Doanh nghiệp - Doanh nhân

Tập đoàn Đèo Cả với “bí kíp” 3Q vượt qua đại dịch

DNVN - Dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư lan rộng, nhiều doanh nghiệp phá sản hoặc “đóng băng” thì “Người Đèo Cả” vẫn chuyển động mạnh mẽ, chủ động tạo lối đi riêng cho mình với chiến lược 3Q: Quản người - Quản việc - Quản lợi nhuận, để tiến về phía trước, phát triển doanh nghiệp.

Ngày 1/4: Tăng giá vé qua hầm đường bộ Đèo Cả / “Ông lớn” lĩnh vực hạ tầng giao thông muốn sớm hiện thực hoá cao tốc Dầu Giây – Liên Khương

“Quản người”: Hoạch định nhân sự gắn liền với đào tạo

Quy hoạch, đào tạo và phát triển con người ở Tập đoàn Đèo Cả có sự khác biệt với các doanh nghiệp khác khi song hành với việc quản lý phát triển nhân sự tại chỗ. Khi tuyển dụng nhân sự, tổ chức đào tạo gắn với mô hình “Đàn chim vượt bão 9-18-36…”, luôn luôn có thế hệ sau kế cận sẵn sàng thay thế hệ trước. Đây là mô hình kết hợp giữa lý thuyết hàn lâm với thực tiễn công việc.

Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả.

Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả.

Ông Hồ Minh Hoàng – “thuyền trưởng” Tập đoàn Đèo Cả là người luôn coi trọng tinh thần khuyến học, cầu thị… cho hệ thống của mình. Ông tiếp nhận thông tin chia sẻ từ các cố vấn, các thế hệ đàn anh là doanh nghiệp thành công… sưu tập kiến thức lưu vào sách điện tử đọc hàng ngày.

Trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, ông cho rằng ngoài nhiệm vụ chống dịch, bảo đảm tiến độ các dự án, thì đây là thời điểm để tổ chức đánh giá lại quy trình quản lý và tổ chức đào tạo nội bộ, nêu cao ý thức trách nhiệm “muốn thông đường thực địa phải thông đường trách nhiệm”.

Nhà lãnh đạo doanh nghiệp này đã treo giải thưởng 1 tỷ đồng cho mỗi nghiên cứu sinh ở cấp chiến lược khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ với yêu cầu gắn liền với ứng dụng thực tế của Tập đoàn.

Mới đây, ông Trần Văn Thế - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Tập đoàn Đèo Cả đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ với đề tài “Các nhân tố ảnh hưởng tới đầu tư của khu vực tư nhân theo hình thức đối tác công - tư (PPP) trong lĩnh vực hạ tầng giao thông đường bộ tại Việt Nam”.

 

Đây là một đề tài có nghĩa ý cả về lý luận, khoa học gắn liền với thực tiễn của Tập đoàn Đèo Cả đã trải qua trong bối cảnh hiện trạng đầu tư PPP đang gặp một số vướng mắc bất cập. Luận án đã đã khuyến nghị nhà nước nhiều nội dung có giá trị liên quan đến việc hoàn thiện chính sách pháp luật về PPP, vấn đề bình đẳng trong quan hệ đối tác công tư, chia sẻ rủi ro cho khu vực kinh tế tư nhân.

Được biết, tại Tập đoàn Đèo Cả, hiện đang có hơn 50 cán bộ cấp quản lý đang theo học lớp Thạc sĩ Điều hành cao cấp EMBA, tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân trên giáo trình đúc kết thực tiễn thành lý thuyết. Các môn học tổ chức hành vi, quản trị tài chính, thị trường chứng khoán đều đưa ra các tình huống điển hình mà Tập đoàn Đèo Cả đã thành công trong thực tiễn hoạt động.

Đây cũng là chương trình đầu tiên mang dấu ấn hợp tác đào tạo giữa một trường đại học danh tiếng với một doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng giao thông. Hiện nay, các học viên đang bước vào giai đoạn nghiên cứu, thực hiện luận văn để bảo vệ tốt nghiệp.

Điều đặc biệt trong số các đề tài luận văn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả Hồ Minh Hoàng đã yêu cầu chọn 6 nhóm đề tài tiêu biểu, xây dựng các đề cương sát với các hoạt động đầu tư, phân tích các giải pháp xử lý vướng mắc từ các dự án cụ thể mà các nhà quản lý cũ là (Dương UDIC, Đinh Ngọc Hệ - Út Trọc), đã vướng vào pháp luật như Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, Trung Lương - Mỹ Thuận…

Một buổi học lớp Thạc sĩ EMBA của cán bộ Tập đoàn Đèo Cả. (Ảnh chụp tháng 1/2021)

Một buổi học lớp Thạc sĩ EMBA của cán bộ Tập đoàn Đèo Cả. (Ảnh chụp tháng 1/2021)

 

Luận văn tốt nghiệp chương trình đào tạo EMBA, ngoài sự hướng dẫn của các giảng viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân, các đề tài sẽ có sự tham gia hỗ trợ, phản biện của thành viên hội đồng cố vấn cấp cao của Tập đoàn Đèo Cả. Sau chương trình thạc sĩ điều hành, một số nhân sự chủ chốt của Tập đoàn sẽ tiếp tục được chọn lựa để tham gia chương trình nghiên cứu ở bậc học tiến sĩ.

“Quản việc”: Chiến đấu với dịch bệnh để bảo đảm tiến độ

Tháng 7/2021, Bộ Y tế nâng mức cảnh báo dịch, nhiều tỉnh thành đồng loạt thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng, hoạt động sản xuất kinh doanh tại các địa phương cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ.

Tại các dự án mà Tập đoàn Đèo Cả đang thi công, việc vận chuyển nguyên vật liệu cũng như việc đi lại của các nhân sự gặp khó khăn do các chốt chặn phòng dịch. Không để các hoạt động sản xuất kinh doanh bị đóng băng do dịch bệnh, Tập đoàn đã chủ động làm việc với chính quyền các địa phương đăng ký, khai báo, tiêm vaccine, chốt số lượng nhân sự không để biến động nhằm tháo gỡ vướng mắc.

 

Đối với việc một số trạm thu phí phải tạm ngưng do giãn cách xã hội, Đèo Cả đồng tình ủng hộ và coi đó là giải pháp cấp bách để phòng chống dịch và bảo đảm an toàn, sức khỏe cho người dân. Tập đoàn đã chủ động làm việc với các ngân hàng, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đề xuất điều chỉnh phương án tài chính phù hợp, không ảnh hướng đến dự án.

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dù gặp nhiều khó khăn trong thi công do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng vẫn quyết tâm hoàn thành trong năm 2021.

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dù gặp nhiều khó khăn trong thi công do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng vẫn quyết tâm hoàn thành trong năm 2021.

Ngày 8/6, hơn 200 cán bộ công nhân viên của dự án Trung Lương - Mỹ Thuận (Tiền Giang) phải cách ly tập trung do liên quan đến các ca nhiễm COVID-19. Trong đó có cả 1 Phó Chủ tịch HĐQT, 1 Tổng Giám đốc công ty.

 

Lập tức, việc điều phối nhân sự được thực hiện, các nhân sự đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 từ các khu vực khác trám vào, nhằm duy trì tiến độ như đã cam kết với 21 triệu dân Đồng bằng sông Cửu Long, với quyết tâm hoàn thành dự án trong năm 2021.

Ngày 30/7, Tập đoàn Đèo Cả đại diện Liên danh Nhà đầu tư cùng với Bộ GTVT đã ký kết hợp đồng dự án Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo có tổng vốn đầu tư 8.925 tỷ đồng. Tập đoàn Đèo Cả đã yêu cầu Bộ GTVT xem xét lại hồ sơ mời thầu xác định tiêu chí vốn đầu tư từ nhiều hình thức như cổ phiếu, phát hành trái phiếu, hợp đồng hợp tác kinh doanh… không phụ thuộc vào tín dụng. Ngoài ra, đề nghị các tổ chức tín dụng giảm lãi vay, cơ cấu nợ… trong điều kiện dịch bệnh, giãn cách xã hội hoặc dừng thu phí.

Đối với dự án cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45, Mỹ Thuận - Cần Thơ, Cam Lộ - La Sơn, cầu Cửa Lục, đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả đã được đấu thầu trong năm 2021 đều được lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả yêu cầu kiểm soát chặt chẽ tiến độ công việc, giảm thiểu chi phí. Tất cả đồng lòng vượt khó quyết tâm chiến thắng dịch bệnh, đưa các dự án về đích đúng hẹn.

“Quản lợi nhuận”: Vất vả nhưng phải có kết quả

Khi dịch COVID-19 mới có dấu hiệu xuất hiện tại Việt Nam, với tư duy nhạy bén và lường trước được khó khăn trước mắt, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả Hồ Minh Hoàng đã yêu cầu phải tái cấu trúc lại bộ máy quản trị trên quan điểm “chủ động thay đổi để thích nghi”.

 

Mô hình quản trị: “Cặp đôi không hoàn hảo”, người có quyền điều hành thì sẽ không quyết định về tài chính, nhân sự và ngược lại; “Chuyện ba người” một người thực hiện luôn luôn có 1 người kiểm tra và sẽ có 1 hoặc 1 nhóm người giám sát quá trình thực hiện, đánh giá kết quả công việc của người kiểm tra và người thực hiện. Với mỗi nhiệm vụ được giao luôn có nhiều thành phần tham gia cùng hỗ trợ, kiểm tra và giám sát để bảo đảm hoàn thành một cách tối ưu nhất.

Lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả kiểm tra quá trình triển khai cầu Cửa Lục 1.

Lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả kiểm tra quá trình triển khai cầu Cửa Lục 1.

Thiết lập 3 tuyến phòng thủ cho hệ thống kiểm soát: Tuyến phòng thủ thứ nhất là hoạt động kiểm soát của ban lãnh đạo - tiền kiểm; tuyến phòng thủ thứ hai là quản lý chất lượng, rủi ro và kiểm soát tài chính - hậu kiểm; tuyến phòng thủ thứ ba là kiểm toán nội bộ - phúc kiểm.

 

Thông điệp “không thể tin tưởng ai tuyệt đối” được đưa ra, các công cụ kiểm soát là hệ thống an ninh và kiểm toán nhằm nâng cao công tác quản trị điều hành, xử lý các sai phạm kịp thời để tối ưu lợi nhuận, tạo nền tảng vững chắc cho hệ thống.

Cầu thị và quản trị sự thay đổi để đánh giá các khuyết điểm cần điều chỉnh cho phù hợp khi mà Tập đoàn Đèo Cả đang tổ chức triển khai nhiều dự án quy mô lớn như dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh… và đang xúc tiến đầu tư các dự án hạ tầng giao thông, năng lượng tái tạo… tại nhiều tỉnh thành khác như Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Điện Biên… và các tỉnh phía Nam.

Ngược dòng lịch sử hình thành và phát triển của Tập đoàn Đèo Cả bao giờ cũng vậy, trong bối cảnh càng khó thì ý chí, các ý tưởng sáng tạo, các nhóm giải pháp phù hợp lại xuất hiện, thích ứng với hoàn cảnh để doanh nghiệp này tiếp tục vượt qua các trở lực, không ngừng phát triển cả về lợi nhuận và tạo ra các sản phẩm mang giá trị thực, đóng góp cho cộng đồng, xã hội.

Viên Hữu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm