Đời sống

Đặt nồi vừa rửa lên bếp gas, thói quen tưởng vô hại nhưng gây hại khôn lường

DNVN - Nhiều người nội trợ có thói quen rửa sạch nồi rồi lập tức đặt lên bếp gas để tiếp tục nấu nướng. Tuy nhiên, thói quen tưởng chừng đơn giản này lại tiềm ẩn những rủi ro không ngờ, từ việc giảm tuổi thọ của thiết bị đến nguy cơ cháy nổ tiềm ẩn.

Tỷ phú Warren Buffett: 10 điều người nghèo thường hay lãng phí và cách né tránh đầy khôn ngoan / 3 bí quyết đơn giản chọn quýt ngon ngọt ai cũng nên biết

Theo các chuyên gia, việc đặt trực tiếp nồi vừa rửa – còn đọng nước – lên bếp gas không chỉ khiến quá trình đun nấu kém hiệu quả mà còn có thể gây hỏng hóc cho bếp. Đáy nồi ướt sẽ làm tiêu tốn nhiều nhiệt lượng để làm nóng, dẫn đến hao phí gas đáng kể.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Nghiêm trọng hơn, nước nhỏ xuống phần đánh lửa hoặc bộ phận cảm ứng chống cháy của bếp có thể làm hỏng linh kiện này. Về lâu dài, bếp sẽ khó đánh lửa hoặc hoạt động chập chờn, gây nguy hiểm cho người sử dụng.

Ngoài ra, khi lửa tiếp xúc với hơi ẩm, ngọn lửa xanh bình thường sẽ chuyển sang màu đỏ hoặc vàng – dấu hiệu cho thấy quá trình cháy không hoàn toàn. Điều này có thể khiến nồi bị ám đen, sinh ra khói độc và phát tán khí carbon monoxide – loại khí vô cùng nguy hiểm cho sức khỏe nếu tích tụ trong không gian kín.

Giải pháp đơn giản: Trước khi đặt nồi lên bếp gas, hãy dùng khăn lau khô đáy nồi – một thao tác nhỏ nhưng mang lại hiệu quả lớn về độ bền của thiết bị và mức độ an toàn khi nấu nướng.

Ngoài việc tránh đặt nồi ướt lên bếp, người nội trợ cũng nên lưu ý thêm một số thói quen giúp sử dụng gas hiệu quả hơn:

 

Chuẩn bị nguyên liệu trước khi bật bếp

Bật và tắt bếp nhiều lần không chỉ gây lãng phí gas mà còn khiến bếp nhanh xuống cấp. Hãy sơ chế và chuẩn bị sẵn nguyên liệu để việc nấu nướng diễn ra liên tục, tiết kiệm nhiên liệu.

Chọn nồi phù hợp

Dùng nồi có kích thước vừa với lượng thực phẩm, đáy không quá dày sẽ giúp dẫn nhiệt tốt hơn. Nồi áp suất là lựa chọn lý tưởng cho các món hầm cần thời gian nấu lâu.

Điều chỉnh ngọn lửa hợp lý

 

Không phải lửa càng lớn thì thức ăn càng nhanh chín. Ngọn lửa nên tập trung ở đáy nồi, không tràn ra ngoài để tránh hao nhiệt và gây lãng phí gas.

Rã đông thực phẩm trước khi nấu

Thực phẩm đông lạnh nên được rã đông tự nhiên hoặc bằng lò vi sóng trước khi nấu để rút ngắn thời gian làm nóng, tiết kiệm đáng kể lượng gas sử dụng.

Khoá bình gas sau khi sử dụng

Đây là bước quan trọng nhưng thường bị bỏ quên. Việc khoá bình gas giúp ngăn rò rỉ khí, đảm bảo an toàn và tránh thất thoát nhiên liệu.

 

Chỉ một vài thay đổi nhỏ trong thói quen nấu nướng mỗi ngày có thể giúp bạn tiết kiệm đáng kể chi phí gas, đồng thời đảm bảo an toàn cho cả gia đình. Đừng xem nhẹ những thao tác tưởng chừng đơn giản – như lau khô đáy nồi – vì chúng có thể mang lại khác biệt lớn về lâu dài.

Như Ý (t/h)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm