Phát huy vai trò của Qũy Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa
DNVN - Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lần đầu tiên trong 5 năm qua, số doanh nghiệp thành lập mới giảm. Trong khi đó, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng mạnh. Để hỗ trợ doanh nghiệp, cần phát huy vai trò của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
VINASME và SHB thống nhất nội dung hợp tác toàn diện về hỗ trợ DNNVV / Hỗ trợ DNNVV áp dụng nền tảng số để vượt qua đại dịch Covid-19
Doanh nghiệp gặp khó
Trình bày báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019 và tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2020 trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế nước ta có độ mở lớn, kết quả phát triển kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2020 cho thấy nền kinh tế cũng bị ảnh hưởng hết sức nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19.
Quý I năm 2020, tăng trưởng GDP đạt thấp, trong đó tất cả các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ đều bị tác động và giảm. Nhiều lao động bị cắt giảm, mất việc làm, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động thấp kỷ lục trong 10 năm qua, tỷ lệ thiếu việc làm tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây, tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng tăng.
Sang tháng 4, một số ngành sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu bắt đầu có mức tăng trưởng âm; số doanh nghiệp thành lập mới giảm lần đầu tiên trong giai đoạn 2015-2020; số doanh nghiệp đăng ký tạm dừng hoạt động trong ngắn hạn tăng mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo của Chính phủ. (Ảnh: VPQH)
Hầu hết các ngành, lĩnh vực sản xuất và dịch vụ đều giảm, trong đó một số ngành, lĩnh vực đình trệ hoặc đóng băng, gần như không có hoạt động sản xuất, kinh doanh như các ngành thương mại, dịch vụ, du lịch, vận tải (nhất là vận tải hàng không), ăn uống, lưu trú, vui chơi, giải trí…
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra báo cáo của Chính phủ nêu đánh giá ở mức độ nghiêm trọng khi nói tới ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tới kinh tế-xã hội nước ta.
Cụ thể, lĩnh vực nông – lâm – thủy sản gặp khó khăn trong xuất khẩu hàng hóa và nhập khẩu hàng phụ trợ nông nghiệp; các ngành sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng với chuỗi cung ứng bị gián đoạn, đứt gãy, sản lượng công nghiệp giảm với tốc độ nhanh; ngành du lịch, giao thông vận tải, kho bãi… cũng chịu ảnh hưởng lớn do tổng cầu giảm mạnh; thu hút đầu tư nước ngoài giảm.
Nhiều doanh nghiệp đã phải ngừng hoạt động, hoạt động cầm chừng, thu hẹp sản xuất, kinh doanh do gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ, gián đoạn nguồn cung nguyên, vật liệu đầu vào dẫn đến nhiều lao động mất việc làm. Tín dụng tăng trưởng chậm, nguy cơ gia tăng nợ xấu do các doanh nghiệp hoạt động khó khăn, đình trệ, không trả được nợ vay ngân hàng.
Phát huy vai trò của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa
Nhắc tới nhiệm vụ, giải pháp từ nay đến cuối năm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, cùng với việc phòng, chống dịch, cần huy động tối đa các nguồn lực nhằm thực hiện các giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch.
Bên cạnh đó, cần tập trung phát huy các dư địa của động lực hỗ trợ tăng trưởng trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương; vận động người dân ưu tiên dùng hàng trong nước, ủng hộ doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Đặc biệt, cần hỗ trợ người dân và doanh nghiệp sớm tổ chức lại sản xuất, kinh doanh, đồng thời tăng cường tuyên truyền, quảng bá, thu hút sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư quốc tế với hình ảnh Việt Nam là một địa điểm đến đầu tư, kinh doanh, du lịch và sinh sống an toàn, bền vững.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu kiến nghị, cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả, thực chất cải cách hành chính, giao dịch điện tử liên thông giữa các bộ, ngành, địa phương để thu hút mạnh đầu tư nước ngoài, phục hồi và phát triển doanh nghiệp trong nước. Có cơ chế, chính sách, giải pháp để phát triển sản xuất trong nước, tiêu dùng sản phẩm, hàng hóa dịch vụ nội địa.
Ông Vũ Hồng Thanh cũng đề nghị phát huy vai trò của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Xây dựng bộ chỉ số đánh giá mức độ rủi ro cho các doanh nghiệp, làm cơ sở tập trung nguồn lực, tăng hiệu quả sử dụng.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo