Phó TGĐ Sao Thái Dương: Ngành dược liệu cần quy tụ các nhà đầu tư nông nghiệp
Sao Thái Dương lọt top Thương hiệu có sản phẩm tin dùng bởi người Việt / Phó TGĐ Sao Thái Dương: Doanh nghiệp không thể tồn tại trăm năm nếu không mang lại niềm vui, hạnh phúc cho nhiều người
Tại lễ trao Giải thưởng Chất lượng Quốc gia (GTCLQG), Giải thưởng Chất lượng Quốc tế châu Á – Thái Bình Dương 2019 – 2020 mới đây, Công ty Cổ phần Sao Thái Dương (Sao Thái Dương) là một trong số 19 doanh nghiệp đạt Giải Vàng Chất lượng quốc gia năm 2020. Trong dịp này, bà Nguyễn Thị Hương Liên, Phó Tổng giám đốc Sao Thái Dương đã chia sẻ với Doanh nghiệp Việt Nam về định hướng để trở thành một doanh nghiệp khoa học công nghệ hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực đông dược của công ty.
Thưa bà, việc được trao giải Vàng Chất lượng quốc gia có ý nghĩa như thế nào đối với Sao Thái Dương?
Bà Nguyễn Thị Hương Liên: Trong suốt 20 năm qua, đội ngũ CBCNV của Sao Thái Dương đã không ngừng nỗ lực để xây dựng một thương hiệu Sao Thái Dương thuần Việt, từ nghiên cứu sáng tạo đến sản xuất các sản phẩm khó tính. Giải Vàng Chất lượng Quốc gia do Thủ tướng Chính phủ trao tặng, là vinh dự và tự hào, là nguồn động viên tinh thần vô cùng lớn của Chính phủ tới toàn thể CBCNV chúng tôi. Một lần nữa khẳng định hướng đầu tư đúng đắn và cổ vũ chúng tôi vững bước trên hành trình chông gai nhưng nhiều niềm vui và hạnh phúc!
Bà Nguyễn Thị Hương Liên, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sao Thái Dương.
Trong chiến lược phát triển của mình, Sao Thái Dương đã định hướng để trở thành một doanh nghiệp khoa học công nghệ hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực đông dược. Bà có thể cho biết, Sao Thái Dương đã hoạch định những bước đi cụ thể như thế nào để đạt được mục tiêu này?
Chúng tôi tập trung nguồn lực cho nghiên cứu sáng tạo, ứng dụng kỹ thuật bào chế hiện đại để tạo ra sự khác biệt về chất lượng cho các sản phẩm do Sao Thái Dương nghiên cứu và sản xuất. Đồng thời chúng tôi, nghiên cứu ứng dụng các bộ tiêu chuẩn quốc tế làm nền tảng để xây dựng tiêu chuẩn cho sản phẩm và giám sát chất lượng. Bên cạnh đó, Sao Thái Dương liên tục cập nhật thay đổi và cải tiến để ứng dụng những công nghệ hàng đầu vào nghiên cứu và sản xuất.
Sao Thái Dương đã có hơn 100 sản phẩm được sản xuất từ thảo dược thiên nhiên, những sản phẩm thương hiệu Việt do người Việt Nam làm chủ công nghệ. Bà có thể chia sẻ về những thuận lợi, khó khăn khi đầu tư vào nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm từ dược liệu? Từ những khó khăn này, doanh nghiệp khoa học công nghệ cần được hỗ trợ như thế nào?
Để có được những sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường như hiện tại là kết quả của hành trình nhiều năm chăm chỉ và kiên nhẫn của tất cả mọi thành viên của Sao Thái Dương
Khi đầu tư vào nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm từ dược liệu cái khó khăn nhất là chúng tôi phải xây dựng được bộ tiêu chuẩn và vượt qua các hàng rào kỹ thuật cho từng sản phẩm. Bên cạnh đó, một khó khăn lớn là kinh phí nghiên cứu lâm sàng cho các sản phẩm y tế tăng cao chóng mặt,
Từ những khó khăn trên, chúng tôi rất cần được các quỹ hỗ trợ về chuyên gia, và kinh phí nghiên cứu lâm sàng.
Có một thực tế là từ lâu nay, nhiều công trình nghiên cứu khoa học về dược liệu quý được đầu tư thực hiện khá công phu, nhưng sau khi bảo vệ thành công thì lại được “xếp kho”, hoặc “đắp chiếu” mà không được ứng dụng vào thực tiễn. Trong khi bản thân nhiều doanh nghiệp lại rất mong muốn được tiếp cận với các công trình khoa học này, để có thể phát triển, sản xuất ra các sản phẩm có giá trị. Vậy theo bà, Nhà nước cần phải có cơ chế để “mở kho” các công trình nghiên cứu khoa học này thế nào? Và cần phải có cơ chế thế nào để giữa các nhà khoa học và doanh nghiệp có thể bắt tay nhau hợp tác để đưa các kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn?
Với ngành y tế chúng tôi, hầu hết các công trình nghiên cứu ứng dụng đều phải qua các nghiên cứu tiền lâm sàng, lâm sàng 3-4 giai đoạn thì mới chắc chắn có khả năng mang lại giá trị chữa bệnh cho bệnh nhân. Tuy nhiên, các nghiên cứu hàn lâm hiện có, mới chỉ dừng lại ở nghiên cứu thành phần, tạo ra sản phẩm, chưa qua các bước thử nghiệm tiền lâm sàng và lâm sàng, vì lý do kinh phí quá cao.
Để các công trình nghiên cứu khoa học có thể ứng dụng và đưa vào thực tiễn, cần có sự “mở quỹ” hỗ trợ cho các hoạt động nghiên cứu ứng dụng này. Đồng thời có sự quan tâm của các chuyên gia ngành y tế trong việc định hướng các đánh giá bài bản ngay từ đầu theo tiêu chuẩn quốc tế.
Bà có thể chia sẻ về tiềm năng các sản phẩm đông dược của Việt Nam có thể bán được ra nước ngoài ra sao? Định hướng, chiến lược của Sao Thái Dương để có thể mở rộng thị trường, cung cấp nhiều hơn nữa các sản phẩm có nguồn gốc dược liệu của Việt Nam ra thế giới?
Dược liệu Việt nam có số lượng chủng loại phong phú, nhưng manh mún, nhỏ lẻ, thiếu thông tin. Sao Thái Dương chỉ là một công ty nhỏ, vốn ít, không có kinh nghiệm trồng trọt nên khả năng thành công trong nuôi trồng dược liệu rất thấp.
Ngành dược liệu Việt Nam rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ, quy tụ các nhà đầu tư nông nghiệp dược liệu, tổng thể nhu cầu của cả nước để tiến tới chủ động nguồn dược liệu trong nước, hạn chế nhập khẩu các dược liệu mà khí hậu thổ nhưỡng phù hợp trồng được ở Việt Nam.
Bà có thể chia sẻ về triết lý "Mang hạnh phúc đến mọi nhà" có giá trị thế nào trong 20 năm phát triển của Sao Thái Dương, cũng như trong giai đoạn phát triển mới?
Với triết lý “Mang hạnh phúc đến mọi nhà”, chúng tôi mong muốn các sản phẩm và dịch vụ của Sao Thái Dương mang lại hạnh phúc cho khách hàng khi sử dụng. CBCNV Sao Thái Dương hạnh phúc vì được cùng nhau góp sức mang lại giá trị đẹp cho xã hội. Đối tác của Sao Thái Dương hạnh phúc vì được đồng hành cùng một đối tác tử tế. Cộng đồng xung quanh chúng tôi hạnh phúc vì những chia sẻ chân thành chúng tôi dành cho nhau.
Xin cảm ơn bà!
End of content
Không có tin nào tiếp theo