Hỗ trợ doanh nghiệp

Faros "có gì" để lên sàn chứng khoán?

(DNVN) - Năng lực tài chính thật sự của Công ty Cổ phần Xây dựng Faros trước khi niêm yết sàn chứng khoán đang khiến giới đầu tư tò mò thậm chí là lo ngại...?

Như thông tin chúng tôi đã đưa, Sở GDCK TP. HCM mới đây đã quyết định chấp thuận cho CTCP Xây dựng Faros niêm yết 430 triệu cổ phiếu, với mã chứng khoán là ROS. 

Theo dự kiến ngày 1/9/2016, cổ phiếu Công ty Cổ phần Xây dựng Faros sẽ chính thức giao dịch trên Sở GDCK TP.HCM với mã chứng khoán là ROS với giá tham chiếu là 10.500 đồng/cổ phiếu và biên độ dao động giá trong ngày giao dịch đầu tiên là +/-20%.

Tuy nhiên, hiện năng lực tài chính thật sự của Công ty Cổ phần Xây dựng Faros trước khi niêm yết sàn chứng khoán đang khiến giới đầu tư tò mò thậm chí là lo ngại và liệu rằng các nhà đầu tư sẽ định giá chào sàn cho cổ phiếu ROS là bao nhiêu?

Như Doanh Nghiệp Việt Nam đã phân tích trước đó, giới đầu tư đang lo ngại rằng Faros tăng vốn "ảo" khi mà chỉ trong vòng 5 năm, từ số vốn điều lệ nhỏ nho chỉ ở mức 1,5 tỷ nay đã lên 4.300 tỷ đồng. Thực tế, quá trình tăng vốn thực chất chỉ diễn ra trong hơn 2 năm, bắt đầu từ tháng 4/2014 đến tháng 3/2016. Cụ thể, tháng 4/2014 với giá trị vốn tăng thêm là 223,5 tỷ đồng. Năm 2015 tăng vốn 2 lần với tổng giá trị vốn tăng thêm khoảng 1.800 tỷ đồng. Năm 2016 tăng vốn 2 lần với tổng giá trị vốn tăng thêm là 1.263 tỷ đồng.

Trong gần 2 năm, vốn điều lệ của Faros đã tăng siêu tốc gấp 2.866 lần ban đầu.

Như vậy, trong 5 năm mà đúng hơn là trong gần 2 năm, vốn điều lệ của Faros đã tăng siêu tốc gấp 2.866 lần ban đầu. Thực sự, đây là mức tăng vốn mà nhiều đại gia ngành bất động sản khác đều phải khoanh tay ngưỡng mộ.

Theo báo cáo tài chính của Faros cũng như bản cáo bạch niêm yết, công ty này đã huy động tới 4.469 tỷ đồng phần lớn thu từ các đợt tăng vốn, để đầu tư các dự án. Đáng chú ý, có tới 1.181 tỷ được Công ty ủy thác đầu tư. Ngoài ra, phần lớn số tiền được Faros đầu tư cho các dự án mang thương hiệu của FLC như Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn (965 tỷ đồng), Quần thể sân golf, resort, biệt thự nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp FLC Quy Nhơn (396 tỷ đồng)…

Tính đến cuối quý 2/2016, tổng số tiền ủy thác đầu tư đã lên tới 3.566 tỷ đồng, trong đó 1.417 tỷ đồng là ủy thác cho các cá nhân và 2.149 tỷ đồng ủy thác cho các tổ chức.

Điều đặc biệt, theo nhấn mạnh của Công ty kiểm toán ASC, đợt tăng vốn điều lệ trong quý 1/2016 của Faros do 3 cổ đông góp vốn với số tiền 462,5 tỷ đồng, tương ứng với mỗi lệnh chuyển tiền đến có một lệnh chuyển tiền đi liên tục 18 lần, các lệnh chuyển tiền đến và đi cho các bên nhận uỷ thác được thực hiện trong cùng ngày 8/1/2016”.

Giải thích việc này, Faros cho biết, Công ty sớm có kế hoạch sử dụng vốn nên sử dụng ngay vốn huy động vào các kế hoạch đó. Các đối tác được ủy thác là những tổ chức, cá nhân có uy tín, quan hệ lâu dài nên không có rủi ro trong việc thu hồi vốn. Tuy nhiên, cổ đông có quyền đặt câu hỏi, nếu đã có sẵn những dự án chờ vốn, tại sao nhà đầu tư lại không trực tiếp đầu tư, lại phải thông qua 1 pháp nhân là Faros. Và điều này dấy lên nghi ngờ rằng liệu đây có phải là thương vụ hợp thức hóa việc tăng vốn “ảo” của Faros?

 

Việc ủy thác đầu tư mau chóng mang đến diện mạo mới về lợi nhuận cho Faros. Theo đó, trong nửa năm đầu 2016, Faros ghi nhận 106,7 tỷ đồng lợi nhuận từ hoạt động này. Tuy nhiên, tính đến cuối quý 2/2016, phần lãi phải thu ủy thác đầu tư lên tới 198 tỷ đồng, suy ra lợi nhuận dù đã được hạch toán nhưng vẫn “treo”.

Qua phân tích có thể thấy rằng, Faros là một trong những công ty tăng vốn kỳ diệu nhất hiện nay. Với tốc độ tăng vốn thần tốc này, nhà đầu tư cần thận trọng xem xét các chỉ số tài chính, hoạt động cốt lõi cũng như triển vọng tương lai của Công ty. Tăng trưởng quy mô, liệu mô hình quản lý, chất lượng hoạt động có theo kịp, là điều mà giới đầu tư luôn đặt câu hỏi đối với các doanh nghiệp tăng vốn khủng nói chung, Faros nói riêng.

Đã có quá nhiều bài học, cái kết đắng cho nhà đầu tư với các doanh nghiệp tăng vốn khủng, khi nhà đầu tư chỉ có thể thu được lợi nhuận nhờ bám theo các "con sóng" tăng giá ngắn ngủi, mà khó có thể đầu tư dài hạn. Sẽ là đánh đồng nếu hoài nghi với tất cả trường hợp tăng vốn, nhưng trong đầu tư, nhất là chứng khoán thì việc cẩn trọng là không bao giờ thừa, với những bài học đã và đang xảy ra trên thị trường chứng khoán Việt Nam, khi chưa có một chế tài đủ mạnh để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư trước các doanh nghiệp chỉ "thùng rỗng kêu to".

Một điều đáng lo ngại nữa là tại Faros là ông Trịnh Văn Quyết - ông chủ của một Tập đoàn lớn và dù là cổ đông lớn nhất của Faros với tỷ lệ sở hữu là 41,79% vốn điều lệ, xấp xỉ 180 triệu cổ phiếu nhưng lại không nằm trong HĐQT hay lãnh đạo cấp cao của công ty, hiện Chủ tịch HĐQT là ông Doãn Văn Phương và Tổng giám đốc là ông Đỗ Như Tuấn. 

Tạm tính theo mệnh giá 10.000 đồng thì lượng cổ phiếu ROS mà ông Quyết nắm giữ có trị giá 1.800 tỷ đồng. Hiện ông Quyết cũng là cổ đông lớn nhất của FLC Group với 93 triệu cổ phiếu (14,6% vốn điều lệ) – có trị giá 521 tỷ đồng theo thị giá hiện tại của cổ phiếu FLC là 5.600 đồng. FLC Group vừa hoàn tất đợt tăng vốn từ 5.300 tỷ lên 6.380 tỷ đồng.

 

Như vậy, với lượng cổ phiếu FLC và ROS đang nắm giữ, ông Trịnh Văn Quyết sẽ nắm giữ lượng cổ phiếu trị giá vào khoảng trên 2.300 tỷ đồng – con số đủ để giữ một vị trí trong top 10 người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.

Một điểm nữa khiến giới đầu tư lo ngại đó là, theo bản giới thiệu niêm yết được đăng tải trên Sở GDCK TP. HCM cho thấy, hiện mảng xây dựng bất động sản nhà ở, bất động sản nghỉ dưỡng và bất động sản công nghiệp là hoạt động chính của Công ty. 

Tại bài giới thiệu, Faros "khoe" rằng các dự án mà Faros thực hiện ngày càng mở rộng về quy mô, không chỉ là những tòa chung cư, trung tâm thương mại đơn lẻ, Faros còn là tổng thầu của nhiều dự án xây dựng khu đô thị lớn tại Hà Nội và các tỉnh thành trên cả nước.

Một số dự án được Faros thực hiện: Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn (tại thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa) với tổng mức đầu tư 6.000 tỷ đồng trong vòng 9 tháng; quần thể sân golf, biệt thự nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp FLC Quy Nhơn (Bình Định) có quy mô 300 ha, tổng mức đầu tư 3.500 tỷ đồng; Khu tổ hợp nghỉ dưỡng và thể thao giải trí công cộng đa chức năng FLC Vĩnh Thịnh Resort (Vĩnh Phúc) giai đoạn 1 có diện tích 7,4 ha, tổng mức đầu tư 600 tỷ đồng hiện nay đã khánh thành và đi vào khai thác kinh doanh.

Điểm danh sơ qua có thể thấy rằng đây là những dự án lớn, có "tiếng tăm" về cả tốt lẫn xấu trong thời gian qua. Tuy nhiên, điểm mấu chốt là các dự án này đều do Công ty cổ phần Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư (nơi ông Trịnh Văn Quyết nắm quyền Chủ tịch HĐQT), điều này gây nghi ngại cho giới đầu tư là có sự "dây mơ rễ má" giữa ông Quyết với Faros, thậm chí họ còn lo ngại rằng chính FLC của ông Quyết đang "nhúng tay" vào công việc của Faros trong các dự án bất động sản này.

 

Đáng chú ý, các dự án đã trúng thầu và sẽ thực hiện trong thời gian tới cũng đều mang "họ" FLC như: Tổ hợp chung cư và nhà liền kề FLC Complex Thanh Hóa; Khu công nghiệp FLC Hoàng Long; Tòa nhà chung cư FLC Green Home; Khu biệt thự sinh thái và nghỉ dưỡngcao cấp Hải Ninh; Tổ hợp sân golf, resort, biệt thự nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp FLC Halong Bay... tổng giá trị hợp đồng lên tới gần 3.800 tỷ đồng. Như vậy, có thể thấy rằng năng lực thực sự của Faros phải dựa vào FLC?

Nên đọc
NPV
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo