Hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp nhỏ làm gì để phát triển sau đại dịch Covid-19?

Bước ra khỏi đại dịch, doanh nghiệp nhỏ và vừa phải luôn giữ tinh thần như đang khởi nghiệp. Mỗi một doanh nghiệp sẽ là phần vô cùng lớn xây dựng kinh tế đất nước. Nếu doanh nghiệp "khoẻ", nền kinh tế sẽ "khoẻ".

Vì sao trái phiếu doanh nghiệp hấp dẫn nhà đầu tư? / Cơ hội hiến kế cải cách TTHC giúp doanh nghiệp phục hồi sau Covid-19

Muốn vực dậy nền kinh tế sau "bão" dịch Covid-19, quan trọng nhất là bảo toàn "sức khoẻ" của cộng đồng doanh nghiệp (Ảnh minh hoạ: Internet)

Muốn vực dậy nền kinh tế sau "bão" dịch Covid-19, quan trọng nhất là bảo toàn "sức khoẻ" của cộng đồng doanh nghiệp (Ảnh minh hoạ: Internet)

Tại Toạ đàm “Làm gì để kinh tế Việt Nam phát triển sau dịch Covid-19?" ngày 15/5, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đặt câu hỏi: Kinh tế Việt Nam có thể đứng dậy sau dịch để "bay lên" hay không? Làm sao để doanh nghiệp (DN) khôi phục lại? Tập trung cứu các DN đang rất yếu để "hồi sinh" hay tạo ra một lực lượng DN mới "thay máu" cho nền kinh tế?".

Tìm "cơ" trong "nguy"

Do chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid-19, tăng trưởng kinh tế quý I/2020 chỉ đạt 3,82%, là mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 10 năm 2011 - 2020, với sự sụt giảm tăng trưởng ở cả ba khu vực. Cũng trong quý I/2020, khu vực DN gặp nhiều khó khăn, số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn lên tới 18.600 DN, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước.

Theo các chuyên gia, muốn vực dậy nền kinh tế sau "bão" dịch Covid-19, quan trọng nhất là bảo toàn "sức khoẻ" của cộng đồng DN. Bên cạnh những khó khăn vẫn có những cơ hội cho các DN.

 

PGS.TS Trần Đình Thiên chỉ ra những gì coi là "cơ", ví dụ như FDI tràn vào, nhu cầu nhập khẩu hàng hoá của một số nước đang tăng. Đây là cơ hội để DN Việt gia tăng sản xuất. Quan trọng là DN phân tích được cơ hội cho mình thế nào? Mà nếu bỏ lỡ cơ hội lại thành "nguy".

“Cần bỏ tư duy tranh thủ "nhặt" khi Trung Quốc đang thiếu hàng do ảnh hưởng Covid để bán hàng, mà phải là tìm kiếm thị trường mới. Đây cũng là cách để DN Việt thoát khỏi lệ thuộc vào một chuỗi cung ứng hay một vài thị trường xuất khẩu", ông Thiên nhấn mạnh.

Hiện nay, Việt Nam được xem là điểm sáng trong tăng trưởng cũng như bắt nhịp với sáng tạo công nghệ, nhưng so với các nước khác thì vẫn còn yếu, kinh tế thị trường chưa đầy đủ.

Theo đó, ông Thiên cho rằng, sau dịch Covid-19, phải vạch ra được những giải pháp phát triển kinh tế, tranh thủ cơ hội để thay đổi cấu trúc kinh tế.

"Thế giới hậu Covid sẽ là thế giới khác. Quan trọng là Việt Nam chọn vị trí nào trong trật tự đó? Những cơ hội thách thức đó là gì?", nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế đặt vấn đề và cho rằng Việt Nam phải tạo ra được sức hấp dẫn để thu hút DN nước ngoài.

 

Ví dụ, Đà Nẵng muốn thành đô thị hiện đại phải đặt ra tiêu chuẩn như: Công viên Mặt trời, pháo hoa, Bà Nà… Tuy nhiên, để thu hút được DN đầu tư phải có cơ chế khuyến khích, tạo ra môi trường thể chế công khai minh bạch.

Nguồn lực cần tập trung vào trụ cột cần cứu

Theo các chuyên gia, các chính sách vực dậy nền kinh tế cần bao trùm, không thể phân biệt DN lớn, nhỏ. Bởi nếu DN không thể duy trì được qua giai đoạn dịch bệnh, phải phá sản thì khi thành lập lại sẽ cần một độ trễ khá dài, rất chậm để hồi phục. Chưa kể DN "sống" thì công ăn việc làm, đời sống của hàng triệu người lao động mới được đảm bảo.

PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng không kỳ thị, không phân biệt đối tượng, phải biết dồn sức cho ai. Thậm chí với DN nhỏ và vừa, sức phục hồi sẽ chậm hơn DN lớn nên cần hỗ trợ nhiều hơn. Chẳng hạn, có chính sách nới lỏng việc hoãn thuế, giãn thuế hoặc giảm giá điện… để mọi DN được hưởng.

"Có một thực tế là hiện nay, DN tư nhân vẫn bị kỳ thị. Đây là thời điểm để "cởi trói" cho khu vực này", ông Thiên nói.

 

Thạc sỹ Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) nhấn mạnh, nguồn lực cần tập trung vào trụ cột cần cứu để tạo ra động lực cho nền kinh tế. Đồng thời, bày tỏ mong muốn cần mang một tinh thần như chống dịch vào các giải pháp cho nền kinh tế. Trong đó, sớm thành lập một tổ đặc nhiệm giải thoát nền kinh tế.

Các gói hỗ trợ của Chính phủ cho nền kinh tế, DN như gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng, gói bảo hiểm, giãn thuế và gói tín dụng của ngân hàng cần phải được đẩy mạnh và kịp thời. "Nếu cứ mập mờ, có DN được hưởng cả 3 gói nhưng có DN lại không được hưởng gói nào", ông Hòe nói.

Dưới góc nhìn của DN, ông Nguyễn Khắc Đồi, Chủ tịch Tập đoàn Thời gian Vàng (GoldTime Group) cho rằng: Trên thực tế, các DN nhỏ như cây cỏ nhỏ nhưng sức sống khoẻ. "Trong 3 tháng dịch, chúng tôi vẫn đạt lợi nhuận 15-18%. DN vẫn chủ động và hành động, không thể chờ Nhà nước ra tay cứu trợ mà không làm một gì đó", ông Đồi cho hay.

Chủ tịch Tập đoàn Thời gian Vàng chia sẻ thêm: để giữ được mức tăng trưởng như vậy, DN chủ động tiết giảm chi phí, tinh gọn toàn bộ hệ thống để không tốn chi phí. Cùng với đó là ứng dụng công nghệ, tự động hoá trong sản xuất, kinh doanh. Hiện nay, kinh doanh phải thương mại hoá toàn cầu, GoldTime Group tiếp thị liên kết trên quy mô toàn thế giới. Nhờ vậy, mà DN đã vượt qua được "bão" dịch.

Theo các chuyên gia, "sống sót" trong và sau đại dịch Covid-19 đang là nỗi lo thường trực của nhiều DN. Điều quan trọng là các DN phải lựa chọn được phương thức tồn tại và phát triển phù hợp.

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm