Đời sống

Cảnh báo nguy cơ sức khỏe từ trào lưu uống nước cốt chanh khi bụng rỗng để 'chữa bách bệnh'

DNVN - Thời gian gần đây, MXH lan truyền mạnh mẽ trào lưu uống nước cốt chanh vào buổi sáng khi bụng đói với kỳ vọng “chữa bách bệnh”. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, dù chanh có nhiều lợi ích cho sức khỏe, việc sử dụng sai cách có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với cơ thể.

Bí quyết chọn sầu riêng ngon: Nhận biết quả chín cây, hạt lép, cơm dày không tẩm hóa chất / Uống 1 chai bia mỗi tối: Lợi ích tiềm ẩn và những rủi ro không thể xem nhẹ đối với sức khỏe

Uống tới 15 quả chanh mỗi sáng để thải độc

Trên nhiều nền tảng mạng xã hội, không ít người chia sẻ kinh nghiệm cá nhân uống nước cốt chanh với liều lượng lớn vào buổi sáng. Cụ thể, tài khoản Facebook có tên P.T.X cho biết mỗi sáng chị uống khoảng 15 quả chanh nhỏ hoặc 10 quả chanh to, tương đương 200 ml–250 ml nước cốt chanh và đang cố gắng tăng lên 500 ml.

Tài khoản khác có tên N.M.T chia sẻ cũng đang uống từ 300 ml–400 ml nước cốt chanh mỗi sáng với mục đích thải độc cơ thể.

Thậm chí, một số cá nhân tự xưng là bác sĩ trên mạng xã hội cũng đưa ra lời khuyên về việc uống nước cốt chanh khi bụng đói. Một tài khoản Facebook tự nhận là bác sĩ Ch khẳng định: “Chanh khi vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành kiềm, giúp kiềm hóa mạnh, giảm đường huyết, điều hòa huyết áp, chữa dạ dày và bảo vệ hệ tiêu hóa.” Người này còn khuyến khích uống nước cốt chanh khi bụng rỗng để tăng khả năng thải độc gan, thận, mật và đường ruột. Ngoài ra, chanh được cho là chứa nhiều vitamin C, kali và chất xơ giúp tăng cường chức năng thần kinh, giảm nếp nhăn, hỗ trợ giảm cân và cải thiện làn da.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Chuyên gia cảnh báo: Có thể gây hại nếu sử dụng sai cách

Trước trào lưu trên, Thạc sĩ–bác sĩ Đoàn Thu Hồng, Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng, Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, đã đưa ra các cảnh báo cụ thể. Theo bà Hồng, trong một quả chanh cỡ vừa (khoảng 48 gram) chứa khoảng 10,6 kcal năng lượng; 18,6 mg vitamin C; 9,6 mcg vitamin B9 (Folate); 49,4 mg kali; 0,01 mcg vitamin B1; 0,01 mcg vitamin B2 và 0,06 mcg vitamin B3. Có thể thấy, chanh là loại quả ít calo nhưng giàu vitamin C, với 18,6 mg trong mỗi quả, tương đương khoảng 21% lượng vitamin C khuyến nghị mỗi ngày.

Ngoài ra, khoa học đã chứng minh chanh có các lợi ích như cải thiện hệ miễn dịch, hỗ trợ tim mạch, ngăn ngừa sỏi thận, cải thiện làn da, hỗ trợ tiêu hóa và tăng hấp thu sắt. Tuy nhiên, việc lạm dụng chanh hoặc uống sai cách có thể gây nhiều tác hại.

Theo bác sĩ Hồng, uống quá nhiều chanh mỗi ngày, uống khi bụng đói, hoặc uống nước cốt chanh không pha loãng với nước lọc có thể gây hại cho dạ dày do lượng axit cao trong chanh. Hậu quả có thể là viêm loét dạ dày, trào ngược axit, ợ nóng...

 

Ngoài ra, vì vị chua đặc trưng, nhiều người có xu hướng thêm đường để dễ uống hơn. Tuy nhiên, đường bổ sung đã được chứng minh làm tăng nguy cơ mắc bệnh béo phì, tiểu đường, tim mạch và cao huyết áp. Chanh cũng chứa axit citric – một chất có thể làm mòn men răng, khiến răng nhạy cảm, ê buốt và dễ sâu hơn. Đặc biệt, chanh còn có chứa axit amin tyramine, nếu tích tụ quá nhiều có thể làm máu dồn lên não và gây ra cơn đau nửa đầu.

Chỉ nên uống từ 1–2 quả chanh mỗi ngày

Để tận dụng lợi ích mà không gây hại sức khỏe, Thạc sĩ–bác sĩ Đoàn Thu Hồng khuyến cáo mọi người chỉ nên uống từ 1–2 quả chanh mỗi ngày. “Nên pha loãng nước cốt chanh với nước ấm, không nên uống trực tiếp. Tránh uống khi bụng đói. Khi uống nên dùng ống hút và súc miệng ngay sau đó để hạn chế tác động của axit lên men răng. Những người có bệnh lý về dạ dày nên hạn chế uống nước chanh”, bác sĩ Hồng nhấn mạnh.

Dù những lời quảng cáo trên mạng có hấp dẫn đến đâu, người tiêu dùng cần tỉnh táo và sử dụng thực phẩm một cách hợp lý, đúng hướng dẫn chuyên môn. Theo bác sĩ Hồng, điều quan trọng để tăng cường hệ miễn dịch không chỉ nằm ở một loại thức uống, mà cần có chế độ dinh dưỡng cân bằng, nhiều rau xanh, trái cây họ cam quýt, cùng thói quen vận động thường xuyên và lối sống lành mạnh.

Việc hạn chế sử dụng đường bổ sung, chất béo xấu, rượu bia, thuốc lá, đồng thời ngủ đủ giấc và giảm căng thẳng chính là những yếu tố giúp cải thiện sức khỏe toàn diện và bền vững.

 

Phượng Vũ (t/h)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm