Hỗ trợ doanh nghiệp

Đẩy mạnh thương hiệu Việt trên thị trường FTA

Việc thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đang đòi hỏi doanh nghiệp Việt cần tận dụng các cam kết về thuế quan, bảo hộ chỉ dẫn địa lý… nhằm làm mạnh thương hiệu sản phẩm Việt trên các thị trường xuất khẩu.

Cơ cấu lại các khoản nợ, hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn phục hồi / Thừa Thiên Huế: Đẩy nhanh tiến độ các dự án để đưa vào phục vụ người dân, du khách

Bà Nguyễn Xuân Trà, Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), cho rằng việc thực hiện các cam kết trong các FTA thế hệ mới như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay FTA Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ giúp thúc đẩy thương hiệu Việt trên thị trường xuất khẩu (XK). Nhất là thông qua các cam kết về thuế quan và tiếp cận thị trường với một lộ trình ngắn cho các mặt hàng XK chủ lực của Việt Nam.

Nông sản Việt có tận dụng lợi thế

Chẳng hạn như với mặt hàng gạo của Việt Nam, trong EVFTA thì phía EU đã dành hạn ngạch thuế quan (TRQ) cho các mặt hàng gạo thơm thuộc 8 chủng loại, gồm: Hoa Nhài 85, ST 25, ST 20, Nàng Hoa 9, VD 20, RVT, OM 4900, OM5451, và Tài Nguyên Chợ Đào.

HINH-9251-1618823935.jpg

Các DN Việt trong ngành hàng nông sản thực phẩm cần tận dụng các cam kết trong CPTPP, EVFTA để phát triển thương hiệu trên thị trường XK.

Điều này, theo bà Trà là có tác động tích cực với Việt Nam trong việc nâng cao giá trị, nâng cao kim ngạch XK mặt hàng gạo, cũng như góp phần thúc đẩy thương hiệu mặt hàng gạo của Việt Nam trên thị trường EU.

Ngoài ra, như chia sẻ của bà Trà tại Diễn đàn thương hiệu quốc gia 2021 tổ chức ở Tp.HCM ngày 19/4, một cam kết khác cũng có thể được coi là sẽ giúp thúc đẩy phát triển thương hiệu Việt ra thị trường EU trong EVFTA, đó là những cam kết liên quan đến chỉ dẫn địa lý. Nhất là EU đã cam kết bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý (GI) của Việt Nam.

Tất cả 39 GI này đều là những mặt hàng nông sản mà Việt Nam có lợi thế XK, mang tính rất đặc trưng và nổi tiếng ở thị trường trong nước lẫn quốc tế. Điển hình như nước mắm Phú Quốc, trà Mộc Châu, cà phê Buôn Mê Thuột, vải Lục Ngạn, mật ong Mèo Vạc, nho Ninh Thuận hoặc một số thương hiệu rau quả khác.

Với việc EU cam kết bảo hộ cho 39 GI nêu trên, vị chuyên gia của Vụ Chính sách thương mại đa biên cho rằng sẽ có tác động rất lớn trong việc giúp Việt Nam xây dựng và định hình, phát triển các thương hiệu đối với các mặt hàng nông sản.

Tính đến nay, với EVFTA đã thực thi được 8 tháng, còn CPTPP thì đã thực hiện được 2 năm, thông qua 2 FTA thế hệ mới này câu hỏi đặt ra là song song với việc nâng cao kim ngạch XK thì các DN Việt đã tận dụng để thúc đẩy phát triển thương hiệu trên thị trường XK hay chưa?

 

Nhất là việc các doanh nghiệp (DN) Việt sử dụng các loại giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) hiệu quả như thế nào nếu nhìn từ EVFTA và CPTPP.

Như với XK thuỷ sản, bà Nguyễn Xuân Trà cho biết con số C/O cho mặt hàng này của Việt Nam ở hai hiệp định trên là tương đối cách xa nhau. Chẳng hạn với CPTPP thì trong năm 2020 tỷ lệ tận dụng C/O của mặt hàng thuỷ sản chỉ là 2,97%, trong khi đó với EVFTA thì tỷ lệ tận dụng lại là hơn 70%.

Tiếp cận với lộ trình ngắn

Ngược lại, với mặt hàng hạt tiêu, trong CPTPP thì năm ngoái, Việt Nam tận dụng C/O được 11,95%, nhưng với EVFTA thì con số tận dụng C/O lại thấp hơn rất nhiều, chỉ vào khoảng 1,1 - 2,8%.

Còn mặt hàng gạo Việt, trong CPTPP thì con số tận dụng C/O tương đối khiêm tốn (khoảng 2,59%), nhưng ở trong EVFTA thì con số lại rất cao, đến 265% hồi năm 2020 và 329,4% hồi đầu năm 2021.

 

Qua vài con số về việc tận dụng C/O nêu trên thì có thể thấy cần ghi nhận là phía DN trong nước đã bước đầu tìm hiểu và biết cách tận dụng các cam kết FTA thế hệ mới để thúc đẩy kim ngạch XK hàng hoá và thúc đẩy các thương hiệu của mình để có vị trí tốt hơn ở thị trường các nước thuộc CPTPP và EVFTA.

Tuy nhiên, tỷ lệ tận dụng CPTPP và FTA của các DN còn chưa đồng đều ở các nhóm hàng và thị trường. Nhất là khi hai hiệp định này thuộc các FTA thế hệ mới với những cam kết, quy định về lộ trình cắt giảm thuế quan vừa rất sâu rộng vừa tạo thuận lợi cho hàng hoá của các DN Việt có thể thâm nhập sâu hơn vào các thị trường này.

Theo giới chuyên gia, vấn đề đặt ra là các DN Việt cần tìm hiểu rõ hơn, tiếp cận với lộ trình ngắn để tận dụng các cam kết trong các FTA, đặc biệt là các cam kết có liên quan về chỉ dẫn địa lý. Thông qua đó, các DN có thể định vị tốt hơn cho thương hiệu của mình tại thị trường XK.

Ngoài ra, các DN cũng cần lưu ý các yếu tố khác (ngoài các yếu tố liên quan đến chất lượng và giá cả) thì còn có các yếu tố về trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

Điều này nhằm gia tăng giá trị thương hiệu của DN Việt, để từ đó giúp người tiêu dùng ở các quốc gia trong CPTPP và EVFTA biết đến thương hiệu Việt và coi trọng thương hiệu của DN Việt nhiều hơn. Và khi ấy thì kim ngạch XK sẽ mang lại giá trị gia tăng lớn hơn.

 

Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), các cam kết từ các FTA thế hệ mới như EVFTA, CPTPP chính là những thị trường mà Chương trình thương hiệu quốc gia trong thời gian tới có trách nhiệm và ý thức để ưu tiên các hoạt động quảng bá thương hiệu sản phẩm cho các DN.

Đứng ở góc độ địa phương, ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, nhấn mạnh đến nay Việt Nam đã tham gia 15 FTA, ngoài việc các thị trường lớn mà các DN Việt hướng đến để phát triển thương hiệu, thì cần các giải pháp đồng bộ hoá thị trường, minh bạch thị trường khoa học công nghệ nhằm định giá về sở hữu trí tuệ, chuyển giao khoa học công nghệ, góp vốn... để góp phần đổi mới sáng tạo, nâng tầm thương hiệu Việt.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm