Bình Dương: Doanh nghiệp nhường nhà xưởng làm bệnh viện dã chiến chống dịch
Bình Dương: Nhà máy, xí nghiệp trở thành "ngôi nhà thứ 2" của công nhân giữa đại dịch / Bí thư Bình Dương đưa ra "tối hậu thư" cho doanh nghiệp, nếu không đáp ứng được phải ngừng sản xuất
UBND tỉnh Bình Dương vừa ban hành các quyết định trưng dụng tài sản là công trình, nhà xưởng của các doanh nghiệp và ban hành lệnh xây dựng công trình khẩn cấp để làm bệnh viện dã chiến, nhằm chủ động ứng phó với dịch bệnh, sẵn sàng tiếp nhận và điều trị các bệnh nhân COVID-19.
Nhiều doanh nghiệp ở Bình Dương nhường cơ sở vật chất, nhà xưởng để tỉnh thiết lập bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19.
Theo đó, tỉnh Bình Dương quyết định cải tạo cụm nhà xưởng của Công ty TNHH Hoàng Hùng (thị trấn Lai Uyên, huyện Bàu Bàng), để làm bệnh viện dã chiến có quy mô khoảng 3.300 giường bệnh, trên tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 24.480 m2, dự kiến hoàn thành trong vòng 25 ngày, với tổng kinh phí khoảng 17 tỷ đồng.
Tỉnh Bình Dương cũng quyết định cải tạo khu nhà máy khoảng 16.394 m2 của Công ty TNHH Dệt Liên Châu (Khu công nghiệp Sóng Thần 3, TP Thủ Dầu Một), làm bệnh viện dã chiến có quy mô khoảng 1.580 giường bệnh, với mức kinh phí khoảng hơn 12 tỷ đồng.
Đồng thời, cải tạo lại Nhà máy rượu GSI với tổng diện tích xây dựng hơn 21.800 m2, của Công ty Cổ phần Cao su Tài Phát (phường Thới Hòa, thị xã Bến Cát) để làm bệnh viện dã chiến, khu cách ly điều trị bệnh nhân COVID-19, với quy mô khoảng 1.000 giường.
UBND tỉnh Bình Dương giao Sở Y tế tổ chức bàn giao, tiếp nhận, quản lý, sử dụng tài sản trưng dụng bảo đảm đúng quy định và mục đích. Đồng thời, phối hợp với Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai thành lập bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 và tổ chức vận hành.
Giao Công ty Điện lực Bình Dương, Công ty cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương thực hiện lắp đặt đồng hồ điện, đồng hồ nước và đấu nối thoát nước bảo đảm cho các hoạt động của bệnh viện dã chiến, khu cách ly.
Trước đó, để đồng hành cùng tỉnh Bình Dương phòng chống dịch, Tổng Công ty Becamex IDC (Becamex IDC) đã xây dựng và vận hành Bệnh viện dã chiến Bình Dương số 1, tại Trung tâm Triển lãm quốc tế Thành phố mới Bình Dương (WTC Expo) và Khu Điều trị bệnh nhân COVID-19 Thới Hòa (Cơ sở 2 Bệnh viện dã chiến Bình Dương số 1).
Được triển khai thần tốc, Bệnh viện dã chiến Bình Dương số 1 quy mô 1.500 giường hoàn thành đi vào hoạt động chỉ sau 5 ngày thi công. Đến ngày 3/8, Khu Điều trị bệnh nhân COVID-19 Thới Hòa, quy mô 5.300 giường, cũng hoàn thành đi vào hoạt động sau hơn 10 ngày thi công.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn và lãnh đạo tỉnh Bình Dương kiểm tra công tác vận hành Bệnh viện dã chiến hồi sức cấp cứu điều trị COVID-19 tại Bệnh viện Đa khoa quốc tế Becamex.
Ngay sau đó, do số lượng ca F0 trong cộng đồng tăng mạnh, số lượng ca bệnh nặng, nguy kịch tăng lên dẫn đến nguy cơ quá tải tại Cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương, Becamex IDC tiếp tục được lãnh đạo tỉnh và Bộ Y tế giao nhiệm vụ vận hành Bệnh viện dã chiến hồi sức cấp cứu tỉnh Bình Dương, đặt tại Bệnh viện Đa khoa quốc tế Becamex (TP Thuận An).
Với tinh thần khẩn trương, chỉ sau một tuần triển khai thi công, Bệnh viện dã chiến hồi sức cấp cứu điều trị bệnh nhân COVID-19 tỉnh Bình Dương, quy mô 437 giường (300 giường điều trị, cấp cứu bệnh nhân mức độ nặng; 37 giường cho bệnh nhân nguy kịch; 100 giường cho bệnh nhân trung bình), đã đi vào hoạt động ngày 12/8 vừa qua.
Bên cạnh các trang thiết bị hiện đại được đầu tư bổ sung, được trang bị các phần mềm quản trị số hóa hiện đại nhằm bảo đảm quản lý minh bạch, hiệu quả, chăm sóc tốt nhất cho bệnh nhân, Bệnh viện còn được thừa hưởng cơ sở vật chất hiện đại, nguồn nhân lực có chuyên môn cao, tận tâm, chuyên nghiệp, yêu nghề của Bệnh viện Đa khoa quốc tế Becamex.
Để hỗ trợ, Bộ Y tế đã phân công PGS-TS-BS Nguyễn Lân Hiếu- Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, tham gia vào Ban lãnh đạo, phụ trách chuyên môn, giữ vai trò Giám đốc Y khoa của Bệnh viện dã chiến hồi sức cấp cứu tỉnh Bình Dương. Đồng thời huy động nguồn nhân lực y tế của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ và từ Sở Y tế các tỉnh, thành phố để hỗ trợ chuyên môn.
Theo PGS-TS-BS Nguyễn Lân Hiếu, việc đưa vào hoạt động Bệnh viện hồi sức cấp cứu điều trị bệnh nhân COVID-19 có ý nghĩa hết sức quan trọng và vô cùng cấp thiết trong tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp ở Bình Dương. Theo mô hình điều trị “tháp 3 tầng” của Bộ Y tế thì đây là tầng 3, chuyên điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch từ tầng 1, tầng 2 chuyển lên.
“Điều này sẽ góp phần giảm tải cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương để có thể vừa chữa bệnh nhân COVID-19, vừa chữa cho các bệnh nhân có bệnh nền khác. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức có thể để giảm tối đa tình trạng bệnh nhân thở máy ở tầng 3, giảm tỷ lệ tử vong do COVID-19”, PGS-TS-BS Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm, kiểm tra cơ sở vật chất các bệnh viện dã chiến phục vụ công tác phòng chống dịch tại Bình Dương.
Theo ông Phạm Ngọc Thuận - Tổng Giám đốc Becamex IDC, dù còn bộn bề khó khăn trong sản xuất kinh doanh trong thời gian giãn cách xã hội, nhưng với truyền thống đồng hành xuyên suốt cùng sự phát triển của tỉnh Bình Dương và tinh thần trách nhiệm xã hội sâu sắc, từ đợt dịch lần thứ tư, Becamex IDC đã tham gia tích cực, đóng góp nhiều nguồn lực mọi mặt vào công tác phòng chống dịch bệnh, nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân.
“Những hoạt động chung tay hỗ trợ về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực của doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái từ hệ thống chính quyền đến cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh đối với cuộc chiến chống dịch của cả nước”, Tổng Giám đốc Becamex IDC Phạm Ngọc Thuận khẳng định.
Tiếp nhận hơn 510 tỷ đồng ủng hộ công tác phòng chống dịch Theo Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Dương, tính đến ngày 21/8, Ban Cứu trợ đã tiếp nhận ủng hộ và đăng ký ủng hộ của 603 tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với tổng số tiền hơn 510 tỷ đồng. Trong đó, tổng số tiền đã tiếp nhận ủng hộ và đăng ký ủng hộ là hơn 218 tỷ đồng (Trung ương và các tỉnh, thành ủng hộ hơn 13,6 tỷ đồng). Về hàng hóa, tỉnh Bình Dương đã tiếp nhận ủng hộ 25 xe cứu thương, 1 xe vận chuyển dược phẩm, 3 xe tiêm chủng lưu động, 1 hệ thống ECMO, 1 hệ thống xét nghiệm PCR, 1 máy thở không xâm nhập, 2 máy chụp X-Quang di động kỹ thuật số, gần 200 máy thở, 15 máy thở đa năng, 289 máy tạo oxy lưu lượng cao, gần 600.000 bộ test kháng nguyên SARS-CoV-2. Bên cạnh đó còn có 142.000 bộ găng tay, trên 1.750.000 khẩu trang y tế, 54.800 khẩu trang N95, trên 24.000 bộ đồ bảo hộ y tế, 120 giường y tế, trên 5.000 máy đo nồng độ oxy SpO2, 5.000 bình khí oxy và nhiều vật tư y tế, sinh phẩm khác. Đặc biệt, 1 doanh nghiệp đăng ký ủng hộ 500.000 liều vaccine Nanocovac để tiêm cho người dân trong tỉnh.
Ngoài ra, còn có gần 500 tấn hàng hóa, nhu yếu phẩm, rau củ quả, thực phẩm hỗ trợ người dân khó khăn và lực lượng đang làm nhiệm vụ phòng, chống dịch. Tổng giá trị quy đổi là trên 290 tỷ đồng. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo