Hỗ trợ doanh nghiệp

Hàng trăm cơ sở kinh doanh cân điêu, móc túi người tiêu dùng

(DNVN) - Năm 2015, lực lượng thanh tra ngành Khoa học - Công nghệ đã tiến hành kiểm tra hơn 2.800 cơ sở và xử phạt vi phạm hành chính hơn 550 cơ sở (chiếm khoảng 19,5% số cơ sở thanh tra), với số tiền phạt trên 1,7 tỷ đồng với các vi phạm liên quan đến tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, nhãn hàng hóa, mã số mã vạch... đối với hàng đóng gói sẵn

Đó là thông tin được đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết tại Hội nghị tổng kết thanh tra chuyên đề năm 2015 đối với hàng đóng gói sẵn (HĐGS), được tổ chức ngày 19/11, tại Hà Nội.

Báo Công thương dẫn thông tin từ Hội nghị, nhằm kịp thời chấn chỉnh các hành vi vi phạm đối với HĐGS và tăng cường kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định tổ chức, chỉ đạo các lực lượng trong toàn ngành triển khai thanh tra diện rộng việc chấp hành các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, nhãn hàng hóa, mã số mã vạch và sở hữu công nghiệp đối với hàng đóng gói sẵn. Cuộc thanh tra được thực hiện tại các tỉnh, thành phố trong cả nước diễn ra trong suốt 3 tháng: 7, 8, 9 năm 2015.

Ảnh minh họa.

Tổng số cơ sở được thanh tra là 2.867 cơ sở, tại Sơn La, Vĩnh Long, Thanh Hóa, Bà Rịa – Vũng Tàu, Kiên Giang, Đồng Tháp, Hà Nội, Lâm Đồng, Nghệ An. Qua đó, đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 556 cơ sở (chiếm tỷ lệ 19,5% số cơ sở được thanh tra) với tổng số tiền phạt trên 1,7 tỷ đồng. Trong đó, một số địa phương đã xử lý nghiêm khắc các hành vi vi phạm như: Nghệ An xử phạt 33 cơ sở với tổng số tiền là 225,055 triệu đồng; Phú Yên xử phạt 16 cơ sở với tổng số tiền là 195,1 triệu đồng, TP. Hồ Chí Minh xử phạt 25 cơ sở vi phạm với tổng số tiền 177 triệu đồng….

Ngoài áp dụng hình thức xử phạt chính bằng tiền, cơ quan thanh tra đã áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả đối với các cơ sở vi phạm như buộc thu hồi hàng hóa vi phạm về ghi nhãn trả lại nhà sản xuất; buộc tiêu hủy hàng hóa quá hạn sử dụng; buộc thu hồi và tái chế đối với hàng hóa có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật; buộc định lượng lại hàng hóa trước lúc đưa vào lưu thông; buộc kiểm định phương tiện đo trước khi đưa vào sử dụng…

Đặc biệt, trong tổng số 556 cơ sở vi phạm với 724 lượt hành vi vi phạm được phát hiện và xử lý, có tới 364 lượt hành vi vi phạm quy định về đo lường, chiếm 51% số lượt hành vi vi phạm; 153 lượt hành vi vi phạm quy định về nhãn hàng hóa, chiếm 21% số lượt hành vi vi phạm; 51 lượt hành vi vi phạm về sản xuất, kinh doanh HĐGS có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn công bố áp dụng, chiếm 7 % số lượt hành vi vi phạm…

Trong đó, các nhóm hàng hóa có tỷ lệ vi phạm cao là: Rượu, bia nước giải khát, nước uống (25%); nông sản, sản phẩm từ nông sản (24 %); phân bón (23 %); sơn, bột bả tường (21%); các nhóm khác nhìn chung trong khoảng 20%.

Sẽ bêu tên các sản phẩm, cơ sở vi phạm

 

 Cũng đưa tin tại Hội nghị, báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Trần Minh Dũng, chánh thanh tra Bộ KH&CN, cho rằng một trong những nguyên nhân khiến tình trạng gian lận diễn ra phổ biến và ngày càng lan rộng là do mức chế tài chưa đủ sức răn đe.

Theo ông Dũng, cơ quan này đang kiến nghị xem xét, sửa đổi nghị định 80 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này nhằm tăng tính răn đe.

Báo Tuổi Trẻ cũng dẫn lời Thứ trưởng Trần Việt Thanh cũng cho biết Bộ này đã rà soát lại hệ thống văn bản, thông tư để tăng cường quản lý HĐGS.

“Phải có chế tài xử lý mạnh hơn, tăng mức xử phạt..., thậm chí cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những vi phạm nghiêm trọng về chất lượng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng” - ông Thanh nói.

Ngoài ra, theo ông Thanh, cần công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng đối với tên những mặt hàng, những cơ sở sản xuất vi phạm nghiêm trọng, nhất là về chất lượng, để xã hội và người tiêu dùng lựa chọn, bảo vệ quyền lợi của mình bằng cách tẩy chay những sản phẩm kém chất lượng, gian lận. Đồng thời, đó cũng là sự cảnh báo một cách mạnh mẽ, hiệu quả đối với những nhà sản xuất không coi trọng quyền lợi và sức khỏe của người tiêu dùng.

 

“Việc gian lận về khối lượng HĐGS là “móc túi” người tiêu dùng, nhưng vi phạm về chất lượng là tác động trực tiếp đến sức khỏe của con người, có thể gây bệnh nguy hiểm, cần phải được xử lý nghiêm” - ông Thanh cho biết.

Theo ông Dũng, danh sách các cơ sở, sản phẩm HĐGS vi phạm nghiêm trọng như không đạt chất lượng, gian lận khối lượng, làm giả nhãn mác, không được kiểm định chất lượng... sẽ được thanh tra bộ và các sở KH&CN tập hợp để sớm công bố công khai.

HÒA HẬU
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo