Bà chủ danh trà Làn Hương Văn Hương: Người lưu hương hoa vào hồn trà B’lao
Tìm giải pháp phát triển bền vững Trà và Tơ lụa Bảo Lộc / Thêm nhiều doanh nghiệp được sử dụng nhãn hiệu “Trà B'Lao” và “Tơ lụa Bảo Lộc”
Những ngày chớm thu, về với thủ phủ Trà B’lao, như vẫn còn nghe ngân vang đâu đây lời ca thiết tha tự tình da diết: “Về Bảo Lộc đứng trên nương đồi/ Nghe tiếng chè xanh lao xao/ Tay em hái dịu dàng như múa/ Tiếng hát em trong veo...”.
Chính cái nghề truyền thống đã ăn sâu vào gốc rễ của những người yêu trà. Gần trăm năm cây chè “bén duyên” với đất, cũng là bấy nhiêu thời gian con người nơi đây gắn bó phận mình với nghiệp trà.
Ở xứ sở này, cây chè lặng lẽ với thời gian, len lỏi vào cuộc sống của mỗi con người, mỗi gia đình, mỗi góc vườn, ngõ phố. Nghề làm trà ở TP. Bảo Lộc (Lâm Đồng) đã thành nghiệp cha truyền con nối, như “mạch ngầm” âm ỉ chảy mãi theo thời gian...
Nữ doanh nhân Nguyễn Thị Huệ, chủ Danh trà Làn Hương Văn Hương và con trai (thế hệ kế nghiệp thứ 3) vui mừng đón nhận chứng nhận “Thực phẩm Việt vì sức khoẻ người Việt”.
Theo lời kể của nhiều bậc cao niên “yêu trà, thạo trà” nơi đây, một trong những cái tên được nhiều người nhắc đến và khắc khoải nhớ nhung, đó là Danh trà Văn Hương vào những năm 60, do ông Văn Hương sáng lập, góp phần đặt nền móng đầu tiên và tạo tiếng vang cho các sản phẩm trà hương truyền thống của mảnh đất B’lao, quanh năm xanh mướt chè xanh.
Bởi thế nên trong dân gian vẫn lưu truyền câu thơ: “Anh về thưa với mẹ cha/Cưới em xin dẫn bánh, trà Văn Hương”... đã phần nào khẳng định bề dày chất lượng và uy tín của thương hiệu này.
Hương vị đậm đà, ngào ngạt hoa sói, hoa lài, hoa sen... quyện vào trà xanh, tạo nên thức uống thanh tao, nhẹ nhàng, quyến rũ du khách thập phương. Điều đáng tiếc là, được một thời gian không lâu, ông Văn Hương về với cõi vĩnh hằng trong niềm tiếc thương vô hạn.
Nén nỗi đau, bà Văn Hương tiếp tục nỗ lực gìn giữ tâm huyết của hai vợ chồng đã gầy dựng bấy lâu. Đồng thời, truyền niềm đam mê nghiệp trà hương với tất cả sự kỳ vọng vào người con gái mang tên một loài hoa trắng tinh khôi là chị Nguyễn Thị Huệ.
Bên cạnh chất lượng trà tuyệt hảo, bao bì, mẫu mã sản phẩm của Danh trà Làn Hương Văn Hương cũng rất sang trọng, bắt mắt.
Đến năm 2005, chị Huệ chính thức kế nghiệp và quyết định tạo thêm điểm nhấn cho doanh nghiệp trà của gia đình bằng việc thêm “Làn Hương” vào thương hiệu để trở thành Danh trà Làn Hương Văn Hương, với mong muốn mang hương trà đậm đà “hương đồng gió nội” bay cao và vươn xa.
Bên cạnh đó còn chọn Slogan cho thương hiệu là “Mộc mạc hương trời – Mơn man sáng tạo”, nhằm thể hiện nỗi trăn trở và khát vọng của chị về nghiệp trà hương. Điều ấy lý giải vì sao, sau bao biến chuyển của thị trường, nữ doanh nhân Nguyễn Thị Huệ vẫn duy trì lối ướp hương truyền thống bằng phương pháp thủ công của gia đình.
Chia sẻ về điều này, chị Huệ cho hay, thị trường mà Danh trà Làn Hương Văn Hương hướng đến là những khách hàng sành trà, yêu trà và biết thưởng trà. Nhờ “bí kíp” gia truyền “lưu hương hoa vào trà” mà trà có mùi hương mộc mạc đặc trưng của thiên nhiên ban tặng. Với chị, uống trà không chỉ để thưởng thức, hưởng thụ tinh hoa của khí trời hoà quyện vào từng búp trà, nụ hoa mà còn phải đảm bảo an toàn chất lượng và tốt cho sức khoẻ.
“Do đó, mỗi khi có dịp thưởng thức tách trà Làn Hương Văn Hương “chính hiệu” vào mỗi buổi sớm mai hoặc chiều tối trong không gian tĩnh lặng, bạn sẽ cảm nhận được dư vị ngọt ngào nơi đầu lưỡi, quyện vào cuống họng và đọng lại trong tim. Khi ấy, dường như mọi giác quan của ta được đánh thức, mơn man một vùng trời sáng tạo, dạt dào niềm tin yêu cuộc sống”, chị Huệ nhẹ nhàng rót trà mời khách, vừa say sưa chia sẻ.
Các loại sản phẩm của Danh trà Làn Hương Văn Hương luôn được khách hàng, đối tác quan tâm, lựa chọn tại các đợt tham gia giới thiệu, triển lãm.
Chỉ tay về phía khuôn viên nhỏ tại xưởng sản xuất với nhiều loài hoa dùng để ướp trà đang khoe sắc như hoa sói, hoa lài, hoa ngâu, hồng trà… chủ Danh trà Làn Hương Văn Hương, cho biết, mỗi loại hoa phải được hái đúng thời điểm. Chẳng hạn hoa sói phải hái ban sớm, hoa lài thì phải hái buổi chiều..., đúng độ chín, độ rộ để có được hàm lượng hương thơm cao nhất. Hoa sau khi hái phải được ủ trong một khoảng thời gian thích hợp (thường ủ về ban đêm) rồi mới được ướp vào trà.
Ngoài hoa, mỗi loại trà hương được chị Huệ ướp thêm một loại thảo dược, như: Quế, cam thảo, hồi, kỷ tử... với liều lượng nhất định. Thảo dược không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn giúp mùi hương thêm đậm đà và vị trà thêm ngon, nồng đượm. Qua 3 lần ủ, ướp và sấy như thế thì trà và hoa mới quyện với nhau, tạo nên từng hương vị trà lài, ngâu, sen, sói đặc trưng.
Đặc biệt, chị Huệ vẫn còn “trung thành” với phương pháp sấy trà bằng bồ truyền thống. Theo chị, chỉ có sấy bằng bồ trong một nhiệt độ thích hợp, dưới ngọn lửa liu riu của than hồng, mới có thể cho ra những mẻ trà hương đạt đến “cao điểm” của độ giòn, độ thơm.
Du khách thưởng thức trà của Danh trà Làn Hương Văn Hương tại một cuộc triển lãm, giới thiệu sản phẩm.
Chính nhờ vào phương pháp chế biến thủ công truyền thống, kết hợp với đội ngũ kỹ thuật nhiều tâm huyết và liên kết chặt chẽ với người nông dân trồng trà, Danh trà Làn Hương Văn Hương đã tạo nên một chuỗi cung ứng hoàn thiện, cam kết luôn mang đến những sản phẩm trà truyền thống độc đáo nhất, chất lượng nhất đảm bảo sức khoẻ cho cộng đồng người tiêu dùng.
Những năm gần đây, Danh trà Làn Hương Văn Hương liên tục gặt hái nhiều giải thưởng về chất lượng, như: Giải Nhất “Sản phẩm Trà ướp hương”, tại Lễ hội Văn hoá Trà Lâm Đồng - lần 2, năm 2008, do Hiệp hội Chè Việt Nam bình chọn; giải Nhất tại Cuộc thi Tài năng khoa học trẻ Việt với đề tài “Giải pháp hoàn thiện chuỗi cung ứng trà Bảo Lộc”, tác giả Nguyễn Khoa Khôi, đời thứ 3 của Danh trà Làn Hương Văn Hương... Đó là sự ghi nhận và đánh giá khách quan dành cho một thương hiệu đã có bề dày truyền thống và không ngừng nỗ lực để đổi mới, hoàn thiện.
Sản phẩm của Danh trà Làn Hương Văn Hương được chứng nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực – năm 2020.
Giữa thời buổi kinh tế thị trường, sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt, nhiều doanh nghiệp trà ướp hương đang chạy theo lợi nhuận, bằng việc sử dụng các loại hương tổng hợp, với giá thành rẻ, dần lãng quên đi những giá trị xưa cũ... Nhưng vẫn còn đó một Làn Hương, với những sản phẩm trà ướp hương truyền thống, lấy yếu tố chất lượng và sức khoẻ người tiêu dùng làm trọng, như một nỗ lực để giữ lại những tinh hoa của nghệ thuật chế biến trà hương xưa, níu giữ “hồn Việt”... Tất cả những nét riêng ấy đã tạo nên thức uống làm mê đắm lòng người.
Xin mạn phép mượn lời chân tình, thiết tha của một tao nhân đã đồng cảm với tâm huyết lưu giữ nét xưa đậm đà bản sắc văn hoá xứ sở B’lao, đã đề tặng Danh trà Làn Hương Văn Hương, để khép lại bài viết này: “Gốc khế già bên hiên như cõi ngộ/ Những oằn oải cuộc đời chợt biến tan/ Hồn ta bay bổng với mây ngàn/ Bồng bềnh trong không gian sáng tạo...”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo