Hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp gửi gắm điều gì về chính sách tín dụng ở ‘Hội nghị Diên hồng’?

Đại dịch Covid-19 khiến cộng đồng doanh nghiệp lao đao. Để động viên tinh thần và tìm cách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ngày 9/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp.

Chủ tịch VINASME kiến nghị Thủ tướng 6 giải pháp hỗ trợ DN nhỏ và vừa / LG Chem trở thành nhà cung cấp pin xe điện lớn nhất

Chuẩn bị cho hội nghị này, các bộ, ngành đã đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp liên quan đến nhiều vấn đề, trong đó nổi cộm là việc khó tiếp cận gói hỗ trợ tín dụng.

Nhiều DN cho rằng khó có thể tiếp cận được gói hỗ trợ tín dụng của Ngân hàng Nhà nước (Ảnh minh hoạ: Internet)

Nhiều DN cho rằng khó có thể tiếp cận được gói hỗ trợ tín dụng của Ngân hàng Nhà nước (Ảnh minh hoạ: Internet)

Theo các chuyên gia đối thoại này được xem như Hội nghị Diên Hồng về kinh tế, là hội nghị quan trọng để Chính phủ lắng nghe những ý kiến đánh giá tác động và khả năng hấp thụ các chính sách ban hành trong thời gian qua từ cộng đồng doanh nghiệp (DN). Qua đó Chính phủ tìm dư địa để xây dựng chính sách hỗ trợ mới để đưa đất nước đi lên sau đại dịch.

DN khó tiếp cận gói hỗ trợ tín dụng

Hầu hết các DN cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh tác động tiêu cực đến kết quả kinh doanh của DN, thì việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Thông tư 01 về cơ cấu lại thời gian trả nợ, gia hạn nợ gốc, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ. Đây là chính sách thiết thực và kịp thời. Tuy nhiên, nhiều DN cho rằng khó có thể tiếp cận được những hỗ trợ này do thủ tục còn nhiều phức tạp, gây khó khăn cho DN và mức lãi suất vẫn còn cao...

 

Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng việc yêu cầu DN chứng minh trên báo cáo kế toán các ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm suy giảm khả năng trả nợ là không cần thiết vì những tác động của dịch đối với DN là thực tế hiện hữu. “Chính sách hỗ trợ là để DN tồn tại phục hồi sau dịch chứ không nên để DN đóng cửa rồi mới hỗ trợ”, Hiệp hội cho hay.

Đối với DN gặp khó khăn từ trước, chậm thanh toán các khoản vay (chậm 30 ngày) đã bị ngân hàng cho vào nhóm nợ 2 và không áp dụng chính sách hỗ trợ theo Thông tư 01. Vì vậy Hiệp hội đề nghị cho phép các DN này cũng được hưởng chính sách ưu đãi.

Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ mới chỉ áp dụng cho các khoản vay bằng VND, trong khi các DN dệt may lại có nhu cầu vay vốn bằng tiền USD. “Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ cho cả các khoản vay của DN bằng USD và cho phép DN áp dụng cơ chế vay hoán đổi”, Hiệp hội Dệt may Việt Nam kiến nghị.

Trong khi đó, Hiệp hội DN điện tử Việt Nam cho rằng gói hỗ trợ tín dụng 250 nghìn tỷ đồng một số DN đã tiếp cận một số ngân hàng về gói hỗ trợ này và bước đầu cũng đã có ngân hàng đồng ý cho vay vốn với lãi suất ưu đãi. Tuy nhiên chính sách ưu đãi chưa được triển khai áp dụng đồng bộ, nhất quán trong hệ thống ngân hàng.

Tương tự, Hiệp hội DN tỉnh Đồng Nai cho rằng, Chính phủ đã có chủ trương giao ngân hàng sắp xếp gói tín dụng 250 nghìn tỷ đồng nhằm hỗ trợ DN nhưng để tiếp cận nguồn vốn này các DN vẫn phải đảm bảo về điều kiện vay tín dụng (có tài sản thế chấp) điều này gây khó khăn cho DN.

 

Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) cho biết, trong tâm điểm đại dịch, mặc dù các DN VASI không bị ngừng sản xuất. Tuy nhiên, gần 1/2 số doanh nghiệp cho biết doanh thu trong trong quý I giảm đến 50% so với 2019, có các công ty giảm đến 70%. Dự báo trong quý II doanh thu của 85% doanh nghiệp VASI giảm mạnh đến 70%.

VASI cho biết, một trong những vấn đề khó khăn nhất hiện nay là ngay cả khi đã đạt về chất lượng và chủng loại sản phẩm, DN Việt Nam rất khó cạnh tranh về giá so với Trung Quốc. Trong đó, chi phí tăng đến từ lãi vay ngân hàng cao (FDI tại Việt Nam vay theo hệ thống ngân hàng của họ chỉ 1-2%/năm).

Đặc biệt, hiện nay các ưu đãi về giãn giảm thuế, phí, lãi suất vay… đã được triển khai. Tuy nhiên, hầu hết các DN hội viên VASI đều chưa biết thực hiện các thủ tục này như thế nào.

Lãi vay vẫn cao

Để hỗ trợ cộng đồng DN có thể tồn tại, vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh và nắm bắt các cơ hội phát triển sau khi hết dịch, ngoài các giải pháp, cơ chế chính sách đã ban hành, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã kiến nghị hàng loạt giải pháp thuộc các nhóm như chính sách tài khóa; tín dụng; lao động, tiền lương, công đoàn; chính sách hỗ trợ một số lĩnh vực bị thiệt hại nặng nề bởi dịch Covid-19; Cải cách thủ tục hành chính…

 

Liên quan đến chính sách tín dụng, VCCI cho rằng do đặc điểm của các NHTM cũng là DN, do đó, việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ DN chủ yếu dựa trên cơ sở cắt giảm lợi nhuận và chi phí, phụ thuộc vào quy mô và hiệu quả hoạt động của từng NHTM.

Thực tế thực hiện các biện pháp này trong thời gian vừa qua cho thấy nhiều DN chưa được hưởng các ưu đãi theo quy định, một số DN phản ánh các điều kiện vay vốn thậm chí còn khắt khe, chặt chẽ hơn; thủ tục thẩm định, chứng minh thiệt hại còn phức tạp, rườm rà; đối tượng áp dụng còn chưa công khai, minh bạch; DN nhỏ, siêu nhỏ khó tiếp cận chính sách ưu đãi...

Các chính sách hỗ trợ mới chủ yếu được thực hiện ở các NHTM nhà nước như Vietcombank, Agribank, Vietinbank... và cũng rất khác nhau giữa các ngân hàng.

VCCI đề nghị NHNN có hướng dẫn cụ thể về quy trình chuẩn đối với việc thẩm định, đánh giá thiệt hại, xác định đối tượng DN được hưởng hỗ trợ một cách công khai, minh bạch, hạn chế việc “xin- cho” bằng quan hệ, lợi dụng chính sách.

Các NHTM quan tâm nhiều hơn đến đối tượng DN nhỏ và vừa, hộ kinh doanh thay vì ưu tiên cho các DN lớn và khách hàng "ruột".

 

NHTM thực hiện giảm sâu thêm từ 2-3% đối với khoản vay mới và vay hiện hữu (đến mức còn khoảng 4-5% đối với khoản vay tiền đồng và 2-3% đối với khoản vay USD) cho từng nhóm khách hàng có ảnh hưởng dịch bệnh khác nhau thông qua các biện pháp tái cấp vốn, tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng...

Bổ sung các quy định hỗ trợ về thuế, tín dụng cho các hộ kinh doanh như chính sách miễn, giảm, giãn nộp thuế khoán, miễn phí môn bài cho các năm 2020- 2021...

Có những mức lãi suất phù hợp với từng nhóm DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh như: cho vay ưu đãi 0% đối với các DN ngành bán lẻ các thực phẩm thiết yếu do các DN cung cấp hàng lương thực thực phẩm phải tăng dự trữ để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong dịch bệnh.

Các DN bất động sản đề nghị được cơ cấu lại nợ, giảm khoảng 30% lãi vay trong thời hạn 12 tháng, giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc, không chuyển nhóm nợ xấu hơn khi đáo hạn; Xem xét cho người vay mua nhà ở thương mại được giảm lãi vay, giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc, để vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19…

Trong báo cáo kết quả triển khai các giải pháp tiền tệ, tín dụng ngân hàng hỗ trợ DN ứng phó với dịch Covid-19, góp phần ổn định kinh tếvĩ mô, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, hiện naycác TCTD đã triển khai có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng.

 

Cụ thể,cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 170.746 khách hàng với dư nợ 128.210 tỷ đồng; Miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ cho 14.372 khách hàng với dư nợ 28.441 tỷ đồng; Hạ lãi suất dư nợ hiện hữu cho 318.528 khách hàng với dư nợ là 980.163 tỷ đồng (mức hạ lãi suất phổ biến từ 0,5-2%, thậm chí một số TCTD đã hạ lãi suất 2,5% lên tới trên 4% cho khách hàng như: Vietinbank, ACB, VCB, Việt Nam Thương tín, Quân đội, Việt Á, Liên Việt, SCB, Đông Nam Á,...).

Cùng với đó, các NHTM cũng đã triển khai cho vay mới với lãi suất ưu đãi thấp hơn so với lãi suất cho vay trước khi có dịch khoảng 1%-2% cho 147.637 khách với doanh số cho vay mới lũy kế từ ngày 23/01/2020 đạt 533.122 tỷ đồng.

Về chính sách lãi suất, từ cuối năm 2019 đến nay, NHNN đã có 3 đợt điều chỉnh giảm mặt bằng lãi suất, từngày 17/3/2020, NHNN điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành từ 0,5- 1%/năm, giảm 0,5% trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên (hiện ở mức 5,5%/năm) nhằm ổn định và giảm mặt bằng lãi suất cho vay, hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Đồng thời, tại cuộc họp với các NHTM ngày 31/3/2020, thực hiện chỉ đạo của NHNN, các NHTM đã đồng thuận tiếp tục giảm lãi suất cho vay tối đa đến 2% so với thời điểm trước dịch đối với các khoản vay cũ và khoản cho vay mới.

Hiện nay, mặt bằng lãi suất huy động của TCTD đã liên tiếp giảm ở cả ngắn, trung, dài hạn. Mặt bằng lãi suất cho vay cũng theo xu hướng giảm, riêng lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên đã giảm khoảng 0,5%/năm so với cuối năm 2019.

Theo số liệu công bố của IMF tháng 02/2020, lãi suất cho vay của Việt Nam ở mức 7,7%, tương đương với lãi suất cho vay của Philippines (7,13%) và thấp hơn một sốnước có trình độ phát triển tương đồng trong khu vực, như: Indonesia (10,01%), Mông Cổ (16,81%) và Bangladesh (9,62%), Ấn Độ (9,4%), Myanmar (16%).

 


 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm