Doanh nghiệp - Doanh nhân

Tranh luận nảy lửa xung quanh việc PVOIL sa thải nếu nhân viên làm thêm công việc nguy cơ cao mắc COVID-19

DNVN - Trước áp lực của dư luận, PVOIL đã phải thu hồi văn bản ban đầu vừa ban hành, song việc PVOIL yêu cầu người lao động làm đơn xin nghỉ việc nếu làm thêm các công việc như shipper, bán hàng, taxi công nghệ … đang gây nhiều tranh cãi nảy lửa cả về lý lẫn tình trong việc đối xử với người lao động.

Vì sao Serbia quốc gia nhỏ bé đạt tỷ lệ tiêm vắc-xin COVID-19 cao nhất thế giới? / Covid-19: Đại dịch thay đổi thế giới

Ngày 14/6/2021, Tổng Công ty dầu Việt Nam (PVOIL) ban hành văn bản số 3774 về việc tăng cường, phòng chống dịch COVID-19. Sẽ không có gì đáng nói nếu nội dung văn bản chỉ đề cập đến tinh thần chống dịch, khắc phục khó khăn để đảm bảo vừa sản xuất kinh doanh, vừa phòng, chống dịch hiệu quả.

Tuy vậy, vấn đề gây tranh cãi chính là PVOIL yêu cầu người lao động không làm thêm những công việc có nguy cơ lây nhiễm COVID-19. Nếu người lao động thực sự có nhu cầu phải làm thêm các công việc có nguy cơ nhiễm bệnh COVID-19 như shipper, bán hàng, taxi công nghệ … thì người lao động làm đơn xin nghỉ, và Tổng công ty xem xét hỗ trợ một lần theo quy định của pháp luật. Ông Đoàn Văn Nhuộm, Tổng Giám đốc PVOIL, xác nhận có ra công văn với nội dung như trên.

Công văn của PVOIL đã gây nhiều tranh cãi trên cộng đồng Facebook. Cựu nhà báo Bạch Hoàn - một Facebooker có hơn 200.000 người theo dõi, phản ứng khá gay gắt về văn bản trên của PVOIL. Bạch Hoàn cho rằng văn bản đó cho thấy PVOIL vừa “vô cảm” vừa “xâm phạm nghiêm trọng quyền tự do của người lao động”.

Đến thời điểm này, bài viết đã thu hút 3.000 lượt tương tác và 210 bình luận với 99 chia sẻ. Trong đó có khá nhiều bình luận không đồng ý với cách giải quyết của PVOIL. Nhiều người cho rằng PVOIL đã vi phạm hợp đồng lao động khi yêu cầu nhân viên viết đơn xin nghỉ việc trong trường hợp các nhân viên vẫn hoàn thành nhiệm vụ.

Mặc dù đã thu hồi song văn bản về tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 của PVOIL vẫn gây tranh cãi

Mặc dù văn bản đã được PVOIL thu hồi song vẫn gây tranh cãi gay gắt trên mạng xã hội.

Song lại nhiều ý kiến đồng tình với biện pháp của PVOIL. Nhiều người cho rằng PVOIL dùng biện pháp mạnh để bảo vệ an toàn lao động sản xuất là đúng trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, chỉ là ngôn từ của văn bản chưa được mềm mỏng và hơi cứng rắn.
Văn bản của PVOIL nêu rõ “do tình hình dịch bệnh còn phức tạp, để ngăn chặn sự lây lan, nhất là từ cá nhân vô tình lây sang đồng nghiệp trong tập thể, làm ảnh hưởng đến chuỗi sản xuất, kinh doanh”. Do đó, PVOIL yêu cầu người lao động “không làm thêm những công việc có nguy cơ lây nhiễm COVID-19”.
Trên thực tế, vấn đề một người nhiễm COVID-19 và làm ảnh hưởng đến nhiều người khác, đến cả một tập thể hay một doanh nghiệp thực tế đã xảy ra ở nhiều nơi từ khi dịch bùng phát. Khi có 1 hay vài ca F0 là nhân viên công ty, thì cả công ty bị ảnh hưởng nặng nề như: Phong tỏa, cách ly, xét nghiệm, hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ bị đình lại.
"Để bảo vệ an toàn hoạt động kinh doanh của cả Tổng công ty, PVOIL có thể cấm nhân viên đi làm thêm những việc có nguy cơ lây nhiễm cao, nhưng bù lại nên hỗ trợ thêm 1 khoản tiền cho nhân viên ví dụ thêm 1 triệu 1 tháng chắc là hợp tình hợp lý hơn", một ý kiến khác đề nghị.

Đêm 14/6, PVOIL đã chính thức thu hồi văn bản nêu trên vì “một số câu từ chưa phù hợp”. Lãnh đạo PVOIL thừa nhận nội dung được nêu trong văn bản có thể chưa được "mềm mỏng", nhưng yêu cầu phòng chống dịch là cấp bách và cần thiết vì lợi ích chung của các tập thể.

Quy định về việc làm thêm ngoài giờ của người lao động như thế nào?

Theo quy định tại Điều 14 Luật Viên chức năm 2010, viên chức được hoạt động nghề nghiệp ngoài thời gian làm việc quy định trong hợp đồng làm việc, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Ngoài ra, viên chức được ký hợp đồng vụ, việc với cơ quan, tổ chức, đơn vị khác mà pháp luật không cấm nhưng phải hoàn thành nhiệm vụ được giao và có sự đồng ý của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.

Có thể thấy, viên chức hoàn toàn có thể ký hợp đồng lao động với công ty khác để làm ngoài bên cạnh việc làm việc theo hợp đồng làm việc với đơn vị sự nghiệp công lập.

 

Tuy nhiên, viên chức phải lưu ý chỉ được làm ngoài thời gian làm việc nêu trong hợp đồng làm việc, phải hoàn thành nhiệm vụ được giao, được sự đồng ý của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp và nội dung công việc không vi phạm điều cấm của luật.

Nhân viên PVOIL nhận mức lương bao nhiêu một tháng?

Theo truyền thông, lao động của PVOIL có mức lương trung bình khoảng 12,71 triệu đồng/người/tháng. PVOIL sở hữu 5.599 lao động, trong đó, công nhân kỹ thuật chiếm 26,83%, trung cấp 10,13% còn lại là lao động trình độ từ đại học trở lên.

Riêng đối với cấp lãnh đạo, năm 2020, PVOIL đã chi 4,4 tỷ đồng để trả lương cho 6 thành viên trong hội đồng quản trị (HĐQT). Trong đó, Chủ tịch HĐQT nhận về 786 triệu đồng tiền lương, thưởng cả năm và Tổng giám đốc là 967 triệu đồng.

Tổng số tiền lương, thưởng cho Ban kiểm soát 3 người là 2,1 tỷ đồng và ban điều hành gồm 6 phó tổng giám đốc và một kế toán trưởng là 5,6 tỷ đồng. Luỹ kế cả năm 2020, PVOIL đã chi 12,4 tỷ đồng để trả lương cho lãnh đạo.

 

Xe ôm công nghệ, shipper là những công việc có nguy cơ cao nhiễm COVID-19 do tính chất công việc đi lại nhiều và tiếp xúc với nhiều người

Xe ôm công nghệ, shipper là những công việc có nguy cơ cao nhiễm COVID-19 do tính chất công việc đi lại nhiều và tiếp xúc với nhiều người

Thủ tướng yêu cầu sớm ban hành chính sách hỗ trợ công nhân, doanh nghiệp khó khăn vì Covid-19

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị 16/CT-TTg yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương hoàn thành, trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách hỗ trợ lao động, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ tham mưu triển khai giảm giờ làm việc bình thường phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội; tập trung sửa đổi, bổ sung danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Ngoài ra, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật về lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động, bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của công nhân lao động.

 

Tại chỉ thị này, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình, chính sách tín dụng giải quyết việc làm, nâng cao mức sống của người lao động. Trong đó, tập trung hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ cho người sử dụng lao động vay để trả lương ngừng việc và phục hồi sản xuất do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, nhất là quan tâm chăm lo trong các dịp Tết Nguyên đán hằng năm cho người lao động, đặc biệt người lao động có hoàn cảnh khó khăn vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, dân tộc thiểu số.


Hoàng Lan (Tổng hợp)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm