Doanh nghiệp - Doanh nhân

Covid-19 bùng phát tại TP.HCM: Đồng Nai giật mình..."ngăn sông cấm chợ" 21 ngày, gây khó cho DN và cư dân (?)

DNVN - Dẫu biết rằng mục đích trên hết nhằm ngăn dịch Covid-19 lây lan trong cộng đồng, thế nhưng việc thực hiện cách ly 21 ngày người từ TP.HCM đến Đồng Nai sẽ không đảm bảo duy trì sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong Khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM.

Thương hiệu Lamborghini được tập đoàn Thụy Sỹ trả giá 7,5 tỷ euro / Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng tìm nguồn vaccine tiêm cho người lao động

Người từ TP.HCM về Đồng Nai phải cách ly 21 ngày

Theo đó, chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - Cao Tiến Dũng vừa chỉ đạo từ 0 giờ ngày 5/6, áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà hoặc các cơ sở lưu trú trên địa bàn 21 ngày đối với tất cả người từ TP.HCM về, đến Đồng Nai (trừ các đối tượng phải áp dụng các biện pháp cách ly khác theo hướng dẫn của ngành y tế).

Thời gian cách ly tính từ ngày rời TP.HCM. Đồng thời yêu cầu lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ 7 và 14. Phí cách ly tại cơ sở lưu trú và lấy mẫu xét nghiệm do đối tượng cách ly trả.

Cơ quan chức năng đo thân nhiệt người từ TP.HCM về Đồng Nai qua tuyến phà Cát Lái.

Cơ quan chức năng đo thân nhiệt người từ TP.HCM về Đồng Nai qua tuyến phà Cát Lái.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu người về, đến từ TP.HCM liên hệ các trạm y tế tại nơi cư trú để khai báo y tế và được hướng dẫn cách ly y tế tại nhà hoặc cơ sở lưu trú theo quy định. Văn bản của tỉnh còn nhấn mạnh sẽ xử phạt nghiêm các trường hợp không khai báo, không chấp hành.

Trong thời gian này, các cán bộ, công chức viên chức, người lao động trên địa bàn tỉnh không đến TP.HCM, trừ trường hợp đặc biệt phải được thủ trưởng cơ quan đồng ý bằng văn bản. Tạm dừng các hoạt động vận chuyển hành khách từ Đồng Nai đi TP.HCM và ngược lại.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cũng kêu gọi người dân về, đến từ TP.HCM liên hệ cơ quan y tế gần nhất để khai báo; kêu gọi nhân dân ở từng tổ, ấp, khu phố tăng cường giám sát cộng đồng dân cư, thông tin phản ánh những trường hợp về, đến từ TP.HCM không thực hiện khai báo y tế và cách ly.

Có đi ngược với "mục tiêu kép" của Chính phủ?

Quy định này của Chủ tịch tỉnh Đồng Nai đang gây "sốc" cho rất nhiều doanh nghiệp cũng như hàng nghìn người có liên quan trực tiếp. Nói liên quan trực tiếp có nghĩa là những người đi lại giữa TP.HCM và Đồng Nai hằng ngày, không phải đi chơi mà đi làm việc, mưu sinh.

Theo thống kê của Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM, hiện có hơn 6.000 người lao động cư trú trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, hằng ngày di chuyển đến các khu chế xuất, khu công nghiệp (Cát Lái, Linh Trung, Bình Chiểu, Lê Minh Xuân 3, Đông Nam) thuộc TP.HCM để làm việc. Nếu như họ làm việc xong, trở về nhà ở Đồng Nai, bị cách ly 21 ngày thì các doanh nghiệp có công nhân người Đồng Nai không thể duy trì sản xuất.

Đồng thời, có rất nhiều hàng hóa xuất nhập qua Cụm cảng Cái Mép Thị Vải và hàng hóa vận chuyển qua lại giữa Đồng Nai và TP.HCM, trong đó có nguồn nguyên liệu sản xuất của các doanh nghiệp trong Khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM.

"Việc thực hiện các nội dung của UBND tỉnh Đồng Nai sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nguyên liệu sản xuất của doanh nghiệp. Đồng thời, việc lưu thông hàng hóa và di chuyển của người lao động sẽ gặp khó khăn, khả năng sẽ không đảm bảo duy trì sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong Khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM", ông Hứa Quốc Hưng - Trưởng Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM nêu rõ.

Nhiều công nhân làm việc tại TPHCM nhưng cư trú ở Đồng Nai.

Nhiều công nhân làm việc tại TPHCM nhưng cư trú ở Đồng Nai.

Một doanh nghiệp vận chuyển hàng hoá tại khu công nghiệp Cát Lái (TP Thủ Đức) cho biết, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cần có sự tính toán hợp lý, để vừa kiểm soát được dịch bệnh vừa bảo đảm sản xuất cho tỉnh nhà và cho TP.HCM. Bởi lẽ, theo vị này, có một bộ phận người lao động cư trú tại Đồng Nai nhưng làm việc trong các cơ quan, công ty và nhiều tổ chức khác ở TP.HCM, nếu họ bị cách ly thì công việc của họ ai làm, ảnh hưởng chung tới toàn xã hội, không riêng gì cá nhân họ hay đơn vị của họ.

“Không chỉ lực lượng lao động là người Đồng Nai làm việc trong các nhà máy, khu công nghiệp TP.HCM, mà còn nhiều công nhân lao động ở các lĩnh vực khác thường xuyên bốc dỡ, vận chuyển hàng hóa, nguyên liệu để phục vụ cho sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu giữa hai khu vực. Nếu họ bị cách ly 21 ngày coi như tê liệt hoàn toàn hệ thống sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu”, vị này nói.

Vị này cho biết thêm, hiện có một bộ phận rất lớn người dân buôn bán làm ăn sinh sống hằng ngày cũng đáng để lưu tâm. Người thì từ Đồng Nai về TP.HCM lấy hàng hóa, bán hàng và ngược lại, nếu bị cách ly 21 ngày, họ làm sao sống? Việc “ngăn sông cấm chợ" không phải là biện pháp phù hợp với "mục tiêu kép" là vừa duy trì sản xuất, vừa phòng chống dịch.

“Có rất nhiều người phải làm việc và họ là một mắt xích trong dây chuyền sản xuất. Chuỗi mắt xích đó bị cắt là đứng cả dây chuyền. Cho nên, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cần có sự tính toán hợp lý, để vừa kiểm soát được dịch bệnh vừa bảo đảm sản xuất cho đại phương và cả cho TP.HCM”, vị này cho hay.

Tương tự, đại diện Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Thanh Luân (đóng tại khu công nghiệp Cát Lái, TP Thủ Đức) cho biết, toàn bộ công ty có gần 200 nhân sự, đa phần là ở địa bàn huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai). Thời gian qua, đơn vị đã nỗ lực vừa đảm bảo an toàn trong phòng dịch vừa duy trì sản xuất, luôn đề cao cảnh giác, triển khai các giải pháp cụ thể nhằm kiểm soát chặt chẽ, không để dịch bệnh xâm nhập và lây lan cho người lao động.

Đặc biệt, trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, bản lãnh đạo đã triển khai phun khử khuẩn tại các nơi làm việc và yêu cầu 100% công nhân, người lao động đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, đo thân nhiệt hàng ngày trước khi vào công ty. Đồng thời thực hiện giữ khoảng cách, hạn chế nói chuyện và không tụ tập đông người.

Mới đây, chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo từ 0 giờ ngày 5/6, áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà hoặc các cơ sở lưu trú trên địa bàn 21 ngày đối với tất cả người từ TP.HCM về, đến Đồng Nai. Có thể thấy đây là điều rất tốt, đảm bảo công tác phòng chống dịch. Tuy nhiên, khi thực thi thì quyết định này lại gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp.

“Người lao động của công ty tôi đa phần sinh sống tại Đồng Nai, hằng ngày họ đi lại giữa Đồng Nai đến công ty tôi ở TP.HCM làm việc, thời gian qua lại giữa 2 địa phương chưa đến 15 phút bằng Phá Cát Lái. Tuy nhiên, khi áp dụng quyết định cách ly của tỉnh Đồng Nai thì người lao động công ty tôi từ TP.HCM trở về nhà ở Đồng Nai phải thực hiện cách ly đến 21 ngày. Điều này đang gây khó khăn cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp chúng tôi”, đại diện Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Thanh Luân cho hay.

Trước nhiều ý kiến của các doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM, Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp TP.HCM đã có văn bản đề nghị UBND TP.HCM có ý kiến với UBND tỉnh Đồng Nai để kịp thời có biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên.

Về vấn đề này, ông Dương Anh Đức- Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho hay, những ngày gần đây, nhiều địa phương đã có văn bản về việc thực hiện cách ly người về từ TP.HCM và mới đây nhất là của tỉnh Đồng Nai.

“Nếu thực hiện đúng theo văn bản này,các công nhân khi về Đồng Nai phải bị cách ly 21 ngày. Như vậy, nguồn nhân lực cho các nhà máy, xí nghiệp đang sản xuất của TP.HCM sẽ gặp vấn đề rất lớn. Ngoài ra, việc này còn tạo ra một số ách tắc trong giao thông, vận chuyển”, ông Dương Anh Đức nói.

Để tháo gỡ khó khăn cho người lao động, ông Dương Anh Đức đã giao Sở Giao thông vận tải TP.HCM phối hợp cùng Sở Y tế nghiên cứu tình hình thực tế và văn bản do tỉnh Đồng Nai ban hành để tham mưu khẩn cấp cho UBND TP.HCM có công văn trao đổi, nhằm giải quyết vấn đề này một cách hợp lý nhất, tránh để ảnh hưởng đến sản xuất và lưu thông hàng hóa.

Ông Hồ Xuân Lâm - Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động TP.HCM cho biết, hiện nay, việc thực hiện phòng chống dịch Covid-19 phải đạt "mục tiêu kép" là vừa duy trì sản xuất, vừa phòng chống dịch. Vì vậy, Liên đoàn lao động TP.HCM đề xuất giải pháp là hàng ngày người lao động đi hoặc về Đồng Nai phải xuất trình "Thẻ nhân viên" hay chứng minh nhân dân/căn cước công dân hoặc Giấy chứng nhận xét nghiệm y tế có kết quả âm tính (vì có doanh nghiệp đã lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho toàn bộ công nhân) khi đi qua các chốt kiểm dịch để có thể về TP.HCM làm việc bình thường.

Đức Linh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm