Hỗ trợ doanh nghiệp

Dự án tỷ đô tiến độ rùa bò

Nhiều dự án FDI hàng tỷ đô đang có tiến độ rùa bò khiến dư luận lo ngại

 

Ông Võ Kim Cự, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, khẳng định Dự án Khu liên hợp gang thép Formosa Hà Tĩnh, vốn đầu tư 8,9 tỷ USD đang có tiến độ triển khai rất tốt.

 

Thời gian gần đây, cũng có những tín hiệu tích cực như vậy đối với các dự án tỷ đô đã được cấp phép đầu tư tại Việt Nam trong thời gian qua. Chẳng hạn, cuối tháng 8 vừa qua, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dầu khí Vũng Rô và Công ty UOP LLC đã ký kết hợp đồng mua bản quyền công nghệ và thiết kế kỹ thuật tổng thể. Theo kế hoạch, quý IV năm nay, dự án này sẽ chính thức được khởi công xây dựng.

 

Trong khi đó, trao đổi với Báo Đầu tư, ông Lloyd Nathan, Tổng giám đốc điều hành Asian Coast Development Ltd (ACDL), chủ đầu tư Dự án Hồ Tràm Strip, 4 tỷ USD, ở Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết, giai đoạn I của MGM Grand Hồ Tràm,  sẽ hoàn thành sớm hơn dự kiến - vào tháng 12/2012 và chính thức khai trương vào đầu năm 2013. “Chúng tôi sẽ giữ đúng cam kết đầu tư”, ông Nathan khẳng định.

 

Sự chuyển động của một số dự án tỷ USD, tạm có thể coi là khá tích cực sau một thời gian trầm lắng, do những khó khăn về tài chính của các chủ đầu tư sau tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, nếu nhìn lại một loạt dự án tỷ USD khác đã được cấp phép, thì tình hình rất đáng lo ngại.

 

Số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, một trong những dự án tỷ USD được cấp phép đầu tiên tại Việt Nam là Dự án Khu đô thị Nam Thăng Long, 2,1 tỷ USD, vào năm 1996. Nhưng thời kỳ đỉnh điểm của các dự án tỷ USD phải là năm 2008. Năm ấy, có 11 dự án trên 1 tỷ USD được cấp chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đăng ký lên tới 45,67 tỷ USD.

 

Các năm sau, số lượng các dự án tỷ USD đã ít hơn. Năm 2009, có Bãi Biển Rồng - Quảng Nam (4,15 tỷ USD), Thành phố mới Nhơn Trạch Berjaya - Đồng Nai (2 tỷ USD) và Thành phố sáng tạo Nam Phú Yên (vốn đăng ký 1,68 tỷ USD, nhưng trong kế hoạch là 11,4 tỷ USD).

 

Năm 2010, cùng với Nam Hội An, 4 tỷ USD, còn có Nhiệt điện Mông Dương 2 (Quảng Ninh), 2,1 tỷ USD, Kobelco (Nghệ An), 1 tỷ USD. Năm 2011, số dự án tỷ USD tiếp tục thoái trào với chỉ hai dự án Nhiệt điện Hải Dương (2,26 tỷ USD) và First Solar (1 tỷ USD). Còn năm 2012, mới chỉ có Dự án Khu đô thị Tokyu (1,2 tỷ USD).

 

Nhà máy nhiệt điện Mông Dương 2

 

Trong số này, không ít dự án đã bị rút giấy phép, như Liên hợp Thép Cà Ná (Ninh Thuận), 9,8 tỷ USD; Bãi Biển Rồng; Thành phố Sáng tạo Nam Phú Yên; Công viên Thế giới kỳ diệu (Bà Rịa - Vũng Tàu), 1,3 tỷ USD...

 

Trong khi đó, với các dự án đã và đang được triển khai, thì ngay cả dự án Intel cũng chưa đạt kỳ vọng. Còn First Solar, rất nhanh sau khi được cấp chứng nhận đầu tư, rồi  rầm rộ khởi công đầu năm ngoái, đã rút lui “không kèn, không trống” vào cuối năm

 

Thực ra, không phải tới bây giờ, các dự án tỷ USD mới rơi vào tầm ngắm của dư luận. Khi Liên hợp Thép Cà Ná (9,8 tỷ USD) được Ninh Thuận cấp phép, đã có không ít ý kiến quan ngại về tính khả thi của dự án này. Bởi Vinashin lúc đó, dù đang là “cánh chim đầu đàn” của ngành đóng tàu, nhưng đóng tàu giỏi chưa chắc đã biết làm thép. Còn đối tác Malaysia - Lion Group, thì cũng không phải là một tên tuổi lớn của ngành thép thế giới. Và hiện thời, siêu dự án thép Cà Ná bị xóa sổ. Một ví dụ điển hình cho sự trả giá của câu chuyện cấp phép dễ dãi và sự mong manh của các dự án tỷ USD.

 

Đã đành một phần nguyên nhân khiến dự án chậm triển khai là do chủ quan của phía chủ đầu tư, song cũng có phần của phía địa phương. Không nói tới chuyện cấp phép dễ dãi cho các dự án thiếu tính khả thi, chỉ riêng chuyện đền bù giải phóng mặt bằng cũng đã khiến không ít dự án tỷ USD khốn khổ. Thép Guang Lian cũng gặp khó vì chưa được bàn giao toàn bộ mặt bằng. Còn chủ đầu tư Dự án Saigon Atlantis Hotel, 4,1 tỷ USD, ở Bà Rịa - Vũng Tàu, mới đây cũng đã phải “kêu” lên Chính phủ vì những khó khăn liên quan đến đất đai.

 

Vì thế, câu chuyện phải đặt ra ở đây, đó là với những dự án có khả năng triển khai, thì địa phương phải tích cực hỗ trợ và tạo điều kiện cho nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ. Còn với các dự án “xấu”, theo giáo sư tiến sĩ Nguyễn Mại, phải tích cực “dọn dẹp” để làm lành mạnh hóa môi trường đầu tư và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư khác thực sự có nhu cầu và có năng lực. “Không thể để kéo dài tình trạng một số nhà đầu tư "rởm" vẫn được cấp phép dự án hàng tỷ USD tại Việt Nam”, ông Mại nói.

 
 

 


Theo Đầu Tư

 

 

 

 

 


 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo