Doanh nghiệp - Doanh nhân

VASEP: Nhiều doanh nghiệp thủy sản kiệt quệ, khó có khả năng phục hồi

DNVN - Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết, do nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội quá lâu, chỉ khoảng 30-40% doanh nghiệp thủy sản có khả năng phục hồi, số doanh nghiệp còn lại không thể tiếp tục trụ lâu thêm nếu không có sự hỗ trợ từ Chính phủ.

Thừa Thiên Huế: Kết nối doanh nghiệp với người lao động từ vùng dịch trở về / Đà Nẵng: Doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động tăng

Chỉ 30% doanh nghiệp thủy sản có khả năng phục hồi
Kết quả khảo sát của VASEP cho thấy, tính tới cuối tháng 8/2021, chỉ khoảng 30-40% DN thủy sản tại các tỉnh thành phía Nam hoạt động được “3 tại chỗ”; khoảng 30-40% DN không đáp ứng được yêu cầu “3 tại chỗ” đã phải ngừng sản xuất. Số còn lại đã tạm dừng sản xuất để tổ chức lại nhà máy. Với những nhà máy thực hiện được phương án này thì lượng công nhân có thể huy động được khoảng từ 30-50% tổng số lượng lao động, số còn lại nghỉ việc hoặc nghỉ không lương, công suất chế biến đã giảm từ 50-60% so với trước.
Tiền Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Đồng Tháp là các tỉnh có số lượng DN thủy sản ngừng hoạt động hoàn toàn hoặc tạm ngừng sản xuất nhiều nhất để tổ chức lại trước khi thực hiện “3 tại chỗ”.
Theo đánh giá của VASEP, việc nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội quá lâu đã khiến công nhân, người lao động làm việc “3 tại chỗ” mệt mỏi và mong được về nhà. Do đó các DN rất khó khăn nếu muốn tiếp tục thực hiện “3 tại chỗ”. Ngoài ra, việc thực hiện "3 tại chỗ" đã phát sinh rất nhiều chi phí trong khi công suất sản xuất giảm, do đó các doanh nghiệp không thể tiếp tục trụ lâu thêm nếu không có sự hỗ trợ của Chính phủ.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TNCK)

Các DN thủy sản tổ chức được “3 tại chỗ” cố gắng duy trì lực lượng lao động chủ chốt để tiếp tục sản xuất và vận hành nhà máy, số công nhân còn lại tạm thời cho nghỉ việc và DN trả lương cơ bản. Những DN khác ngừng hoạt động cho nhân viên nghỉ nhưng vẫn cố gắng duy trì lương cho các công nhân, nhân viên nhằm giữ chân người lao động. Riêng tại các tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng…, một số ít DN vẫn đang cố gắng duy trì số lượng công nhân, thực hiện chia ca, phân luồng để vừa đảm bảo sản xuất vừa đảm bảo phòng, chống dịch tại nhà máy.
Theo kết quả khảo sát, chỉ có 30 – 40% doanh nghiệp có đủ năng lực để phục hồi sản xuất ngay sau khi kết thúc giãn cách xã hội, số DN còn lại rất khó hoặc cần thời gian dài để khôi phục lại hoạt động sản xuất. Việc phục hồi sản xuất của DN đang bị ảnh hưởng rất lớn bởi các nguyên nhân như: chuỗi cung ứng nguyên vật liệu bị dứt gãy, hoặc khó khăn trong vận chuyển; DN bị mất khách hàng do thời gian thực hiện giãn cách quá lâu, không đảm bảo tiến độ giao hàng.
Đặc biệt, DN khó tập hợp được lực lượng lao động như ban đầu do công nhân chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19, hoặc đã về quê, đang trong thời gian cách ly, hay đang điều trị COVID-19.
Ngoài ra, VASEP cho rằng, khả năng hồi phục sản xuất của DN là rất khó. Nếu các địa phương tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội đến giữa tháng 9/2021 thì nguy đứt chuỗi là rất cao và khả năng khó hồi phục lại sản xuất như bình thường.
Không đủ nguyên vật liệu để sản xuất
Cũng theo VASEP, do ảnh hưởng của việc giãn cách xã hội, các nhà cung cấp giảm công suất hoạt động hoặc thực hiện “3 tại chỗ, việc hạn chế đi lại, chậm vận chuyển giao nhận hàng hóa – nguyên vật liệu cho chế biến và xuất nhập khẩu. Như vậy, nguồn nguyên vật liệu chỉ tạm thời đủ cung cấp cho hoạt động sản xuất trong thời gian ngắn. Nếu kéo dài giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thì chuỗi cung ứng sẽ bị đứt gãy và DN phải ngừng hoạt động do không đủ nguyên vật liệu cho sản xuất.
Nguồn nguyên liệu ảnh hưởng rất lớn và quyết định giá thành sản phẩm. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, quy định giãn cách nên DN thủy sản không thể quy động được nguồn nguyên liệu. Nguyên liệu bị đùn ứ nên giá nhiều mặt hàng thủy sản đã giảm mạnh, người dân không tiếp tục thả nuôi… Dự báo, nguồn nguyên liệu từ nuôi trồng thủy sản sẽ thiếu từ 20-30% và giá nguyên liệu sẽ tăng từ 10-20% trong những tháng cuối năm.
Đối với nguyên liệu khai thác biển cũng gặp nhiều khó khăn do ngư dân không thể đi biển đánh bắt, các cảng cá cũng giới hạn hoặc ngưng hoạt động, dự kiến nguồn nguyên liệu khai thác trong nước giảm thiếu 30-40% và dự kiến giá nguyên liệu tăng 20-30%.
Tính đến tháng 7/2021, số lượng các đơn hàng tăng 10-20% so với năm 2020 do các thị trường nhập khẩu trên thế giới đều đã khôi phục lại. Tuy nhiên, từ đầu tháng 8/2021, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đã gây ra một loạt khó khăn từ vận chuyển nguyên vật liệu, đến thực hiện các thủ tục xuất nhập khẩu, thủ tục C/O, thủ tục thông quan tại cảng…. Tiến độ sản xuất và giao hàng của DN bị chậm trễ.
Tính tới cuối tháng 8/2021, có tới 40-50% các đơn hàng bị giao trễ hẹn và có khoảng 10-15% các đơn hàng bị hủy. Ngoài ra, nhiều nhà nhập khẩu thông báo, trước mắt vẫn giữ đơn hàng nhưng có thể cân nhắc tới việc tìm nguồn cung thay thế.
Theo các DN được khảo sát, trường hợp DN được trở lại sản xuất bình thường sau khi nới lỏng giãn cách (sau 15/9) thì khả năng lấy được các đơn hàng cho mùa lễ cuối năm cũng rất hạn chế.
Ngoài ra, cước phí vận chuyển của các hãng tàu hiện nay vẫn rất cao tăng từ 2-3 đến 10 lần và chưa có sự điều chỉnh phù hợp. Thêm vào đó, việc book container, book tàu cũng gặp nhiều khó khăn khi DN hoàn toàn thụ động về thời gian và cước tàu nên đã ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch vận chuyển và giá thành sản phẩm thủy sản. Từ đó, làm ảnh hưởng kế hoạch kinh doanh, uy tín của DN và sự cạnh tranh của ngành thủy sản Việt Nam.
Đầu tháng 8, VASEP đã có công văn gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đề xuất một số kiến nghị phục hồi sản xuất sau giai đoạn "3 tại chỗ".
VASEP kiến nghị trước mắt ưu tiên tiêm vaccine cho ngành thủy sản, trong đó đặc biệt ưu tiên tiêm vaccine cho lực lượng lao động tại các nhà máy đang áp dụng phương thức "3 tại chỗ" ở các địa phương.
Về lâu dài, VASEP cho rằng ngành thủy sản sẽ phải sống chung lâu dài với đại dịch, kiến nghị Bộ Y tế hoàn thiện bộ quy tắc và tổ chức huấn luyện cho các tỉnh và doanh nghiệp thực hiện "y tế tại chỗ".
Ngoài ra, VASEP cũng đề nghị có hỗ trợ cho công nhân, người lao động gặp khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó hỗ trợ doanh nghiệp với các chính sách cụ thể như: giảm lãi suất vay ngân hàng, giảm 30% tiền điện ít nhất đến hết năm 2021; giảm mức đóng kinh phí công đoàn từ 2% quỹ lương xuống còn 1% quỹ lương cho các doanh nghiệp...

Minh Thu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm