Cơ hội thành công cho DN Việt Nam tại Ấn Độ và Nepal là rất lớn
DNVN - Thông điệp này đã được các đại biểu, diễn giả và đặc biệt là một số Việt Kiều tại Ấn Độ và Nepal chia sẻ tại Hội thảo trực tuyến "Xúc tiến thương mại qua cộng đồng người Việt Nam tại Ấn Độ và Nepal" do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ tổ chức sáng 20/5.
Cơ hội hiến kế cải cách TTHC giúp doanh nghiệp phục hồi sau Covid-19 / Phát huy vai trò của Qũy Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa
Phát biểu khai mạc hội thảo tại đầu cầu Hà Nội, ông Lê Hoàng Tài - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, Ấn Độ với dung lượng thị trường tiêu thụ rất lớn của gần 1,4 tỷ dân. Tuy nhiên, giá trị và số lượng hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào thị trường này còn khiêm tốn.
Từ năm 2016 đến năm 2019, tổng kim ngạch XNK giữa Việt Nam và Ấn Độ đã tăng 2,06 lần từ 5,43 tỷ USD lên 11,21 tỷ USD; xuất khẩu tăng 2,5 lần từ 2,69 tỷ USD lên 6,67 tỷ USD; nhập khẩu tăng 1,65 lần từ 2,75 tỷ USD lên 4,54 tỷ USD. Việt Nam đã chuyển từ nước nhập siêu với giá trị lớn sang xuất siêu 2,1 tỷ USD năm 2019 sang Ấn Độ. Mặc dù vậy, các con số tăng trưởng này còn thấp so với kỳ vọng của các cơ quan quản lý và doanh nghiệp Việt Nam.
Chính phủ hai nước đều nhận thấy trong giai đoạn hiện nay cần đẩy mạnh hợp tác phát triển chuỗi giá trị trong các ngành hàng dệt may, da giày, thiết bị điện tử, máy móc thiết bị, hàng cơ khí…
Ông Lê Hoàng Tài - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phát biểu tại hội thảo.
Trong khi đó, đối với Nepal, một quốc gia nằm trên triền núi phía Nam dãy Himalaya, không có đường bờ biển, phía Bắc giáp Trung Quốc, phần còn lại giáp Ấn Độ, dù là thị trường nhỏ nhưng vẫn còn nhiều tiềm năng đối với doanh nghiệp Việt Nam.
Việt Nam và Nepal đều là thành viên của WTO và đã phát triển quan hệ kinh tế, thương mại tốt trong thời gian qua, tuy nhiên kim ngạch thương mại hai chiều còn nhỏ, mới đạt quanh ngưỡng 30 triệu USD/năm.
Ông Lê Hoàng Tài cho rằng, để thực hiện được mục tiêu tăng cường xuất khẩu sang Ấn Độ và Nepal, một trong những kênh giao thương quan trọng và thuận lợi chính là thông qua cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống và làm ăn tại 2 thị trường này. Ước tính hiện có khoảng 500 người Việt Nam tại Ấn Độ và 40-50 người tại Nepal.
"Tôi tin tưởng rằng các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội phát triển tại hai thị trường Nam Á này hơn nữa khi có sự đồng thuận và nỗ lực tham gia các hoạt động XTTM của các cơ quan, tổ chức XTTM và cộng đồng doanh nghiệp trong nước cũng như kiều bào tại Ấn Độ và Nepal", ông Lê Hoàng Tài nhấn mạnh.
Đánh giá về triển vọng xuất khẩu hàng Việt Nam sang Ấn Độ, ông Bùi Trung Thướng - Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ cho biết, trong đại dịch Covid-19 sẽ mở ra nhiều cơ hội họp tác để thay thế cho những thị trường bị tác động lớn bởi đại dịch. Ấn Độ là thị trường tương đối dễ tính, yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật không cao, nhưng lại là thị trường bảo hộ với việc Ấn Độ áp dụng nhiều biện pháp phòng vệ thương mại. Quan hệ giữa Việt Nam - Ấn Độ là bổ trợ và tương đồng với việc hầu hết hai nước đều phát triển những sản phẩm trên nền tảng nông nghiệp nhưng sự hợp tác trong lĩnh vực này vẫn còn nhiều dư địa và rất tiềm năng.
Chia sẻ kinh nghiệm cho DN Việt Nam
Tại hai điểm cầu ở Nepal và Ấn Độ, các diễn giả và Việt Kiều đã chia sẻ nhiều thông tin hữu ích giúp DN Việt Nam có ý định kinh doanh, hợp tác thành công với đối tác. Bà Huỳnh Khánh Linh, Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Ấn Độ và Nepal đã đưa ra một số lưu ý với DN Việt Nam khi làm thủ tục thành lập DN tại Ấn Độ. Theo bà Khánh Linh, DN cần tìm cho được đơn vị tư vấn uy tín để họ hỗ trợ DN xin tên trong thời gian nhanh nhất vì có những cái tên DN bị từ chối một cách vô lý mà DN không thể "cãi" được. Hai là DN phải chuẩn bị trước giấy tờ cá nhân xin làm hợp pháp hóa lãnh sự phía Việt Nam cho nhanh. Khi DN đại diện cho giám đốc chuẩn bị sang ký giấy tờ thì nên lưu ý nên sang với visa business thay vì bằng visa du lịch.
Hội thảo có sự tham gia của nhiều diễn giả và Việt kiều tại hai điểm cầu Ấn Độ và Nepal.
Trong thời gian chờ thủ tục thành lập DN tại Ấn Độ, bà Khánh Linh khuyên các DN Việt Nam cũng nên làm bước hỏi han để khi DN có giấy tờ thành lập DN ở bên Ấn Độ thì chuyển về Việt Nam xin luôn cho được giấy phép đầu tư để chuyển vốn sang.
Là Việt Kiều sinh sống và làm việc tại thủ đô Kathmandu của Nepal trong 11 năm qua và hiện đang sở hữu chuỗi nhà hàng Pho 99 tại Jhamsikel, Kathmandu, bà Võ Thị Kim Cương khẳng định, cơ hội kinh doanh và phát triển ở Nepal rất có tiềm năng. Văn hóa kinh doanh của Nepal cũng giống như người Việt Nam, trong đó đạo đức kinh doanh là điều không thể thiếu để tạo ra lợi nhuận trong môi trường cạnh tranh. Theo bà Kim Cương, những lĩnh vực kinh doanh khả năng thành công cao ở Nepal là nông nghiệp, may mặc, y tế, điện lực, và công nghệ thông tin.
Trong khi đó, ông Trịnh Hữu Việt - Việt Kiều sinh sống và làm việc tại Ấn Độ trong 15 năm - đã đưa ra nhiều lời khuyên giúp DN Việt Nam hạn chế rủi ro khi làm việc với đối tác Ấn Độ như phải đảm bảo chất lượng và thời gian giao hàng bởi Ấn Độ coi trọng chữ tín; xây dựng mối quan hệ hữu hảo thân tình với tất cả đối tác Ấn Độ bằng việc by sang đó ít nhất 1 lần để gặp trực tiếp đối tác; dùng sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ và Đại sứ quán để nhờ giải quyết khó khăn; hình thành sự liên kết cộng đồng người Việt và doanh nghiệp Việt Nam tại Ấn Độ; tìm hiểu kỹ đối tác của Ấn Độ xem mô hình DN của họ là kinh tế tập đoàn hay kinh tế gia đình...
Phát biểu kết luận hội thảo, ông Lê Hoàng Tài cảm ơn những chia sẻ hữu ích của các diễn giả và Việt Kiều tại Ấn Độ cũng như Nepal nhằm giúp những DN Việt Nam có ý định kinh doanh hợp tác tại hai thị trường này.
Ông Lê Hoàng Tài cũng khuyến cáo DN Việt Nam cần tìm hiểu kỹ đối tác thông qua cơ quan ngoại giao của Việt nam tại Ấn Độ, cộng đồng DN Việt Nam đã thành công tại Ấn Độ, liên lạc trực tiếp với các cơ quan Nhà nước như Cục Xúc tiến thương mại, một số bộ, ngành trong việc tư vấn, hỗ trợ hoạt động kinh doanh để mang lại hiệu quả tốt nhất.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo