Doanh nghiệp - Doanh nhân

Giải cứu doanh nghiệp thủy sản ‘mắc cạn’ vì COVID-19

Các tháng cuối năm 2021 là thời kỳ thu hoạch chính đối với tôm, cá tra. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tiếp tục đề xuất các tỉnh tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đảm bảo vận chuyển thông suốt để duy trì sản xuất và xuất khẩu.

Đồng Tháp: Duy trì tỉ lệ thất nghiệp chung ở mức dưới 1% / Kiến nghị 5 nhóm chính sách hỗ trợ dài hạn, áp dụng trong 3 năm tới để cứu doanh nghiệp

Khó khăn chồng chất

Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty FIMEX VN, sau hơn 4 tuần thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ, hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu tôm của các nhà máy chế biến tôm tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bị đảo lộn. Nhiều doanh nghiệp chế biến buộc phải đóng cửa do không thực hiện được “3 tại chỗ” hoặc nghi ngờ có ca nhiễm COVID-19. Việc triển khai áp dụng quy định phòng chống dịch ở mỗi địa phương cũng khác nhau, khiến cả người nuôi và doanh nghiệp không tránh khỏi lúng túng. Hầu hết các nhà máy chế biến hiện nay đều buộc phải giảm công suất còn 30 - 50% để thực hiện “3 tại chỗ”, nên nhu cầu mua nguyên liệu giảm.

Tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm ước đạt 4 tỷ USD. Ảnh: TTXVN

Tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm ước đạt 4 tỷ USD. Ảnh: TTXVN

Bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng Giám đốc Công ty Vĩnh Hoàn chuyên chế biến và xuất khẩu cá tra tại Đồng Tháp nhìn nhận, "3 tại chỗ" chỉ là giải pháp tình thế, doanh nghiệp chỉ đạt tối đa 50% công suất, không thể giải quyết lượng cá đang tồn đọng. Các doanh nghiệp đang tính đến kịch bản "hậu 3 tại chỗ" dựa theo kinh nghiệm các nước.

Về khâu vận chuyển, mỗi tháng các cơ sở nuôi trồng giống cần vận chuyển khoảng 7 tỷ tôm giống từ Nam Trung Bộ và khoảng 150.000 tấn thức ăn từ khu vực Đồng Nai, Bình Dương vào Tây Nam Bộ. Tuy nhiên, vận chuyển cả đường bộ và đường thủy hiện nay vẫn khó khăn, do cơ sở sản xuất con giống, thức ăn không cùng địa bàn, phải qua các địa phương khác nhau.

Theo phản ánh của các doanh nghiệp chế biến tôm, hiện tại, việc một số mặt hàng vật tư nuôi tôm, trong đó có tôm giống, thức ăn thủy sản vận chuyển về vùng nuôi tôm gặp khó khăn đã làm gián đoạn lịch thả giống thứ hai trong năm và hoạt động thả nuôi vụ hai đang có xu hướng trầm lắng.

Ổn định sản xuất, mở sẵn đường đi

Theo đánh giá của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), dự kiến giá thủy sản phục hồi sau khi các địa phương kiểm soát tốt được dịch bệnh, việc xuất khẩu tôm của Việt Nam thường tăng mạnh từ giữa quý 3 và sang quý 4. Để duy trì được tốc độ và giá trị tăng trưởng xuất khẩu thủy sản những tháng tới, việc đảm bảo ổn định hoạt động nuôi trồng và chế biến là cấp thiết.

Nhu cầu nhập khẩu thủy sản của thị trường vẫn lớn. Ảnh: TTXVN

Nhu cầu nhập khẩu thủy sản của thị trường vẫn lớn. Ảnh: TTXVN

Thống kê của Bộ NN&PTNT, hiện có 324/449 cơ sở chế biến thủy sản đáp ứng yêu cầu "3 tại chỗ" tiếp tục sản xuất, chiếm 72%. Công suất của nhiều nhà máy chỉ khoảng 30 - 50% so với trước khi áp dụng Chỉ thị 16 do thiếu công nhân hoặc chia ca để phòng chống dịch. Bên cạnh đó, lượng tôm bố mẹ hiện có khoảng 55.000 con, giống cá tra chủ động sản xuất được khoảng 150 - 200 triệu con/tháng đáp ứng đủ nhu cầu thả nuôi. Cả nước hiện có 120 nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản, trong đó có 56 nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài, với công suất thiết kế khoảng 5,2 triệu tấn/năm và 64 nhà máy có vốn đầu tư trong nước, với công suất thiết kế khoảng 4,7 triệu tấn/năm đủ cung cấp thức ăn cho nuôi trồng.

Với năng lực hiện có, các giải pháp được tính đến hiện nay là mở rộng “vùng xanh an toàn” để tăng diện tích nuôi thủy sản tại các tỉnh ĐBSCL; tăng thêm các nhà máy sản xuất “3 tại chỗ”; tạo điều kiện thuận lợi trong thu hoạch, mua bán, vận chuyển tôm từ ao nuôi đến nhà máy nhanh hơn, mà vẫn đảm bảo quy định phòng chống dịch.

Ở góc độ doanh nghiệp, VASEP kiến nghị Thủ tướng xem xét ưu tiên và tập trung tiêm ngay vaccine cho người lao động tại các nhà máy chế biến thủy sản, lực lượng trong chuỗi cung ứng vận chuyển như lái xe, lái ghe, sà lan vận chuyển… nhằm vừa giữ được nguồn hàng cung ứng cho thị trường, đối tác xuất khẩu, vừa duy trì được sản xuất và công ăn việc làm cho người lao động ngành Thủy sản.

Trước kiến nghị này và thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa trình Thủ tướng dự thảo nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn vì COVID-19. Trong đó, giải pháp trọng tâm là ưu tiên và bổ sung tiêm vaccine cho người lao động tại doanh nghiệp ở các vùng kinh tế trọng điểm, khu kinh tế, khu - cụm công nghiệp, và các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng, xuất nhập khẩu; người lao động trong một số lĩnh vực có tiếp xúc cao.

Như vậy, về dài hạn, ngành thuỷ sản Việt Nam xác định sẽ phải sống chung với dịch. Việc thực hiện đồng bộ và phối hợp nhiều giải pháp để vừa đảm bảo an toàn, duy trì sản xuất trong dịch, vừa đẩy mạnh bao tiêu đầu ra cho ngư dân, đón đầu kế hoạch xuất khẩu những tháng cuối năm… sẽ giúp ngành Thủy sản đạt được mục tiêu xuất khẩu 9 tỷ USD cả năm 2021.

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm