Doanh nghiệp - Doanh nhân

TP.HCM yêu cầu đặc biệt: DN phải cam kết phòng chống dịch, nếu không sẽ buộc tạm ngừng hoạt động

DNVN - Trước diễn biến mới của dịch bệnh Covid-19, công tác phòng chống dịch được các DN trong các khu KCN, khu công nghệ cao xem là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên để đảm bảo an toàn cho người lao động, duy trì hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đảm bảo mục tiêu vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Chủ tịch TP. HCM ra yêu cầu đặc biệt...

Đà Nẵng: Xử lý xong ổ dịch ở Công ty Trường Minh, KCN An Đồn / Clip: Con đường trở thành CEO Apple của Tim Cook

Thích ứng với tình hình mới

Thực hiện phương châm “Chống dịch như chống giặc”, các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu công nghệ cao đã chủ động triển khai hàng loạt biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 như yêu cầu người lao động đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, khai báo y tế hàng ngày, bảo đảm giãn cách… tại nơi làm việc.

Thông tin về công tác phòng, chống dịch bệnh tại doanh nghiệp, ông Nguyễn Hữu Tuấn - Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Dệt may và Đầu tư thương mại Thành Công (Khu Công nghiệp Tân Bình) cho biết, công ty đã ra thông báo lưu ý cho người lao động biết về tình hình dịch bệnh Covid-19 và đề nghị người lao động thường xuyên, theo dõi thông tin. Hiện nay, công ty vẫn duy trì các biện pháp phòng, chống dịch cơ bản như đo thân nhiệt, rửa tay bằng nước sát trùng, đeo khẩu trang, lắp vách ngăn trong từng bàn ăn để hạn chế tiếp xúc giữa những người lao động với nhau.

“Đặc biệt, công ty khuyến cáo công nhân hạn chế đi đến nơi tập trung đông người, hạn chế đi lại bằng phương tiện công cộng, nếu có việc phải đi ra ngoài thì bắt buộc phải tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Ngoài ra, công ty thường xuyên đẩy mạnh công tác thông tin về dịch bên, tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 cũng như tình hình sản xuất, kinh doanh qua hệ thống loa phát thanh nội bộ để công nhân lao động hiểu, chia sẻ, chung sức, đồng lòng cùng công ty đẩy lùi dịch bệnh, ổn định sản xuất, kinh doanh”, ông Tuấn nói.

Để chủ động phòng chống dịch, nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM đã phát khẩu trang cho công nhân hàng ngày.

Để chủ động phòng chống dịch, nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM đã phát khẩu trang cho công nhân hàng ngày. (Ảnh: Công ty PouYuen Việt Nam)

Tương tự, tại Công ty may mặc Triple Việt Nam (huyện Củ Chi, TP.HCM), mọi hoạt động phòng, chống dịch bệnh Covid-19 được tiến hành thường xuyên, qua đó giữ vững nhịp sản xuất trong tình hình mới. Đại diện công ty cho biết, tất cả người lao động và khách đến làm việc tại công ty đều được đo thân nhiệt tại khu vực cổng bảo vệ. Ở khu vực căng tin công ty, người lao động đều thực hiện giãn cách, các hoạt động tập thể tạm thời được hoãn lại.

Anh Phan Công Hưng (quê Tiền Giang), công nhân công ty cho biết, để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng, tôi luôn ý thức và thực hiện đúng theo khuyến cáo của ngành Y tế cũng như chấp hành các quy định của công ty tại nơi làm việc như: Đo thân nhiệt khi vào công ty, đeo khẩu trang khi làm việc, rửa tay nhiều lần trong ngày, hạn chế đến chỗ đông người, hạn chế đi ra khỏi nhà nếu không cần thiết…

Với phương châm vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa đảm bảo các hoạt động sản xuất, nhiều doanh nghiệp trong các khu chế xuất, khu công nghiệp TP.HCM đã triển khai các giải pháp tích cực trong phòng, chống dịch bệnh. Ông Hứa Quốc Hưng - Trưởng Ban Quản lý Các khu chế xuất, khu công nghiệp TP.HCM (HEPZA) cho biết, thời gian qua, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên khắp cả nước nên ngay từ sau kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, HEPZA đã chủ động cùng tổ chức công đoàn xây dựng phương án ứng phó.

Đồng thời, tuyên truyền công nhân thường xuyên thực hiện theo khuyến cáo của Ban chỉ đạo phòng chống dịch TP.HCM và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM. HEPZA đề nghị các doanh nghiệp khẩn trương thành lập ngay ban chỉ đạo phòng chống dịch bên trong doanh nghiệp. Đồng thời yêu cầu kích hoạt các bộ chỉ số an toàn sản xuất của doanh nghiệp và kiên quyết chấn chỉnh, thậm chí tạm dừng hoạt động đới với doanh nghiệp chưa đạt an toàn về phòng chống dịch bệnh.

 Doanh nghiệp tại các khu công nghiệp trong tỉnh vừa nỗ lực các biện pháp phòng, chống dịch bệnh vừa duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh.

Doanh nghiệp tại các khu công nghiệp trong TP.HCM vừa nỗ lực các biện pháp phòng, chống dịch bệnh vừa duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, đơn vị đã phối hợp Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM và Trung tâm y tế các quận/huyện tổ chức lấy mẫu tầm soát diện rộng công nhân bên trong nhà xưởng, kể cả nơi lưu trú của công nhân. Đến nay đã lấy được 18.600 mẫu và đang tiếp tục triển khai nội dung này.

“HEPZA cũng hướng dẫn cho doanh nghiệp thực hiện an toàn trong sản xuất, tuyên truyền hướng dẫn cho chủ doanh nghiệp chăm lo cho người lao động khi người lao động bị cách ly hoặc nhiễm bệnh phải điều trị để người lao động yên tâm. Qua công tác kiểm tra hầu hết doanh nghiệp đều ý thức có sự phối hợp, có ý thức phòng chống dịch rất cao. Các doanh nghiệp đã nhận thức được nếu để xảy ra sự cố thì chính doanh nghiệp sẽ thiệt hại đầu tiên”, ông Hứa Quốc Hưng cho biết.

Theo ông Hứa Quốc Hưng, hiện HEPZA đã chủ động xây dựng kịch bản ứng phó với dịch Covid-19. Tuy nhiên HEPZA cần sự phối hợp của các sở ngành, quận huyện và có diễn tập những tình huống có thể xảy ra để chủ động ứng phó.

Kiên trì “mục tiêu kép”

Thực hiện “mục tiêu kép” vừa bảo đảm phòng, chống dịch bệnh, vừa nỗ lực sản xuất kinh doanh không chỉ giúp doanh nghiệp trụ vững mà còn giữ đà tăng trưởng kinh tế chung. Trên tinh thần “sống an toàn với dịch bệnh Covid-19”, các doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM đang triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đạt hiệu quả cao nhất.

Bốn tháng đầu năm 2021, TP.HCM có gần 5.600 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng hơn 95% so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ giảm 2,6%). Trong đó, bốn nhóm ngành công nghiệp trọng yếu của thành phố là: cơ khí chế tạo, điện tử, hóa chất- cao su, chế biến tinh, lương thực thực phẩm tăng 11,7%.

Giá trị xuất khẩu sản phẩm của khu công nghệ cao đạt 6,47 tỷ USD, tăng 27,1% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 15,47 tỷ USD, tăng 13,9% với nhiều mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng cao như: Cao su, sản phẩm gỗ, máy móc, thiết bị... Đặc biệt, dịch vụ lưu trú và ăn uống có dấu hiệu phục hồi, tăng 26,3% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 58,3%). Đây là tín hiệu tích cực thể hiện tăng trưởng kinh tế thành phố trong tình hình dịch bệnh hiện nay.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong (thứ 2 từ phải sang) kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh tại một doanh nghiệp. (Ảnh: Thy Dương)

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong (thứ 2 từ phải sang) kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh tại một doanh nghiệp. (Ảnh: Thy Dương)

Để làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh trong các cơ sở sản xuất, Chủ tịch UBND TP.HCM, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu, UBND TP Thủ Đức và UBND các quận huyện có các doanh nghiệp của Ban Quản lý Các khu chế xuất, khu công nghiệp đóng trên địa bàn, cũng như các doanh nghiệp có quy mô lao động lớn ở trên địa bàn phải có một cam kết giữa chính quyền địa phương với Ban Quản lý Các khu chế xuất, khu công nghiệp và người quản lý doanh nghiệp về công tác phòng chống dịch, nếu không tuân thủ buộc phải tạm ngừng hoạt động.

Ông Phong nhấn mạnh, việc doanh nghiệp chấp hành quy định phòng chống dịch chính là bảo vệ sản xuất, bảo vệ công ăn việc làm cho công nhân. Thực hiện quyết liệt được điều này, sẽ góp phần giữ vững được sự đóng góp của doanh nghiệp đối với sự phát triển của thành phố.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đề nghị các doanh nghiệp thực hiện tốt việc bố trí, phân luồng khu nhà ăn cho nhân viên, phân số thứ tự, ngồi cố định để tiện theo dõi; đồng thời truy vết nếu trong trường hợp cần thiết; chủ động bố trí nhà cách ly tạm thời.

Có thể thấy, dịch bệnh Covid-19 đang tiếp tục có những diễn biến phức tạp trên cả nước, khiến cho kinh tế - xã hội của TP.HCM cũng đối mặt với nhiều thách thức. Song với sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo thành phố, nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, TP.HCM đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh và triển khai song hành các giải pháp tăng trưởng kinh tế. Trong 4 tháng đầu năm, tình hình kinh tế - xã hội của TP.HCM tiếp tục phát triển và đạt được kết quả khá tốt, tất cả các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều tăng so với cùng kỳ… Kết quả đạt được là nỗ lực vượt bậc của các cấp chính quyền cùng sự chung tay của các tổ chức, cá nhân và cộng đồng doanh nghiệp trong việc quyết liệt thực hiện “mục tiêu kép”.

Phạm Đức
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm