Hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp FDI tại TP Hồ Chí Minh lo dòng vốn ngoại sẽ dịch chuyển sang nước khác

DNVN - Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại TP Hồ Chí Minh đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện phương án “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến” như năng suất sụt giảm, chi phí thực hiện phòng, chống dịch tăng mạnh. Nếu tiếp tục giãn cách kéo dài thì doanh nghiệp FDI lo lắng dòng vốn ngoại có thể dịch chuyển sang nước khác.

Doanh nghiệp thuỷ sản kiến nghị giảm ít nhất 50% các phí dịch vụ tại cảng biển / Triển khai Luật Quy hoạch còn chậm và lúng túng: Thủ tướng chỉ đạo cần phải đi trước một bước

Đây là chia sẻ của một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại buổi gặp mặt giữa các doanh nghiệp, hiệp hội FDI với lãnh đạo TP Hồ Chí Minh vào sáng 20/8.

Cần nới lỏng mô hình “3 tại chỗ” để giảm bớt chi phí phát sinh

Tại buổi gặp mặt với lãnh đạo TP Hồ Chí Minh, ông Lê Hữu Bình, đại diện Công ty TNHH Jabil Việt Nam cho biết, doanh nghiệp hiện đang thực hiện phương án "2 địa điểm, 1 cung đường" cho 2.500 lao động, chi phí phát sinh trung bình là 4 tỷ đồng/ngày, tức khoảng hơn 120 tỷ đồng/tháng. Trong khi đó, công suất doanh nghiệp hiện chỉ dưới 30%, doanh thu xuất khẩu 1 tháng mất khoảng 60 triệu USD.

Đặc biệt, với việc không thực hiện giao hàng đúng hợp đồng, nhiều đối tác của công ty đã chuyển sang các nước khác như Trung Quốc, Mexico, Singapore… "Chúng tôi đã mất khoảng 200 triệu USD đơn hàng. Nếu kéo dài, có khả năng doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô kinh doanh tại Việt Nam", ông Bình nói.

Ông Bình kiến nghị để khắc phục tình trạng trên cần nhanh chóng tiêm vaccine cho người lao động. Việc tiêm vaccine cần được ưu tiên và phải linh hoạt hơn nữa. Hiện nay, Khu Công nghệ cao ghi nhận trường hợp có vaccine nhưng thiếu đội ngũ tiêm chủng. Do đó, cần linh hoạt tiêm vaccine dịch vụ hoặc có cơ chế cho doanh nghiệp trả phí dịch vụ để tiêm vaccine từ nguồn cung cấp của Chính phủ hoặc có cơ chế cho doanh nghiệp nhận vaccine từ tập đoàn, công ty mẹ.

Cùng với đó, ông Bình còn đề xuất TP Hồ Chí Minh nên xem xét mô hình chống dịch khác. Chặng hạn như ở Malaysia, khi có dịch bùng phát, các công ty sẽ có xe đưa đón người lao động. Cùng với đó, người lao động được trang bị khẩu trang y tế N95 cùng các trang bị y tế đảm bảo an toàn. Các nhà máy bên Malaysia theo đó khá an toàn và không cần thực hiện 3 tại chỗ.

Hiện doanh nghiệp mong muốn thực hiện tổ chức sản xuất “4 xanh” theo công văn mới của Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh. Tuy vậy, có những khái niệm khó hiểu như: "Nơi ở xanh" - vậy nơi ở xanh ở đây định nghĩa thế nào? Theo quy mô phường, xã, hay khu phố? Hay khi thực hiện "cung đường xanh" thì cần phải giải thích và có phương án cụ thể, chẳng hạn hôm nay cung đường đó xanh, nhưng ngày mai đỏ thì phải xử lý thế nào?

Ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, doanh nghiệp FDI ở TP Hồ Chí Minh than mất đơn hàng trăm triệu USD.

Ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, doanh nghiệp FDI ở TP Hồ Chí Minh than mất đơn hàng trăm triệu USD.

Tổng giám đốc Công ty Datalogic Việt Nam Trần Tiến Phát cho biết, đến thời điểm hiện tại doanh nghiệp chỉ còn 502/831 nhân viên làm việc theo mô hình “3 tại chỗ” và “1 cung đường 2 địa điểm”. Từ khi ảnh hưởng do dịch COVID-19 đến nay, doanh số của công ty đã sụt giảm nghiêm trọng, từ 18,5 triệu USD trong tháng 6 xuống11 triệu USD trong tháng 7. Không những thế, số lượng nhân lực lao động giảm còn 60% và doanh số giảm 40% so với trước.

Theo ông Phát, đây là sự sụt giảm không theo quy tắc vì những lao động bị thiếu là công nhân có tay nghề cao, tại những dây chuyền sản xuất này không thể dễ dàng đưa người khác vào thay thế trong thời gian ngắn, muốn thay thế phải qua đào tạo, mất rất nhiều thòi gian.

Hiện người có kinh nghiệm thường là người có gia đình và họ không thể bỏ cha mẹ già hay con trẻ để vào nhà máy làm việc theo mô hình “3 tại chỗ”. Do đó, chính quyền thành phố cần có những biện pháp kịp thời trong lúc này để doanh nghiệp giảm thiệt hại.

“Không thể phủ nhận “3 tại chỗ” là phương án chống dịch hiệu quả, nhưng chi phí phát sinh rất lớn và có thể liệt kê ra cả 1 trang giấy. Tôi cho rằng chính quyền thành phố cần phải có biện pháp nới lỏng phương án “3 tại chỗ”, ông Phát nói.

Bà Hồ Thị Thu Uyên, Giám đốc Đối ngoại Intel Việt Nam cho biết chi phí phát sinh từ việc đảm bảo phòng chống dịch trong giai đoạn 15/7-15/8 khoảng 140 tỷ đồng. (Ảnh: TTBC)

Bà Hồ Thị Thu Uyên, Giám đốc Đối ngoại Intel Việt Nam cho biết chi phí phát sinh từ việc đảm bảo phòng chống dịch trong giai đoạn 15/7-15/8 khoảng 140 tỷ đồng. (Ảnh: TTBC)

Là nhà máy sản xuất chiếm đến 64% giá trị xuất khẩu của Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh trong 6 tháng đầu năm, bà Hồ Thị Thu Uyên, Giám đốc đối ngoại Intel Việt Nam và Malaysia cho biết, công ty có 86% người lao động đã tiêm mũi vaccine đầu tiên. Hiện doanh nghiệp áp dụng mô hình "một cung đường hai địa điểm" cho gần 1.900 người lao động, chi phí dành cho phương án "2 địa điểm, 1 cung đường" của doanh nghiệp trong thời gian từ 15/7 đến 15/8 khoảng 140 tỷ đồng.

“Nếu tính tới ngày 15/9, con số trên có thể tiếp tục tăng lên. Những chi phí này đã ảnh hưởng trực tiếp đến ngân sách và kế hoạch sản xuất của công ty trong dài hạn”, bà Uyên cho biết.

Từ đó, bà Uyên kiến nghị được chính quyền ưu tiên tiêm mũi 2 cho người lao động tro ng Khu Công nghệ cao để sớm đạt miễn dịch cộng đồng. Với mũi thứ 2, lực lượng lao động trong khu công nghệ cao sẽ là khu vực xanh và có thể sản xuất bình thường, qua đó kéo lại năng suất sản xuất trong quý IV và hiệu quả mũi 1 sẽ không bị lãng phí. Và khi người lao động được tiêm vaccine đầy đủ, Intel mong TP Hồ Chí Minh cho phép doanh nghiệp được thí điểm "2 tại chỗ”, đỡ tốn kém cho doanh nghiệp và giúp lao động đỡ đối mặt với trở ngại tâm lý khi đến ở tại nơi sản xuất, hoàn toàn phù hợp trong thời điểm hiện nay. Chắc chắn công ty sẽ cho lao động cam kết về việc tuân thủ các quy tắc phòng dịch. Công ty sẽ bố trí xe đưa đón, không cho dùng xe cá nhân.

Thêm vào đó, bà Uyên kiến nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và chính quyền TP Hồ Chí Minh cho phép doanh nghiệp tăng giờ làm của lao động lên thêm 100 giờ. Điều này giúp tăng nâng suất và cải thiện tình trạng chậm trễ đơn hàng.

"Các doanh nghiệp trong khu công nghệ cao và doanh nghiệp nói chung mong rằng sau ngày 15/9, TP Hồ Chí Minh sẽ dừng việc giãn cách. Việc kéo dài này sẽ ảnh hưởng đến khả năng ổn định sản xuất và khó thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài. Chúng tôi rất lo lắng không giữ chân được các nhà đầu tư lớn ở Việt Nam", bà Uyên bày tỏ.

Tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất

Trước những chia sẻ này, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, ông rất thấu hiểu khi hoạt động của các doanh nghiệp FDI gặp nhiều khó khăn, hàng trăm nghìn lao động bị mất việc làm. Quan trọng hơn, nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất và cung ứng hàng hoá là rất lớn nếu không có kế hoạch ứng phó kịp thời.

Theo dự báo vào đầu tháng 8 của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2021 thành phố có khả năng âm thay vì dương như năm 2020. Rất nhiều chỉ tiêu khác để cấu thành GRDP cũng khó đạt được kế hoạch đặt ra. Tất cả các ngành kinh tế, từ công nghiệp, xây dựng, thương mại dịch vụ và sản xuất nông nghiệp đều chịu ảnh hưởng mạnh và có chiều hướng giảm sâu so với cùng kỳ. Hoạt động của doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, hàng chục ngàn doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, hàng trăm ngàn lao động bị mất việc làm.

Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan phát biểu. (Ảnh: TTBC)

Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan phát biểu. (Ảnh: TTBC)

“Nếu chúng ta không có những giải pháp ứng phó một cách toàn diện, mạnh mẽ và kịp thời, nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất, lưu thông và xuất khẩu hàng hóa là rất lớn”, Phó Chủ tịch UBND thành phố chia sẻ.

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố vẫn đang diễn biến rất phức tạp, số ca bệnh mỗi ngày và số lượng ca phát hiện trong cộng đồng vẫn còn ở mức rất cao (trên 3.000 ca mỗi ngày). Cả hệ thống chính quyền cùng với cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp đầu tư vốn nước ngoài và người dân thành phố đang nỗ lực, tận dụng từng ngày, từng giờ để thực hiện các biện pháp vừa phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả, vừa duy trì sản xuất kinh doanh, thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội; quyết tâm kiểm soát dịch bệnh trước ngày 15/9/2021 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

“Nhận thức rõ tầm quan trọng và sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp vào sự phát triển kinh tế - xã hội thành phố, tôi tin rằng TP Hồ Chí Minh cùng với cộng đồng doanh nghiệp của thành phố nói chung cùng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nói riêng sẽ chung sức, đồng lòng, quyết tâm chiến thắng đại dịch, sớm trở lại trạng thái bình thường mới”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Võ Văn Hoan phát biểu.

Tại buổi gặp các doanh nghiệp, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đề nghị các sở, ngành tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và tiếp thu các kiến nghị mà các doanh nghiệp và hiệp hội vừa nêu. Đây sẽ là những giải pháp chung tay ứng phó khó khăn và phục hồi sau đại dịch.

Đức Linh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm