Hỗ trợ doanh nghiệp

Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cần thực tế hơn, thủ tục cần đơn giản hơn, phân loại đối tượng cần trúng đích hơn

DNVN - Chủ tịch VCCI cho rằng, các chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp cần thực tế hơn, thủ tục cần đơn giản hơn, phân loại đối tượng cần trúng hơn. Làm sao để những chính sách tốt đẹp đã ban hành đi nhanh được vào thực tiễn nhất”

Doanh nghiệp cần cách nhìn thân thiện hơn về chính sách / Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ còn mơ hồ về chính sách thuế

Sáng ngày 8/12/2020, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức “Diễn đàn chính sách chỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19: Thu hẹp khoảng cách từ chính sách đến thực thi”.

Diễn đàn tập trung vào hai nhóm nội dung chính: Thứ nhất, rà soát các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 đã được ban hành và thực tế triển khai các chính sách này. Thứ hai, thảo luận về giải pháp tăng cường hiệu quả thực thi chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng từ tác động Covid-19.

Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch VCCI – ông Vũ Tiến Lộc nhận định, chúng ta đang chứng kiến một cuộc khủng hoảng đến toàn bộ nền kinh tế thế giới. Chưa bao giờ có cuộc đại khủng hoảng thách thức những nền kinh tế hàng đầu thế giới, những nền tảng chính trị hàng đầu cũng đang phải lúng túng trong việc ứng phó với đại dịch Covid-19.

Theo Chủ tịch VCCI, với những chính sách mà Nhà nước đã triển khai để hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh. Việc thực thi chính sách có nhiều vấn đề còn băn khoăn. Ông đánh giá “phản ứng chính sách của Chính phủ là khá hợp lý, chủ trương chính sách là đúng đắn nhưng thiết kế chính sách có vần đề và việc thực thi chính sách chưa thực sự suôn sẻ. Thủ tục hành chính còn nhiều phiền hà nên rất khó để đi vào thực tiễn cuộc sống”.

Các đại biểu tham gia “Diễn đàn chính sách chỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19: thu hẹp khoảng cách từ chính sách đến thực thi”.

Các đại biểu tham gia “Diễn đàn chính sách chỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19: Thu hẹp khoảng cách từ chính sách đến thực thi”.

Bên cạnh đó, TS. Vũ Tiến Lộc cũng cho biết: “Việc tổ chức Diễn đàn, VCCI mong muốn tìm ra được tiếng nói chung giữa đại diện của các cơ quan nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp trong thúc đẩy hiệu quả thực thi chính sách. Chính sách cần thực tế hơn, thủ tục cần đơn giản hơn, phân loại đối tượng cần trúng đích hơn; cơ chế nâng cao năng lực tiếp cận các chính sách này cho các doanh nghiệp trong thời gian tới sẽ nên như thế nào… Làm sao để những chính sách tốt đẹp đã ban hành đi nhanh được vào thực tiễn nhất”

Theo bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh “Diễn đàn Chính sách hôm nay đã tập hợp Chính phủ, doanh nghiệp và Liên hợp quốc lại để hiểu rõ hơn về cách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ bị ảnh hưởng bởi các cuộc khủng hoảng phức tạp và khủng hoảng chồng nhau của COVID-19, lũ lụt và hạn hán chưa từng có. Chính phủ có vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện cho các chính sách và khuyến khích để thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ như một động lực trong việc xây dựng một nền kinh tế mạnh mẽ và chống chịu hơn.”

Trong bài tham luận của mình với chủ đề “Rà soát chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chịu tác động từ Covid-19”, ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng Ban Pháp chế VCCI nhận định COVID-19 với những diễn biến khó lường đã và đang tác động mạnh mẽ, ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng kinh tế, hoạt động thương mại đầu tư và tới tất cả các nhóm doanh nghiệp khiến cho doanh thu năm 2020 của khu vực doanh nghiệp dân doanh giảm 72% và của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm 69% so với năm 2019…

Ông Đậu Anh Tuấn khuyến nghị các cơ quan ban, ngành và địa phương cần nắm bắt kịp thời các bất cập, vướng mắc trong việc triển khai các gói hỗ trợ để điều chỉnh cho phù hợp. Cần tiếp tục thiết kế các hình thức hỗ trợ phù hợp với các doanh nghiệp ở từng ngành, lĩnh vực và trong từng giai đoạn. Ưu tiên các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, vừa; bởi khả năng chống chịu kém của loại hình doanh nghiệp này.

"Cần tránh hiện trượng trục lợi từ chính sách hỗ trợ, bởi tác động của dịch bệnh tới các ngành kinh tế có sự khác biệt rất lớn, nên một số ngành chịu ảnh hưởng nặng nề như hàng không, du lịch… song cũng lại có 1 số ngành có cơ hội phát triển tốt như công nghệ thông tin, thương mại điện tử, bưu chính, chuyển phát….," ông Tuấn nói.

Nhà nước cần kéo dài thời gian của các gói hỗ trợ để doanh nghiệp đủ thời gian hoãn các khoản được hoãn; giãn trong thời gian qua để kịp thời phục hồi sản xuất kinh doanh. Các chính sách hỗ trợ cần rõ ràng, minh bạch để bảo đảm doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người lao động tiếp cận, hiểu rõ phạm vi, đối tượng, điều kiện, trình tự, thủ tục để các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ đúng người, kịp thời. Cũng cần nới lỏng một số điều kiện nhằm mở rộng đối tượng thụ hưởng và giảm thiểu thủ tục, quy trình tiếp cận các gói hỗ trợ, đặc biệt là thủ tục chứng minh về tài chính….

Ông Tuấn lưu ý cần rà soát, đánh giá lại một cách đột lập và hiệu quả thực sự của các chính sách hỗ trợ; đồng thời đẩy mạnh việc tham vấn, lấy ý kiến của đối tượng tác động, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để đảm bảo tính khả thi của chính sách khi được ban hành

Theo Tiến sỹ Lương Minh Huân, Viện trưởng Viện Phát triển Doanh nghiệp, trong năm 2020, doanh nghiệp đã phải chịu tác động nặng nề từ đại dịch COVID-19. Do đó, cần nỗ lực nhiều hơn để đẩy mạnh cải cách thể chế kinh tế, đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong kinh doanh. Bởi đây là những nền tảng quan trọng nhất để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn của đại dịch. Cũng cần phải nhìn nhận khách quan để đánh giá rằng, COVID-19 là một cú huých để các doanh nghiệp trong nước nhận ra tính ưu việt của kinh tế số và yêu cầu chuyển đổi số cấp bách của doanh nghiệp.

Huyền Phạm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm