Doanh nhân Nguyễn Hồng Phong: Công nghệ và đổi mới sáng tạo giúp doanh nghiệp phát triển bền vững
Vietravel Airlines mở đường bay mới tới Quy Nhơn / Agribank góp phần đẩy lùi "tín dụng đen" tại nông thôn
Hiện nay, các doanh nghiệp khoa học công nghệ phục vụ nông dân không nhiều và đang gặp không ít khó khăn. Vậy cơ duyên nào thúc đẩy doanh nghiệp của ông tham gia vào lĩnh vực này?
Ông Nguyễn Hồng Phong: Nhìn lại quá khứ có thể thấy, những năm 90 của thế kỷ trước, nền nông nghiệp của Việt Nam còn lạc hậu. Người lao động, đặc biệt là người nông dân ở nước ta còn vất vả và nghèo khó. Xuất thân sinh ra trong một gia đình công nhân nghèo tại thành phố Thanh Hóa, nên trong lòng tôi luôn thôi thúc, khao khát phải làm một cái gì đó để thay đổi được cuộc sống của bản thân cũng như người dân Việt Nam. Chính vì vậy, ngay từ khi thành lập, công ty đã lấy tên là Tiến Nông với mong muốn đưa những tiến bộ mới về giúp cho người nông dân có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Là một doanh nghiệp sản xuất dinh dưỡng cây trồng, định hướng phát triển của Tiến Nông là ứng dụng lợi thế khoa học công nghệ để tạo ra các sản phẩm mang đặc thù theo từng vùng miền, từng đối tượng cây trồng, từng vùng sinh thái theo phương thức canh tác hiện đại nhằm cung cấp dinh dưỡng theo hướng chính xác và hiệu quả. Từ đó, Tiến Nông đã đạt được nhiều thành tích và có sự phát triển nhanh chóng.
Từ sản phẩm đầu tiên là phân lân nung chảy, đến nay Tiến Nông đã có nhiều dòng sản phẩm thế mạnh, chất lượng tạo dựng một vị thế mới – nằm trong top 10 công ty phân bón hàng đầu Việt Nam.
Xu hướng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong doanh nghiệp là tất yếu trong thời gian tới. Theo ông, định hướng và chiến lược của Tiến Nông trong thời gian tới sẽ ra sao?
Ông Nguyễn Hồng Phong: Tôi cho rằng, nếu doanh nghiệp nào không đặt sự bền vững lên trước thì sẽ khó mà có thể tồn tại được. Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ là từ khóa cho sự phát triển tất yếu của doanh nghiệp hiện nay. Và tất cả các doanh nghiệp muốn phát triển được không thể nằm ngoài xu hướng đó.
Bám sát chiến lược phát triển nông nghiệp Việt Nam trong giai đoạn mới, chuyển đổi số tại Tiến Nông sẽ gắn kết trực tiếp với cánh đồng và người nông dân. Cánh đồng chính là tư liệu sản xuất, người nông dân là chủ thể gắn liền với sản xuất. Người nông dân có cánh đồng, Tiến Nông sẽ kết hợp cùng tương tác, đầu tư trên cánh đồng đó để tạo ra các sản phẩm có giá trị cao hơn. Tiến Nông sẽ không chỉ đơn thuần là bán phân bón mà sẽ là doanh nghiệp tổ chức sản xuất cùng nông dân để gắn kết trách nhiệm cùng với họ. Mục tiêu trong thời gian tới Tiến Nông sẽ trở thành “đơn vị tiên phong trên con đường chăm sóc phục vụ nông dân Việt Nam”.
Doanh nhân Nguyễn Hồng Phong - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nông nghiệp Tiến Nông.
Trong giai đoạn này, khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, chúng ta quan tâm nhiều hơn đến các khái niệm “nông nghiệp bền vững”, “kinh tế tuần hoàn”… Điều này đã ảnh hưởng đến Tiến Nông như thế nào?
Ông Nguyễn Hồng Phong: Nông nghiệp trong bối cảnh mới đòi hỏi Tiến Nông thay đổi.
Có ba từ khóa mới trong nông nghiệp được nhắc đến nhiều nhất trong thời gian gần đây là “nông nghiệp bền vững”, “kinh tế tuần hoàn” và “nông nghiệp không phát thải”. Hiện nay, tất cả những phế thải đều có thể qua các công nghệ xử lý như sinh học, nano… và đều có thể biến thành những sản phẩm giá trị cho nông nghiệp. Nông nghiệp hiện đại còn phải cam kết đóng góp tích cực vào công tác bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu. Và ngành sản xuất phân bón đứng trước áp lực thay đổi để nâng cao hiệu suất sử dụng, giảm lãng phí.
Khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, Tiến Nông cũng không nằm ngoài những tác động và ảnh hưởng chung. Nhưng đây chính là thời gian giúp tôi và mọi người có thể sống chậm lại để nhìn nhận lại bản thân và mọi thứ. Thời gian vừa qua, Tiến Nông không đặt nặng mục tiêu tăng trưởng mà tập trung nhiều hơn vào chất lượng sống của người lao động. Tuy nhiên, chất lượng và sự tăng trưởng của Tiến Nông thời gian qua lại có những kết quả rất khả quan, trong cái rủi có cái may, trong nguy có cơ chính là ở chỗ đó.
Ông đánh giá thế nào về xu hướng chuyển đổi số nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay?
Ông Nguyễn Hồng Phong: Chuyển đổi số tức là quản lý chặt chẽ từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ. Từ đồng ruộng đến bàn ăn. Ba mục đích chính của chuyển đổi số nông nghiệp bao gồm: Thứ nhất, để Nhà nước có thể quản lý được ngành nông nghiệp.
Thứ hai, giúp người dân quản lý và khai thác được tối đa diện tích đất của mình để canh tác có hiệu quả cao hơn, bền vững hơn. Thứ ba, để người tiêu dùng biết được sản phẩm mình ăn, biết được sản phẩm mình mua xuất xứ từ đâu, quy trình sản xuất như thế nào… Tuy nhiên, đây là một câu chuyện rất dài, cần thời gian và nguồn nhân lực cùng tham gia.
Hiện Nhà nước đã có những hành động rất cụ thể. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã kết hợp với Bộ Khoa học Công nghệ đầu tư những mô hình về chuyển đổi số nông nghiệp. Và hiện nay Tiến Nông cũng đang rất quyết tâm cùng tham gia vào câu chuyện này.
Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng không thể trông đợi vào Nhà nước quá nhiều. Nhà nước đóng vai trò định hướng kiến tạo. Doanh nghiệp phải là chủ thể trong lĩnh vực chuyển đổi số này. Trong khoảng 3 năm nữa bức tranh về chuyển đổi số nông nghiệp sẽ rõ ràng hơn. Chúng ta cần có thời gian để trải nghiệm, đánh giá.
Doanh nhân Nguyễn Hồng Phong cùng các cộng sự.
Theo ông, đâu sẽ là cơ hội phát triển của doanh nghiệp, đặc biệt với các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thời gian tới?
Ông Nguyễn Hồng Phong: Công nghệ chính là cơ hội phát triển đột phá của doanh nghiệp. Do tính phổ biến của công nghệ thông tin hiện nay trên toàn cầu khiến cho cuộc đua về đổi mới công nghệ trở nên công bằng hơn. Một doanh nghiệp đang thành công hôm nay hoàn toàn có thể thất bại ngày mai nếu thua trong cuộc đua công nghệ với các doanh nghiệp khởi nghiệp. Đó là lý do những doanh nghiệp hàng đầu thế giới không ngừng đầu tư cho R&D, và cũng là con đường có lẽ không thể không theo đối với tất cả các doanh nghiệp khác.
Trong lĩnh vực nông nghiệp , thế giới có rất nhiều công nghệ mới, tiên tiến có thể áp dụng tại Việt Nam. Để lựa chọn được công nghệ phù hợp nhất với mình, mỗi doanh nghiệp trước hết cần xác định được tầm nhìn và chiến lược phát triển cũng như khả năng về nguồn lực. Xác định mục đích của đổi mới công nghệ là để tối ưu hóa chi phí sản xuất; tạo ra sản phẩm mới để có sự lựa chọn. Đó là bước chuẩn bị quan trọng giúp các doanh nghiệp đổi mới , đặc biệt doanh nghiệp khởi nghiệp thành công.
Việt Nam là một môi trường thuận lợi và mạnh mẽ để các bạn trẻ khởi nghiệp và dấn thân để tạo ra giá trị cho mình. Sự lớn mạnh của đất nước sẽ giúp cho doanh nghiệp lớn lên. Nếu như các bạn làm mà không đạt được kết quả như kỳ vọng thì cũng là trải nghiệm để mình rút ra, vượt qua và tạo nền tảng cho những thành công tiếp theo.
Xin cảm ơn ông!
End of content
Không có tin nào tiếp theo