Hỗ trợ doanh nghiệp

Đà Nẵng chủ động hoàn thiện cơ sở hạ tầng thu hút dịch vụ công nghiệp dầu khí

DNVN - TP Đà Nẵng đang chủ động thúc đẩy hoàn thiện cơ sở hạ tầng cảng hậu cần dịch vụ dầu khí tại bến cảng Sơn Trà nhằm thu hút dịch vụ công nghiệp dầu khí, đáp ứng vai trò căn cứ hậu cần dịch vụ phục vụ tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí ngoài khơi miền Trung.

Đà Nẵng: Dự kiến ngày 24/7 công bố điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2022 / Tháo gỡ khó khăn trong phát triển KCN tại Đà Nẵng

Như tin đã đưa, trên cơ sở kiến nghị của Công ty Dịch vụ dầu khí Đà Nẵng (PTSC Đà Nẵng), Sở GTVT Đà Nẵng vừa lấy ý kiến Cảng vụ Hàng hải Đà Nẵng (Bộ GTVT), Sở Công Thương Đà Nẵng đề xuất UBND TP có ý kiến với Bộ GTVT, Bộ Công Thương, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam về hoàn thiện cơ sở hạ tầng cảng hậu cần dịch vụ dầu khí tại khu bến cảng Thọ Quang (bán đảo Sơn Trà) để trở thành Trung tâm căn cứ Dịch vụ kỹ thuật dầu khí miền Trung.

Ông Trịnh Thế Cường, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Đà Nẵng (Bộ GTVT)

Ông Trịnh Thế Cường- Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Đà Nẵng (Bộ GTVT).

Cùng với đó, theo thông tin mới nhất Doanh nghiệp Việt Nam nhận được, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Phước Sơn cũng vừa có ý kiến chỉ đạo tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư công nghiệp và kết nối công nghiệp hỗ trợ. Trong đó, giao Cảng vụ Hàng hải Đà Nẵng chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan nghiên cứu về định hướng phát triển công nghiệp dịch vụ dầu khí tại TP Đà Nẵng.

Ngày 9/8, phóng viên Doanh nghiệp Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Trịnh Thế Cường- Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Đà Nẵng (Bộ GTVT) về vấn đề này:

Qua khảo sát của Cảng vụ Hàng hải Đà Nẵng, xin ông cho biết tình hình hoạt động khai thác thăm dò dầu khí ngoài khơi vùng biển miền Trung thời gian qua?

Ông Trịnh Thế Cường: Qua quá trình khoan thăm dò đã phát hiện lượng khí và condensate rất lớn tại mỏ Cá Voi Xanh (Nhà thầu Exxon Mobil triển khai tại lô 117), mỏ Kèn Bầu, mỏ Đàn Tranh (Nhà thầu ENI triển khai tại lô 114). Đây là điều kiện quan trọng để xây dựng và vận hành các nhà máy điện khí tại khu vực miền Trung, mở ra cơ hội và tiềm năng phát triển mỏ, khai thác khí ngoài khơi biển miền Trung và ngành công nghiệp dầu khí tại các tỉnh, thành trong khu vực.

 

Đáng chú ý, từ năm 2019 đến nay, Nhà thầu ENI liên tục khoan khảo sát, thẩm định đánh giá mở rộng nhằm đưa vào kế hoạch khai thác mỏ Kèn Bầu (tại lô 114 ngoài khơi thêm lục địa phía Bắc Việt Nam, cách đất liền điểm gần nhất thuộc tỉnh Quảng Trị 65km, cách Đà Nẵng khoảng 86km). Hiện nay, Nhà thầu ENI đang thiết lập căn cứ hậu cần dầu khí tại cảng Sơn Trà (trong khu bến cảng Thọ Quang, bán đảo Sơn Trà, TP Đà Nẵng) của Công ty Dịch vụ Dầu khí Đà Nẵng (PTSC Đà Nẵng).

Việc mỏ khí Kèn Bầu đi vào hoạt động khai thác sẽ mở ra triển vọng rất lớn trong việc chủ động nguồn cung ứng nhiên liệu sơ cấp cho ngành điện Việt Nam, giúp giảm dần tỷ lệ nhập khẩu khí LNG, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, tránh lệ thuộc vào nguồn nhập khẩu và còn có thể tính tới phương án xuất khẩu.

Hơn nữa, hàng loạt doanh nghiệp khai thác, kỹ thuật và dịch vụ dầu khí sẽ được hưởng lợi từ mỏ Kèn Bầu, như Tổng Công ty Khí Việt Nam, Tổng Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật dầu khí, Tổng Công ty CP Khoan dầu khí hay Công ty CP Dịch vụ offshore Tân Cảng…

Đối với dự án thăm dò, khai thác dầu khí tại mỏ Cá Voi Xanh thuộc các lô 117, 118, 119 ngoài khơi miền Trung Việt Nam với trữ lượng khoảng 6.000 – 8.000 tỷ m3 khí cũng sẽ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và là điều kiện quan trọng để Việt Nam xây dựng và vận hành các nhà máy điện khí tại khu vực miền Trung. Hiện Exxon Mobil và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ để duy trì đúng tiến độ, đưa dòng khí đầu tiên vào bờ năm 2024.

Trước những diễn biến khả quan đó thì hiện trạng công nghiệp dịch vụ dầu khí tại Đà Nẵng như thế nào?

 

Ông Trịnh Thế Cường: Quyết định 1579/QĐ-TTg (ngày 22/9/2021) của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển Hệ thống Cảng biển Việt Nam đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050 đã xác định vùng đất và vùng nước khu vực Thọ Quang (bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng) có chức năng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội TP Đà Nẵng và vùng phụ cận; có bến tổng hợp, container, hàng lỏng/khí, bến công vụ và các bến phục vụ quốc phòng – an ninh với cỡ tàu trọng tải đến 20.000 tấn đáp ứng nhu cầu khai thác của khu bến cảng Thọ Quang và các nhà máy quân sự trong khu vực.

Từ năm 2015, Tổng Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) đã hoàn thành đầu tư xây dựng đưa vào khai thác 200m cầu cảng Sơn Trà, có khả năng tiếp nhận tàu 10.000 DWT, năng lực thông qua hàng hóa của cảng theo thiết kế khoảng 1,2 – 1,5 triệu tấn/năm (theo Quyết định 615/QĐ-CHHVN ngày 7/7/2015 của Cục Hàng hải Việt Nam công bố mở cầu cảng số 1 bến cảng Sơn Trà). Qua đó nhằm cung cấp dịch vụ cảng biển, căn cứ hậu cần, chế tạo và dịch vụ logistics cho ngành công nghiệp năng lượng và dầu khí Việt Nam.

Tuy nhiên cho đến nay tuyến luồng hàng hải vào bến cảng Sơn Trà theo quy hoạch cho tàu 10.000 DWT chưa được đầu tư, dẫn đến tuyến luồng Thọ Quang với độ sâu hiện hữu khoảng -4,5m (hệ Hải đồ) chỉ đáp ứng cho tàu có tải trọng dưới 3.000 DWT ra vào làm hàng.

Cảng Sơn Trà có vai trò là căn cứ hậu cần dịch vụ dầu khí phục vụ tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí ở khu vực Trung Trung bộ của các nhà thầu ENI, Exonmobil, Vietgazprom đã và đang triển khai khoan thăm dò dầu khí từ năm 2009 đến nay. Các tàu dịch vụ dầu khí phục vụ khoan thăm dò mỏ Cá Voi Xanh, Kèn Bầu và các mỏ dầu khí khác yêu cầu phải có độ sâu luồng vào cảng từ 7 – 8m.

Thế nhưng do độ sâu tuyến luồng hàng hải hiện không đáp ứng nên không thể trực tiếp tiếp nhận các tàu dịch vụ dầu khí cập cầu cảng Sơn Trà (như cơ sở hậu cần dịch vụ dầu khí tại Vũng Tàu). Vì vậy đã làm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của cơ sở hậu cần dịch vụ dầu khí cũng như việc đầu tư nâng cấp trang thiết bị tại cảng để phục vụ hoạt động dịch vụ dầu khí.

 

Mọi hoạt động liên quan đến căn cứ hậu cần dầu khí tại bến cảng Sơn Trà hiện đang bị chia cắt, các tàu dịch vụ phải sử dụng cầu cảng Tiên Sa, còn hạ tầng kỹ thuật kho/bãi thì sử dụng tại cảng Sơn Trà cách nhau 2km. Hơn nữa, cảng Tiên Sa không có năng lực bơm chuyển nhiên liệu nên các tàu dịch vụ dầu khí lại phải di chuyển đến các bến cảng khu vực Liên Chiểu để nhận nhiên liệu duy trì hoạt động.

Điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến vị thế của Đà Nẵng trong hoạt động khai thác thăm dò dầu khí cũng như kế hoạch khai thác, phát triển mỏ ngoài khơi biển miền Trung, giảm ưu thế và tính cạnh tranh của TP với các địa phương trong vùng về vai trò trung tâm căn cứ hậu cần dịch vụ dầu khí.

Với hiện trạng như vậy, ông có kiến nghị gì nhằm phát triển Đà Nẵng trở thành Trung tâm dịch vụ kỹ thuật dầu khí tại miền Trung?

Ông Trịnh Thế Cường: Thực hiện Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, TP đã và đang triển khai phát triển lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ. Trong đó có ưu tiên phát triển Đà Nẵng thành Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật dầu khí phục vụ các chiến dịch khoan thăm dò, khai thác dầu khí của các nhà thầu dầu khí tại khu vực miền Trung.

Đà Nẵng có vị trí địa chính trị quan trọng nên có ưu thế so với các tỉnh miền Trung và khu vực. Tuy nhiên do tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và xu thế địa chính trị mới làm cho ưu thế về địa lý của Đà Nẵng bị cạnh tranh khốc liệt. TP này đang có nguy cơ mất dần lợi thế so với các tỉnh, thành trong khu vực nếu không có cơ chế chính sách đặc thù thu hút các nhà đầu tư về dịch vụ cảng biển, nhân lực chất lượng cao, tài chính…

 

Tin vui là mới đây, ngày 28/7, Bộ GTVT đã có Quyết định 1014/QĐ-BGTVT phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình tuyến luồng vào khu bến cảng Thọ Quang (Đà Nẵng) với vốn đầu tư 150 tỷ đồng nhằm phục vụ nhu cầu khai thác của khu bến Thọ Quang và các cảng nhà máy khác đang trong quá trình xây dựng hoàn thiện, tiếp nhận tàu trọng tải đến 10.000DWT (tùy từng đoạn luồng), nâng cao năng lực phục vụ chung cho toàn tuyến luồng Đà Nẵng.

Việc cần kíp hiện nay là phải sớm triển khai dự án này ngay trong năm 2022. Hiện TP Đà Nẵng đang có những động thái chủ động thúc đẩy hoàn thiện cơ sở hạ tầng cảng hậu cần dịch vụ dầu khí tại khu bến Thọ Quang nhằm thu hút dịch vụ công nghiệp dầu khí, đáp ứng vai trò căn cứ hậu cần dịch vụ dầu khí phục vụ tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí ngoài khơi miền Trung.

Cùng với đó, chúng tôi đề xuất UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo các sở, ngành liên quan và kiến nghị các Bộ, ngành trung ương có các giải pháp cụ thể về đầu tư hạ tầng kỹ thuật, phương tiện thiết bị cho cầu cảng Sơn Trà. Đồng thời có cơ chế chính sách hữu hiệu thu hút các nhà đầu tư dịch vụ thăm dò, khai thác dầu khí đầu tư vào các lĩnh vực logistics, công nghệ cao… của Đà Nẵng.

Hải Châu (thực hiện)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm