Hỗ trợ doanh nghiệp

Bắc Giang: DN chỉ được phép sử dụng lao động có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2

DNVN – Để duy trì sản xuất, Bắc Giang yêu cầu doanh nghiệp (DN) cần thực hiện đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 và chỉ được phép hoạt động sản xuất khi mức độ nguy cơ lây nhiễm được đánh giá dưới 50%.

Thủ tướng phê duyệt đầu tư xây dựng hai khu công nghiệp tại Bắc Ninh và Bắc Giang / Covid-19: Bắc Giang "kêu cứu" nông sản lên Thủ tướng

Theo đó, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) khôi phục nhanh chóng và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn trước nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19, Ban chỉ đạo khôi phục hoạt động sản xuất công nghiệp, kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã có hướng dẫn thực hiện công tác đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong hoạt động sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Về quản lý và sử dụng lao động, các doanh nghiệp chỉ được phép sử dụng lao động đã được xét nghiệm sàng lọc RT-PCR có kết quả âm tính với SARS-CoV-2.

Tất cả người lao động của doanh nghiệp phải ký cam kết thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID19 theo quy định. Doanh nghiệp chịu trách nhiệm giám sát chặt chẽ và có biện pháp xử lý nghiêm đối với những người lao động vi phạm cam kết đã ký.

Bắc Giang: DN chỉ được phép hoạt động khi mức độ nguy cơ lây nhiễm COVID-19 dưới 50%.

Bắc Giang quy định DN chỉ được phép hoạt động khi mức độ nguy cơ lây nhiễm COVID-19 dưới 50%.

Trong thời gian trong nước xảy ra dịch COVID-19, nếu không vì lý do công tác hay có việc đặc biệt quan trọng thì người lao động trong doanh nghiệp không đi ra tỉnh ngoài. Trường hợp đi về phải thực hiện khai báo y tế, nếu đi về từ vùng dịch thì thực hiện cách ly và xét nghiệm RT-PCR, chi phí cách ly và xét nghiệm do người lao động chi trả.

Các doanh nghiệp cần thực hiện xét nghiệm COVID-19 bằng phương pháp RT-PCR đối với tất cả người lao động ngày đầu tiên vào doanh nghiệp làm việc. Thực hiện xét nghiệm định kỳ 72 giờ/lần đối với tất cả người lao động ngoài tỉnh đi về hàng ngày.

Thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR mẫu gộp (trước mắt thực hiện tối thiểu 7 ngày/lần cho toàn bộ người lao động trong doanh nghiệp cho đến khi có thông báo mới). Nếu có kết quả xét nghiệp dương tính phải thực hiện cách ly và xét nghiệm RT-PCR mẫu đơn để khẳng định.

Đối với những doanh nghiệp đã mua kits test nhanh kháng nguyên trước thời điểm ban hành Văn bản này, Ban chỉ đạo cho phép doanh nghiệp thực hiện test nhanh sử dụng hết số lượng kits test đã mua.

Để kiểm soát nguy cơ lây nhiễm dịch tại cổng ra vào, các doanh nghiệp cần thực hiện đầy đủ việc khai báo y tế bắt buộc đối với tất cả người lao động; những người tiếp xúc, liên hệ với doanh nghiệp (khách đến làm việc, cung cấp dịch vụ, suất ăn, vận chuyển hàng hóa, nhà thầu xây dựng...).

Tất cả người lao động phải cài đặt ứng dụng truy vết Bluezone và thường xuyên bật Bluetooth để ứng dụng hoạt động hiệu quả.

Đối với những người không phải là người lao động của doanh nghiệp khi vào doanh nghiệp phải có kết quả xét nghiệm RT-PCR (trong vòng 72 giờ) âm tính với SARS-CoV-2.

Khử khuẩn đối với phương tiện vận tải trước khi vào doanh nghiệp.

Trường hợp phát hiện người nghi nhiễm phải thực hiện cách ly tại Phòng cách ly tạm thời của doanh nghiệp và thông báo kịp thời cho Bộ phận thường trực y tế tại khu công nghiệp. Doanh nghiệp không cho phép người nghi nhiễm được tự do đi về.

Bên cạnh đó, mỗi doanh nghiệp thành lập ít nhất một Tổ an toàn COVID-19. Tùy theo quy mô sản xuất, số lượng lao động, đặc thù bố trí sản xuất của doanh nghiệp mà quyết định thành lập các Tổ an toàn COVID-19 gắn với tổ sản xuất, phân xưởng sản xuất, khu vực sản xuất... đảm bảo phù hợp với tính chất hoạt động và thực hiện tốt công tác phòng chống dịch.

Thiết lập kênh thông tin liên lạc giữa doanh nghiệp (Tổ an toàn COVID-19) với chính quyền địa phương (Tổ COVID cộng đồng) nơi người lao động cư trú để trao đổi thông tin xử lý kịp thời trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm dịch COVID- 19.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần thực hiện đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 (theo Quyết định số 2194/QĐ-BCĐQG ngày 27/5/2020 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống COVID-19) và cập nhật thông tin lên hệ thống an toàn COVID (antoancovid.vn). Doanh nghiệp chỉ được phép hoạt động sản xuất khi mức độ nguy cơ lây nhiễm được đánh giá dưới 50%.

Các doanh nghiệp cũng cần thành lập Bộ phận y tế của doanh nghiệp; tổ chức lại hoạt động sản xuất để nhanh chóng khoanh vùng cách ly khi có tình huống phát sinh.

Thực hiện phân tách, chia nhỏ nhất có thể, tạo sự tách biệt, hạn chế tiếp xúc giữa các nhóm lao động theo tổ, đội, dây chuyền, phân xưởng, khu vực sản xuất... gắn với Tổ an toàn covid; đảm bảo điều kiện trong trường hợp có ca nhiễm, nghị nhiễm có thể nhanh chóng khoanh vùng cách ly để các tổ, đội, dây chuyền, phân xưởng, khu vực sản xuất... khác không bị ảnh hưởng vẫn tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất.

Song song, doanh nghiệp bố trí khu vực để giao nhận hàng, đảm bảo điều kiện thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; hạn chế thấp nhất người giao nhận hàng là người ngoài doanh nghiệp tiếp xúc với người trong doanh nghiệp. Đồng thời cần bố trí khu vực cách ly y tế tạm thời.

Thiên An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm