Hỗ trợ doanh nghiệp

Chi phí cao bóp nghẹt lợi nhuận doanh nghiệp

Chuyển một container trái cây đi từ Tp.HCM đến Lạng Sơn có chi phí cao gấp nhiều lần sang Mỹ, bởi những chi phí gián tiếp trên đường như: giao thông, quản lý thị trường, an toàn thực phẩm.

Năm 2019, sự hài lòng về thuế của doanh nghiệp đạt 7,8/10 điểm / Liên kết doanh nghiệp - nông dân: Giải pháp hiệu quả trong xuất khẩu trái cây sang Mỹ

Đó là thực trạng được các doanh nghiệp (DN) và chuyên gia nêu ra tại Hội thảo: Thông tin và tham vấn về kết quả khảo sát quy mô toàn quốc các biện pháp phi thuế quan trong thương mại dịch vụ, được tổ chức ngày 20/11.

Chi phíđắt đỏ

Theo khảo sát của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), những trở ngại chính được chỉ ra là về thủ tục chiếm 89% và 8% còn lại cho rằng do cả hai lý do trên.

Các trở ngại về thủ tục được báo cáo nhiều nhất là gây chậm trễ liên quan đến quy định, chiếm 40% các trường hợp; chi phí không chính thức như hối lộ liên quan đến giấy chứng nhận/quy định, chiếm 17% các trường hợp; lệ phí và phí cao bất thường cho giấy chứng nhận/quy định chiếm 15% các trường hợp.

Đáng chú ý, theo kết quả khảo sát thực hiện trên 3 miền Bắc, Trung, Nam với tổng số hơn 2.000 DN được phỏng vấn cho thấy tỷ lệ DN xuất khẩu (XK) hàng hóa của Việt Nam gặp trở ngại về các biện pháp phi thuế quan khá cao. Ngành nông nghiệp chiếm 48%, công nghiệp chiếm đến 38%; dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông chiếm 73%; dịch vụ du lịch chiếm 69%; dịch vụ vận tải chiếm 76%.

Nhiều rào cản bủa vây DN logistics

Nhiều rào cản bủa vây DN logistics

Ông Yared Befecadu, chuyên gia ITC, chia sẻ: “Quá trình thực hiện khảo sát, chúng tôi nhận được phản hồi về trở ngại của DN dịch vụ hậu cần vận tải gặp phải đó là những rào cản về chi phí không chính thức”.

Theo một số công ty, mỗi năm họ phải tiếp đón quá nhiều đoàn kiểm tra riêng lẻ của nhiều cơ quan nhà nước. Các cuộc thanh tra mất nhiều thời gian và chi phí cho DN. Ngoài ra, một số công ty kêu ca về thời gian làm việc. Chẳng hạn vào mùa cao điểm trước Tết, DN cần XK hàng hóa rất nhiều, phải xin nhiều giấy tờ chứng nhận, trong khi cơ quan nhà nước không đủ cán bộ làm việc nên gây chậm trễ cho XK.

Chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn của DN mình, ông Trần Đức Nghĩa, Giám đốc công ty TNHH Delta, cho hay công ty có hơn 400 nhân viên, trong đó hơn 10% nguồn nhân lực dành riêng để làm việc “mang tờ giấy A4 từ chỗ này đến chỗ kia”. Hay như việc DN phải sử dụng 3 người chỉ để làm mỗi công việc hàng ngày thu, kiểm, đếm thanh toán và lưu giữ biên lai thu lệ phí đường bộ...

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường Kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng tại bất kể quốc gia nào, logistics cũng rất quan trọng, đóng góp chính vào sự tăng trưởng của nền kinh tế. Tại Việt Nam, logistics cũng được coi là trọng tâm cải cách và phát triển, bởi lĩnh vực này liên quan đến hầu hết các ngành của nền kinh tế.

 

Tuy nhiên, theo khảo sát của CIEM, hiện ở Việt Nam, các DN logistics đang phải hứng chịu chi phí đắt đỏ nhất, vì phát sinh nhiều chi phí trên đường như: phí đường bộ, BOT, cảnh sát giao thông, thanh tra, quản lý thị trường... Đây là rào cản lớn cho DN logistics.

Chia sẻ câu chuyện của một DN XK hoa quả vận chuyển 1 container từ Tp.HCM đi Lạng Sơn đắt hơn chi phí đi California của Mỹ, bà Thảo cho hay: “Hiện, chúng ta có nhiều cảng sông, đường sắt nhưng không kết nối được với đường bộ. Bên cạnh đó, đường sắt Việt Nam khổ nhỏ hơn quốc tế nên kể cả DN vận chuyển đường sắt khi đến cửa khẩu vẫn phải chuyển hàng xuống để sang hàng, khiến chi phí của DN đội lên gấp nhiều lần”.Còn nhiềutrở ngại

Một trở ngại khác là thủ tục hành chính rườm rà khiến DN phải đi lại nhiều lần mà không xin được giấy phép. Ví dụ có DN nhập khẩu 100 xe tải lạnh để chở hàng, để lưu thông trên đường phải xin Sở GTVT phù hiệu cho xe tải, khi nộp hồ sơ chỉ cần một sai sót nhỏ của 1 bộ hồ sơ sẽ bị cơ quan nhà nước trả cả 100 xe về. Sau 2 tháng không xin được phù hiệu, trong khi vốn bỏ ra để mua xe rất nhiều, DN vẫn cho xe lưu hành trên đường và chấp nhận vi phạm quy định và “đi đêm” bằng chi phí gián tiếp trên đường.

Để xoá bỏ những rào cản về chi phí, điều kiện kinh doanh, theo các chuyên gia, cần sớm đẩy mạnh giao dịch điện tử.

Ông Trần Đức Nghĩa kỳ vọng dịch vụ thu phí điện tử, phí không dừng sẽ “cán đích” đúng thời hạn là ngày 31/12/2019 và sớm khai trương cổng thông tin Chính phủ điện tử. Hiện nay, các DN dành 2/3 thời gian giải quyết thủ tục chuyên ngành ở các bộ ban ngành, nếu như tất cả các thủ tục chuyên ngành được đưa lên cổng thông tin điện tử quốc gia và thực hiện cơ chế một cửa quốc gia thì hiệu quả hoạt động của DN tăng lên rất nhiều, làm minh bạch hoá hoạt động của DN.

 

“Chính phủ điện tử được triển khai đúng kế hoạch sẽ tạo ra môi trường cực kỳ tốt cho DN. Ví dụ, trước đây DN thanh lý tờ khai thủ tục hải quan bằng giấy, nhưng khi kết nối với cảng thì đã giảm được thời gian cũng như tiết kiệm chi phí cho DN. Theo thống kê vào năm 2018, với 11 triệu tờ khai điện tử đã tiết kiệm khoảng 13 tỷ đồng cho DN, chưa kể chi phí gián tiếp còn là con số lớn hơn rất nhiều”, ông Nghĩa cho hay.

Bà Thảo chia sẻ Việt Nam đang đẩy mạnh giao dịch điện tử, dịch vụ công cấp độ 4, nhưng còn thiếu hành lang pháp lý ứng dụng dịch vụ, chẳng hạn như chữ ký số... Đây là rào cản không chỉ đối với các DN mà cả với các bộ ngành.

Hiện nay, 12 bộ quản lý chuyên ngành có liên quan đều cho rằng đã kết nối với cổng thông tin một cửa quốc gia, dịch vụ công cấp độ 4, nhưng thủ tục thực hiện hoàn toàn trên hệ thống được chỉ vài phần trăm.

“Các DN làm trên cổng điện tử rồi vẫn phải làm bản giấy thì chẳng có ý nghĩa gì cả. Có những thủ tục không mấy gặp thì lại kết nối, còn thủ tục thường xuyên làm thì lại không kết nối”, đại diện một DN XK hàng hoá than thở.

Một DN khác cho biết một trong những trở ngại lớn nhất thúc đẩy logistics là chiến lược và quy hoạch hạ tầng logistics. “Đơn cử như việc quy định giờ xe container được ra vào các thành phố lớn như Hà Nội, Tp.HCM khiến một lượng lớn xe chờ đợi ở cửa ngõ thành phố, không chỉ gây ách tắc giao thông, mà còn tạo ra việc khó khăn cho lái xe trong sinh hoạt cá nhân”, đại diện DN này dẫn chứng.

 

“Hiện nay, quỹ đất đều xây các khách sạn, chung cư, nếu Chính phủ không tạo ra chính sách ưu đãi cho các hạ tầng logistics thì tình trạng ách tắc vẫn xảy ra, dẫn đến DN lách luật bằng cách sử dụng chi phí gián tiếp, gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế. Do đó, cần có quy hoạch đất đai logistics”, đại diện DN đề xuất.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm