Hỗ trợ doanh nghiệp

Chuyển đổi số là đổi mới sáng tạo, nếu người đứng đầu không dấn thân thì khó thành công

DNVN - Ở nhiều doanh nghiệp Nhà nước, chuyển đổi số vẫn mang tính phong trào, chưa thực chất, chưa có sự dấn thân của người đứng đầu – điều kiện tiên quyết để tạo nên đổi mới sáng tạo và chấp nhận rủi ro.

Khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định đón dự án đầu tư 52 triệu USD / Thủ tướng yêu cầu lập ngay đoàn đàm phán với Mỹ, khẩn trương hỗ trợ doanh nghiệp

5 yếu tố then chốt để chuyển đổi số thành công
Thông tin được Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Đức Long nhấn mạnh tại hội nghị Thủ tướng làm việc với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) về chuyển đổi số và thúc đẩy tăng trưởng ngày 15/4 tại Hà Nội.
Theo Thứ trưởng Phạm Đức Long, hiện nay các DNNN hoạt động trong nhiều lĩnh vực như năng lượng, viễn thông, tài chính… đã đạt được những thành quả ban đầu trong chuyển đổi số, đồng thời ghi nhận mức tăng trưởng khá ấn tượng. Tuy vậy, nhìn tổng thể, năng suất lao động và hiệu quả sản xuất vẫn còn thấp, quá trình chuyển đổi số còn manh mún, thiếu hệ thống.
Theo Thứ trưởng Phạm Đức Long, cần giải quyết 5 vấn đề trọng tâm để DNNN đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.
Thứ nhất, chuyển đổi số rất cần vai trò của người đứng đầu. Công thức chuyển đổi số gồm 70% là chuyển đổi, 30% là công nghệ. Ứng dụng công nghệ thông ai cũng có thể làm nhưng chuyển đổi số thì chỉ người đứng đầu, vì chỉ có người đứng đầu mới quyết định chuyển đổi. Tuy nhiên, người đứng đầu không phải có chỉ đạo mà còn phải trực tiếp làm, trực tiếp phụ trách. Đây là tinh thần của Nghị quyết 57.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Đức Long. (Ảnh: VGP)
"Thời gian vừa qua, các tập đoàn, công ty Nhà nước thực hiện chuyển đổi số nhưng đôi khi vẫn là trào lưu, chưa đi vào thực chất. Chuyển đổi số là đổi mới sáng tạo, tạo ra những mô hình mới, có những rủi ro, người đứng đầu nếu không trực tiếp làm thì sẽ không thành công", ông Long nêu.
Thứ hai, chuyển đổi số thể hiện trên dữ liệu. Dữ liệu rất quan trọng, nếu không có dữ liệu thì tất cả công nghệ đều vô nghĩa. Tuy nhiên, hiện nay ý thức xây dựng dữ liệu trong các doanh nghiệp còn thiếu, đặc biệt là các DNNN. Một số doanh nghiệp đã có ý thức xây dựng dữ liệu, qua đó đã áp dụng được trí tuệ nhân tạo, nâng cao được hiệu suất lao động.
Thứ ba, chuyển đổi số cần một doanh nghiệp công nghệ số đồng hành. DNNN thuê doanh nghiệp công nghệ số đầu tư hệ thống vận hành liên tục cải tiến, để đáp ứng yêu cầu đổi mới của doanh nghiệp, thuận tiện cho người dùng và cho khách hàng. Toàn bộ các vấn đề về công nghệ vận hành cải tiến… giao cho doanh nghiệp chuyển đổi số; còn DNNN chỉ tập trung vào đổi mới sáng tạo để tạo ra sản phẩm mới, dịch vụ mới, mô hình mới.
Thứ tư, DNNN cần chuyển đổi từ sản xuất truyền thống sang doanh nghiệp số, dựa trên khoa học công nghệ. Các doanh nghiệp hãy nghĩ ra các mô hình để đột phá và đặt ra các bài toán để doanh nghiệp chuyển đổi số giải quyết các bài toán đó. Bộ KH&CN sẽ đóng vai trò là trung tâm kết nối giữa DNNN có nhu cầu chuyển đổi, nhu cầu giải quyết các bài toán với chuyển đổi số.
Thứ năm, ngày 20/9/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1012/QĐ-TTg về Kế hoạch hành động chuyển đổi số hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trực tuyến và dựa trên dữ liệu giai đoạn 2024 - 2025, định hướng đến năm 2030. Cuối năm nay, Bộ KH&CN sẽ tổ chức đánh giá mức độ chuyển đổi số của DNNN trên cả nước, nhằm xác định các điểm nghẽn và đề xuất giải pháp cụ thể.
Gói tín dụng 500.000 tỷ đồng tiếp sức doanh nghiệp đầu tư công nghệ

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng. (Ảnh: VGP)
Tại hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng thông tin: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NHNN đang xây dựng gói hỗ trợ tín dụng trị giá 500.000 tỷ đồng dành cho các doanh nghiệp đầu tư vào cơ sở hạ tầng và công nghệ số.
“Chúng tôi đã làm việc với các ngân hàng thương mại, đồng thời gửi văn bản đề nghị Bộ KH&CN, Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương lập danh mục các dự án trọng điểm để tổng hợp và triển khai bước tiếp theo. Rất mong các bộ, ngành phối hợp, phản hồi sớm”, bà Hồng chia sẻ.
Bên cạnh hỗ trợ vốn, NHNN cũng nhấn mạnh vai trò của hệ sinh thái dữ liệu – yếu tố then chốt để chuyển đổi số thành công. Cơ sở dữ liệu dân cư từ Đề án 06 của Bộ Công an là nền tảng quan trọng, nhưng để thúc đẩy chuyển đổi số trong kinh tế, cần có thêm cơ sở dữ liệu doanh nghiệp – điều kiện để các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn trong môi trường số.
Trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số chính là đột phá quan trọng hàng đầu, là chìa khóa để nền kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững. NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp – đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước – phát triển.
Minh Thu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Có thể bạn quan tâm