Giữ bằng được thương hiệu mạnh
Năm 2015, TP HCM sẽ cổ phần hóa (CPH) 21 doanh nghiệp (DN) nhà nước, sau khi hoàn thành 11 đơn vị trong năm ngoái. Ngay từ đầu năm, các tổng công ty, DN nhà nước đã ký cam kết bảo đảm tiến độ CPH. Nhiệm vụ mà TP đặt ra đối với các DN là đẩy nhanh tiến trình CPH nhưng phải giữ bằng được những thương hiệu mạnh của Việt Nam.
Sẽ CPH hết các DN công ích
Tại buổi làm việc mới đây với Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Mạnh Hà cho biết quan điểm của TP là phải CPH hết các DN công ích. Những lĩnh vực càng sử dụng nhiều vốn nhà nước thì càng phải CPH mới hiệu quả, tiết kiệm, quản lý tốt ngân sách nhà nước; nếu để DN 100% vốn nhà nước thì chắc chắn khó quản lý, dễ phát sinh tiêu cực.
TS Trần Du Lịch - Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM:
Thu hút nguồn lực nước ngoài
Theo tôi, dần dần nhà nước nên thoái hết vốn ở những DN nhà nước không cần giữ vốn. Quá trình CPH đặt mục tiêu thu hút nguồn vốn ngoài nhà nước, thành công của CPH là thu hút được nguồn vốn ngoài nhà nước tham gia vào DN. Với những DN lớn, thương hiệu mạnh, nhà đầu tư nước ngoài tham gia góp vốn sẽ chung tay phát triển DN, nâng tầm quốc tế chứ không phải “mua” để “giết chết” thương hiệu đó. Việc mua để diệt chỉ xảy ra với những thương hiệu nhỏ.
Song song với tiến trình CPH, TP HCM cũng cần định hướng rõ hoạt động lâu dài của những DN đã CPH như thế nào; lộ trình thoái vốn, tiền thu về từ thoái vốn sẽ dùng để làm gì; tổng tài sản nhà nước trong các DN, tổng công ty là bao nhiêu... và sẽ sắp xếp nguồn lực này thế nào cho hiệu quả.
TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế độc lập:
Phải để thị trường làm chủ
Chủ trương chung của Chính phủ khi hội nhập TPP, AEC... là phát triển kinh tế thị trường. Về nguyên tắc, không nên đề cao thương hiệu Việt vì như vậy là phủ nhận cái mới, không để cho thị trường cạnh tranh bình đẳng. Nếu thực hiện CPH thì phải để thị trường làm chủ. Chính kinh tế thị trường làm tăng áp lực cạnh tranh cho DN. DN phải tự đổi mới để phát triển. Nếu CPH nhưng vẫn xem DN như những đứa con cưng và hỗ trợ xây dựng thương hiệu Việt thì DN vẫn giữ tâm lý “con cưng”, chờ hỗ trợ.
Xét về quy mô vốn, hạ tầng... các DN như Vissan, Satra... không nhỏ hơn những DN tư nhân của Thái Lan. Trong khi Công ty CP của Thái Lan đi từ DN nhỏ trong nước vươn ra quốc tế, mở rộng và làm chủ thị trường Việt Nam thì các DN nhà nước - thương hiệu mạnh Việt Nam vẫn quanh quẩn ở thị trường nội địa. Các DN mạnh của Việt Nam hoàn toàn đủ sức vươn ra thế giới nhưng trước đây hoạt động không theo cơ chế cạnh tranh thị trường nên không có mục tiêu và sức ép để phát triển, bây giờ đã có. Nếu hình thức mới mà nội dung cũ thì DN không thể phát triển được. Không cần đặt vấn đề thương hiệu đó bắt buộc phải là thương hiệu Việt mà vấn đề là thương hiệu đó mạnh đến đâu, có khả năng vươn ra thị trường thế giới như thế nào. Thay vào đó, cần xây dựng, giữ gìn thương hiệu quốc gia: xây dựng tiêu chuẩn quản lý chất lượng sản phẩm để đưa ra những tiêu chuẩn kiểm soát chặt chẽ; sàng lọc DN yếu, DN sản xuất hàng gian, hàng giả... dần dần chinh phục thị trường thế giới và trở thành thương hiệu quốc gia.
Ông Phạm Ngọc Hưng,Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM:
Thương hiệu có sức sống riêng
Trước đây, Unilever mua P/S, đã trả rất nhiều tiền để sở hữu thương hiệu P/S và sử dụng đến nay. Nhà đầu tư mua cổ phần của DN CPH chỉ là sự trao đổi vốn chủ sở hữu: Trước đây, nhà nước giữ 100% vốn thì sau CPH, tư nhân có thể giữ 70%, 80% vốn; nhà nước còn giữ 30%, 20% hoặc bán hết 100% vốn trong công ty đó. Nhà đầu tư mua cả thương hiệu, tiếng tăm DN và máy móc thiết bị, công nhân lành nghề... sản phẩm. Nhà nước đã bán cổ phần của mình, những ông chủ mới của DN sẽ là người quyết định số phận thương hiệu.
Luật DN không cho phép nhà nước tác động, thay đổi nhãn hiệu, thương hiệu nào, trừ phi đó là DN 100% vốn nhà nước. Giữ hay bỏ thương hiệu là việc của các nhà đầu tư, tùy vào chiến lược của DN. Thương hiệu Việt đang ăn nên làm ra, có uy tín ở thị trường nội địa và thị trường nước ngoài thì chắc chắn nhà đầu tư phải giữ và phát triển thương hiệu đó. Nói cách khác, bản thân thương hiệu tạo ra sự sống, nếu thương hiệu lớn thì nhà đầu tư chắc chắn giữ gìn, phát triển.
End of content
Không có tin nào tiếp theo