Hỗ trợ doanh nghiệp

Cần hỗ trợ giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp

DNVN - Với số doanh nghiệp dừng hoạt động lớn hơn số doanh nghiệp thành lập mới trong 9 tháng đầu năm 2021 - điều chưa xảy ra trong nhiều năm qua, việc hỗ trợ giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp (DN) là rất cần thiết.

COVID-19 làm con đường khởi nghiệp sáng tạo càng thêm chông gai / Thừa Thiên Huế: Hỗ trợ doanh nghiệp, hộ nông dân đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử

Chia sẻ về sức khỏe doanh nghiệp tại cuộc họp báo thông tin tình hình kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng đầu năm 2021 do Tổng cục Thống kê tổ chức ngày 29/9, bà Phí Thị Hương Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2021, số DN thành lập mới của cả nước là 85,5 nghìn DN, giảm 13,6,% so với cùng kỳ năm 2020.
"Đây là số doanh nghiệp gia nhập thị trường thấp nhất kể từ năm 2017 tính trong 9 tháng của năm. Bình quân 5 năm trước dịch giai đoạn 2015 - 2019, số lượng DN gia nhập thị trường trong 9 tháng đầu năm của mỗi năm là 130.000 DN", bà Nga nói.
Trong 9 tháng đầu năm 2021, tổng số vốn đăng ký là 1.195.800 tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 648,8 nghìn lao động, giảm 13,6% về số doanh nghiệp, giảm 16,3% về vốn đăng ký và giảm 16,6% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.

Ảnh minh họa.
Số lượng DN thành lập mới cũng như tổng số vốn đăng ký giảm mạnh vào quý III/2021 khi dịch bệnh COVID-19 lan rộng và đặc biệt là đợt dịch thứ 4 tại 19 tỉnh, thành phía Nam. Cụ thể, quý III/2021 số DN thành lập mới 18,4 nghìn DN và đây là số DN thành lập mới thấp nhất quý III kể từ năm 2015 đến nay, giảm 51,3% so với Quý II và giảm 37,2% so với Quý I và đặc biệt giảm tới 50,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Về vốn đăng ký thành lập của quý III năm nay đạt 253,2 nghìn tỷ đồng, đây là mức vốn đăng ký thành lập thấp nhất trong giai đoạn quý III kể từ năm 2017 đến nay. Và mức vốn này so với cùng kỳ giảm tới 65,4%.
"Như vậy có thể thấy trong 9 tháng đầu năm nay cũng như quý III/2021 số DN thành lập mới đã giảm đáng kể", bà Hương đánh giá.
Liên quan đến số lao động dừng hoạt động, trong 9 tháng đầu năm 2021, bà Hương thông tin, có tới 90,3 nghìn DN tạm dừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, số DN tạm dừng kinh doanh có thời hạn là 45,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước; 32,4 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 17,4%; 12,8 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 5,9%.
"Nhìn vào số DN dừng hoạt động trong 9 tháng đầu năm, theo quan sát của chúng tôi, chủ yếu là những DN có quy mô vốn dưới 5 tỷ đồng, chiếm tới gần 90% số DN dừng hoạt động trong 9 tháng qua. Từ con số DN ngừng hoạt động này, có thể thấy số DN dừng hoạt động trong 9 tháng vẫn tiếp tục đà tăng so với cùng kỳ, trong khi số DN thành lập mới trong quý III giảm rất sâu.
Ngoài ra, có hiện tượng nhiều năm nay chưa xảy ra là số DN dừng hoạt động lớn hơn số DN thành lập mới trong 9 tháng đầu năm. Đây được coi là xu hướng đảo chiều so với các năm thông thường. Trong điều kiện kinh tế khó khăn do dịch bệnh hiện nay, số DN dừng hoạt động lớn hơn số DN thành lập mới là xu hướng tất yếu của thị trường", Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng cho biết.
Theo khảo sát nhanh của Tổng cục Thống kê về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh chịu tác động bởi dịch bệnh COVID-19 của khối doanh nghiệp, có tới 94,35% DN gặp khó khăn, đặc biệt 19 tỉnh phía Nam tỷ lệ này lên đến 99%.
"Đáng chú ý, 65,4% DN phải tăng chi phí đầu vào phát sinh liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19, chi phí logistics và chi phí giá nguyên liệu đầu vào tăng cao. Trong đó, có tới 84,2% DN ngành chế biến, chế tạo, phải tăng chi phí đầu vào do dịch bệnh", bà Nga cho hay.
Theo đánh giá của bà Nga, với những số liệu sơ bộ như trên, nhìn 1 cách tổng thể, cộng đồng DN chịu ảnh hưởng rất nặng nề do dịch bệnh. Bản thân các DN đã phải đối phó với dịch bệnh trong cả năm 2020 cũng như 9 tháng đầu năm 2021. Dịch bệnh kéo dài trong gần 2 năm gặp đã làm sức chống chịu của doanh nghiệp giảm rất mạnh. Số DN thành lập mới thấp hơn số DN doanh nghiệp giải thể cho thấy xu hướng chưa lạc quan trọng ngắn hạn.
Bà Nga cho rằng, Chính phủ và các cấp, các ngành cần nới lỏng giãn cách xã hội kéo dài để hoạt động sản xuất kinh doanh của DN sớm trở lại bình thường và đặc biệt phải đảm bảo không đứt gãy chuỗi cung ứng và nguyên vật liệu, hoạt động vận tải và lưu thông hàng hóa diễn ra bình thường.
"Doanh nghiệp gặp khó khăn do COVID-19 liên quan tới chi phí đầu vào rất lớn. Do đó, để hỗ trợ tốt doanh nghiệp giai đoạn sắp tới, việc hỗ trợ giảm chi phí đầu vào là rất cần thiết. Để giảm bớt chi phí này cần cân nhắc các biện pháp như để doanh nghiệp tự chủ động xét nghiệm COVID-19, qua đó giảm chi phí phòng, chống dịch", bà Nga nhấn mạnh.
Ngoài ra, liên quan tới quy định "1 cung đường 2 điểm đến", "3 tại chỗ", cơ quan quản lý Nhà nước cần có những quy định rõ ràng hơn để DN chủ động căn cứ vào những quy định chung về phóng, chống dịch. Khi đã có quy định chung về phòng chống dịch thì các địa phương cũng nên gỡ bỏ các quy định con còn đang gây khó cho doanh nghiệp hiện nay.
Thêm vào đó, để thu hút người lao động quay trở lại làm việc, thiết kế các gói hỗ trợ để người lao động tiếp cận dễ dàng hơn thông qua chủ doanh nghiệp nhằm một phần giữ chân người lao động, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.
Chính phủ, các bộ, ngành đã có chính sách giảm tiền điện nhưng với tình hình dịch bệnh kéo dài để lại những ảnh hưởng nặng nề cho DN, bà Hương kiến nghị Nhà nước nên kéo dài thời gian giảm tiền điện và các chi phí khác, kéo dài thời gian nộp thuế, phí, gia hạn nộp thuế, giảm lãi chậm nộp cho DN.
Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm