ở Đức.
Đặc biệt, tại sự kiện, Tiến sỹ Rene Schäfer - Chuyên gia tư vấn luật quốc tế, Công ty Dornbach GmbH sẽ thông tin tới các DN Việt Nam về Bộ phận thông tin Việt Nam tại Đức (Vietnam Desk), nơi cung cấp, chia sẻ nhiều thông tin giá trị hỗ trợ DN hai nước Việt Nam và Đức phát triển các cơ hội hợp tác kinh doanh và đầu tư.
Sự kiện sẽ được tổ chức trực tiếp tại khách sạn Viễn Đông, 275A Phạm Ngũ Lão, Quận 1, TP Hồ Chí Minh kết hợp trực tuyến trên nền tảng Zoom và phổ biến trên fanpage Facebook Cục Xúc tiến thương mại.
Cộng hoà liên bang Đức được biết đến là một trong số những thị trường tiêu dùng “khó tính” nhất trên thế giới. Người tiêu dùng Đức thường rất kỹ tính, bảo thủ và trung thành với các thương hiệu quen thuộc. Ước tính có khoảng 60% người tiêu dùng sẵn sàng mua nhiều lần cùng một nhãn hiệu đã sử dụng. Vì thế người Đức thường ưu tiên sử dụng các sản phẩm trong khu vực Châu Âu, sản phẩm quốc gia và địa phương. Tuy nhiên, thời gian gần đây, người tiêu dùng Đức cũng ngày càng cởi mở hơn với hàng hóa quốc tế.
Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Đức năm 2021 đạt trên 11,13 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu sang Đức đạt trên 7,25 tỷ USD, tăng 9,1% so với năm 2020. Nhập khẩu từ Đức đạt khoảng 3,88 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2020.
3 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu của Việt Nam sang Đức đạt 2,12 tỷ USD, tăng 25,1%. Nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường Đức đạt 929,4 triệu USD, tăng 10,6%.
Như vậy, năm 2021 Việt Nam xuất siêu sang Đức 3,37 tỷ USD, 3 tháng đầu năm nay xuất siêu gần 1,2 tỷ USD. Đây là một tín hiệu rất khả quan và nằm trong xu hướng tăng chung của tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam và EU sau hơn 1 năm thực thi Hiệp định thương mại tự do EVFTA.
Minh Thu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm