Áp lực cạnh tranh từ thuế quan của Mỹ, doanh nghiệp thủy sản đề xuất 2 gói hỗ trợ
Đà Nẵng: Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào đào tạo / Chuyển đổi số là đổi mới sáng tạo, nếu người đứng đầu không dấn thân thì khó thành công
Mỹ là một trong hai thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam, cùng với Trung Quốc, với kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8-2,1 tỷ USD/năm trong ba năm qua, chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước. Tuy nhiên, quyết định áp thuế mới của Mỹ khiến ngành thủy sản đối mặt nguy cơ đình trệ xuất khẩu, tồn kho lớn, đứt gãy dòng tiền, ngưng trệ sản xuất nguyên liệu và hàng loạt hệ lụy liên quan đến việc làm và sinh kế của nông-ngư dân.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), tín hiệu tích cực duy nhất là Mỹ đã tạm thời hoãn áp dụng mức thuế cao trong 90 ngày và áp dụng mức thuế 10% trong thời gian này.
Tuy vậy, VASEP lo ngại về áp lực giảm nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam và tăng cường xuất khẩu vào các thị trường khác của Trung Quốc, gián tiếp tạo thêm sức ép cho hàng Việt Nam.
Để chủ động đối phó với những bất ổn và tác động tiêu cực từ chính sách thuế của Mỹ, VASEP đã tổng hợp ý kiến của các doanh nghiệp. Trong công văn khẩn gửi Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn và các bộ ngành liên quan mới đây, VASEP đề xuất với Chính phủ cùng các bộ 2 gói giải pháp hỗ trợ cần thiết để duy trì sản xuất, củng cố năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường.

Thứ nhất, duy trì sản xuất và năng lực cạnh tranh. VASEP kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành khẩn trương tháo gỡ vướng mắc về thể chế, kiểm dịch, an toàn thực phẩm và tiêu chuẩn chất lượng. Trong đó, nổi bật là đề xuất hoàn thiện và ban hành sớm Nghị định sửa đổi về lĩnh vực thủy sản để doanh nghiệp có đủ chứng từ xuất khẩu sang EU và các thị trường có FTA.
Đề xuất thành lập Quỹ phát triển công nghệ ngành thủy sản nhằm hỗ trợ đổi mới sáng tạo, đầu tư công nghệ và tăng sức cạnh tranh. Ngoài ra, hiệp hội đề xuất điều chỉnh các quy định kỹ thuật nhằm tạo điều kiện cho sản phẩm đạt chuẩn xuất khẩu nhưng chưa thể tiêu thụ trong nước được lưu thông thuận lợi hơn.
Về tài chính – tín dụng – hạ tầng, VASEP đề xuất loạt biện pháp hỗ trợ như: miễn/giảm tiền thuê đất đến hết 2025, hoàn thuế VAT nhanh chóng, giảm thuế VAT đến năm 2026, công nhận chế biến thủy sản là hoạt động chế biến để hưởng ưu đãi thuế TNDN, và thống nhất thuế suất VAT với sản phẩm thủy sản đông lạnh.
Bên cạnh đó, cần duy trì gói tín dụng đặc thù 100.000 tỷ đồng cho ngành, hỗ trợ cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ với các khoản vay hàng tồn kho xuất Mỹ, đồng thời giảm giá điện cho container lạnh lưu kho, cho phép đầu tư điện áp mái lên 2MW và nới trần mua điện.
Về lao động và thị trường, VASEP đề nghị giãn đóng BHXH, hỗ trợ thất nghiệp cho lao động bị ảnh hưởng, đồng thời thúc đẩy đàm phán với Hàn Quốc để bỏ hạn ngạch tôm trong khuôn khổ VKFTA, và xem xét quy tắc xuất xứ cộng gộp trong FTA với EU.
Hiệp hội cũng đề nghị gỡ vướng trong việc ghi nhãn “Sản xuất tại Việt Nam” cho sản phẩm từ nguyên liệu nhập khẩu, và đề xuất không kiểm tra định kỳ trong 2025–2026 với các doanh nghiệp không có dấu hiệu vi phạm.
Thứ hai, mở rộng thị trường, tăng cường xúc tiến thương mại. Để giảm thiểu thiệt hại từ thị trường Mỹ, VASEP kiến nghị tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế lớn trong năm 2025–2026 như hội chợ Thủy sản Bắc Mỹ (Boston), triển lãm thủy sản toàn cầu tại Barcelona, hội chợ thủy sản châu Á (Singapore) và các thị trường tiềm năng khác.
VASEP và cộng đồng doanh nghiệp thủy sản kỳ vọng đoàn đàm phán của Chính phủ đang làm việc tại Mỹ sẽ đạt được những kết quả tích cực, giúp Việt Nam được hưởng mức thuế hợp lý hơn. Tuy nhiên, để ứng phó chủ động và hiệu quả, những gói hỗ trợ cụ thể, kịp thời từ phía Chính phủ và các bộ ngành sẽ đóng vai trò then chốt trong việc bảo vệ một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của nền kinh tế.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất

Herbalife Việt Nam lọt Top 50 doanh nghiệp tại giải thưởng Rồng Vàng 2025
BIOTED: Giải pháp phân bón lá hiệu quả cho nông nghiệp bền vững
18 năm kiến tạo giải pháp giám sát hành trình toàn diện
Đề xuất chính sách tài chính ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất hàng thiết yếu
VINASME tôn vinh 40 doanh nghiệp tiêu biểu về đổi mới sáng tạo