Hỗ trợ doanh nghiệp

Cựu chiến binh làm kinh tế giỏi từ mô hình nuôi ong lấy mật

DNVN - Trải qua nhiều khó khăn, thử thách, Cựu chiến binh Trương Bá Trường (ấp An Phú, xã An Lạc Tây, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) đã sở hữu mô hình nuôi ong lấy mật với quy mô trên 600 thùng; đồng thời kết hợp với kinh doanh dịch vụ xe vận tải, mỗi năm thu lợi nhuận trên 600 triệu đồng...

Tập đoàn Tata muốn đầu tư nhà máy nhiệt điện ở Sóc Trăng / Tái cơ cấu công ty thủy sản Phương Nam (Sóc Trăng)

Ông Trương Bá Trường sinh năm 1966, ở xã Tuyên Thủy, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Năm 1982, hoàn cảnh gia đình nghèo khó, ông xin vào làm công nhân tại Xí nghiệp Dược 408, Cục Hậu cần Quân khu 9.

Đến năm 1986 ông nhập ngũ vào quân đội tiếp tục công tác tại Xí nghiệp Dược 408. Đến năm 1996 được quân đội cho phục viên và về quê vợ sinh sống tại xã An Lạc Tây. Trong suốt thời gian công tác trong quân đội, ông được đơn vị giao nhiệm vụ chuyên về nuôi ong lấy mật để phục vụ cho nhu cầu sản xuất dược phẩm của Quân khu 9.


Cựu chiến binh Trương Bá Trường (bên trái) với mô hình nuôi ong lấy mật.

Đến thăm gia đình ông Trường khi vợ chồng ông đang kiểm tra lô hàng mật ong chuẩn bị giao cho Công ty Ong mật Đồng Nai theo đơn hàng, ông Trường cho biết: “Những năm đầu trở về địa phương, vợ chồng tôi phải sống nhờ trong gia đình người anh vợ; không đất đai, không nhà cửa, không có tư liệu sản xuất, nên cuộc sống gia đình gặp rất nhiều khó khăn, hai vợ chồng phải xoay xở nhiều nghề để mưu sinh. Ngoài làm thuê, làm mướn ra, tối đến còn tranh thủ cắm câu, thả lưới để kiếm thêm thu nhập lo cho gia đình nhưng cuộc sống gia đình đã khó khăn lại thêm chồng chất khó khăn khi đứa con đầu lòng ra đời”.

Với phẩm chất của người lính Cụ Hồ, được rèn luyện trong quân đội, nhất là có kinh nghiệm tích lũy chuyên nuôi ong lấy mật trong thời gian tại ngũ, vợ chồng ông quyết định dồn hết số tiền ít ỏi tích lũy được sau thời gian bươn chải mưu sinh để đầu tư nuôi 20 thùng ong mật.

Thời điểm này nghề nuôi ong ở địa phương chưa phát triển mạnh nên năng suất, chất lượng và giá mật rất cao, từ nguồn thu nhập này, gia đình ông từng bước vượt qua khó khăn. Năm 1998, ông bàn với vợ dồn hết số tiền tích lũy mua 5.200m2 đất vườn trồng nhãn da bò để mở rộng quy mô nuôi ong lấy mật lên 100 thùng, mỗi năm lợi nhuận trên 100 triệu đồng (tương đương 15 cây vàng thời điểm đó). Có vốn, ông tiếp tục đầu tư mở rộng lên 200 thùng, 400 thùng và đến nay phát triển lên trên 600 thùng…

Với tinh thần, bản lĩnh người lính dám nghĩ, dám làm, vừa làm, vừa học và rút kinh nghiệm từ những người đi trước, ông áp dụng vào thực tế mô hình nuôi ong lấy mật của mình. Theo ông Trường, đối với những quy trình đòi hỏi kỹ thuật và kinh nghiệm cao, ông vừa trực tiếp làm, vừa truyền đạt kinh nghiệm cho công nhân làm việc thường xuyên. Do áp dụng đúng quy trình kỹ thuật cùng với những kinh nghiệm sau nhiều năm tích lũy nên năng suất, chất lượng mật ong của ông luôn ổn định và đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường. Mỗi năm gia đình ông sản xuất và bán ra thị trường trên 9.000 lít mật ong, với giá 150 ngàn đồng/lít, thu nhập trên 1,35 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận đạt trên 300 triệu đồng.

Ông Trường cho biết thêm: “Để tiêu thụ sản phẩm làm ra ổn định thì mật ong phải đảm bảo nguyên chất, công đoạn chế biến phải đáp ứng yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm, tiếp đến là nơi tiêu thụ. Qua tham quan, tìm hiểu tôi quyết định ký kết với Công ty Ong mật Đồng Nai để giải quyết đầu ra cho sản phẩm, vì vậy mà nhiều năm nay việc liên kết tiêu thụ sản phẩm của gia đình luôn ổn định”.

Không thỏa mãn ở kết quả đạt được, đầu năm 2020 ông quyết định đầu tư mua 2 xe tải vừa đáp ứng yêu cầu di chuyển đàn ong không bị động, vừa làm dịch vụ chở trái cây cho bà con nông dân trong vùng và tạo việc làm cho người dân. Từ dịch vụ này, mỗi năm thu nhập 360 triệu đồng, cộng với thu nhập từ mật ong mỗi năm gia đình ông thu nhập trên 600 triệu đồng; tạo việc làm ổn định cho 5 lao động tại địa phương với mức lương 7 triệu đồng/người/tháng và từ 8 đến 10 lao động thời vụ, góp phần đáng kể vào công tác xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.

Ông Phạm Văn Phòng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) xã An Lạc Tây cho biết: “CCB Trương Bá Trường không chỉ là hội viên gương mẫu trong các phong trào thi đua của Hội mà còn là tấm gương sáng về ý chí, nghị lực vươn lên thoát nghèo, làm kinh tế giỏi, được Hội CCB xã đánh giá rất cao. Đồng chí luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho nhiều hội viên khác có nhu cầu, giúp hàng chục hội viên CCB thoát nghèo nhờ mô hình này. Ngoài ra, bản thân và gia đình đồng chí còn tích cực tham gia các phong trào, các cuộc vận động tại địa phương, nhất là phong trào xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo; tích cực đóng góp ủng hộ các loại quỹ ở địa phương. Thời gian tới, Hội CCB xã An Lạc Tây sẽ tổ chức cho hội viên trong xã tham quan học hỏi kinh nghiệm; phối hợp với các ngành chức năng tạo điều kiện thuận lợi để đồng chí Bá Trường tiếp tục phát triển, mở rộng mô hình này”.

Sự thành công của mô hình làm kinh tế này không chỉ giúp CCB Trương Bá Trường phát triển ổn định kinh tế gia đình mà còn là điểm đến tham quan, học tập của nhiều CCB trong tỉnh, giúp họ thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng. Từ những cách làm hiệu quả nêu trên, nhiều năm liền ông Trường đạt danh hiệu “Hội viên CCB gương mẫu”, “Hội viên CCB sản xuất kinh doanh giỏi” các cấp; năm 2021 được Ủy ban nhân dân huyện Kế Sách tặng giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2016 - 2021.

Văn Long
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm