Hỗ trợ doanh nghiệp

Để doanh nghiệp ngành cao su phát triển bền vững: Cần lộ trình và hỗ trợ chính sách

DNVN - Việc đưa các hộ tiểu điền vào trong kế hoạch thực hiện phát triển bền vững của doanh nghiệp ngành cao su là cần thiết nhưng sẽ cần lộ trình và sự hỗ trợ về chính sách từ Chính phủ và các nguồn lực khác.

Bài 2: Cây cao su bén duyên nơi miền Duyên hải / Trải nghiệm vẻ đẹp rừng cao su mùa thay lá

Chia sẻ tại hội thảo “Thúc đẩy sản xuất cao su thiên nhiên bền vững tại Việt Nam trong tương lai” sáng 17/6, báo cáo của Hiệp hội Cao su Việt Nam cho biết: Năm 2021, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của ngành đạt 9,5 tỷ USD, chiếm 2,8% kim ngạch xuất khẩu các loại hàng hóa của cả nước, tăng 20,8% so với năm 2020.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan trong năm 2021, xuất khẩu cao su thiên nhiên của Việt Nam ước đạt hơn 1,9 triệu tấn với giá trị gần 3,3 tỷ USD, tăng 11,7% về lượng và tăng 37,5% về giá trị so với năm 2020 nhờ đơn giá xuất khẩu bình quân tăng 23%.

Sản phẩm cao su và gỗ cao su tiếp tục tăng trưởng về xuất khẩu. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm cao su năm 2021 ước đạt 3,7 tỷ USD tăng 18,5% so với năm 2020.

Xu hướng bền vững và trách nhiệm đã thúc đẩy những thay đổi trong ngành cao su Việt Nam để đáp ứng yêu cầu của thị trường về chất lượng cao hơn với giá cả cạnh tranh, hiệu quả kinh tế gắn liền với trách nhiệm xã hội và môi trường.

Nhu cầu của thị trường về cao su thiên nhiên bền vững đặt ra một thách thức lớn cho người sản xuất cao su, cần cải thiện phương thức quản lý, sản xuất, ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc minh bạch và giảm chi phí để tăng tính cạnh tranh trong thời kỳ giá thấp có nguy cơ kéo dài trong nhiều năm tới.

Đưa hộ tiểu điền trồng cao su vào phát triển bền vững doanh nghiệp cần lộ trình và hỗ trợ chính sách.

Để ngành cao su tăng hiệu quả kinh tế hơn và phát triển bền vững, Hiệp hội Cao su Việt Nam đề xuất các cơ quan chức năng cần tạo khung pháp lý thúc đẩy và khuyến khích các mô hình quản lý rừng cao su bền vững, nông lâm kết hợp, bảo vệ môi trường và hướng đến đạt chứng nhận quốc gia hoặc quốc tế.

Tuyên truyền, vận động, các hộ hình thành các tổ hợp tác sản xuất cao su theo từng cụm để có điều kiện áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa trong sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Đồng thời hỗ trợ nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về những mô hình cao su bền vững, đa dạng hóa nguồn thu nhập kết hợp với đa dạng sinh học.

Tăng cường chương trình khuyến nông và đào tạo để giúp người trồng cao su tăng hiệu quả kinh tế, đa dạng nguồn thu nhập nhằm ứng phó chủ động trong thời kỳ giá thấp và đáp ứng yêu cầu sản xuất cao su bền vững, có thể truy xuất nguồn gốc.

Đối với doanh nghiệp, hiệp hội đề xuất doanh nghiệp cần xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình phát triển bền vững theo pháp luật quốc gia và các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.

Chuyển dần phương thức canh tác nông lâm tổng hợp, đa dạng hóa thu nhập, tăng hiệu quả kinh tế sử dụng đất; áp dụng công nghệ tiên tiến để sản xuất xanh và sạch trong toàn chuỗi cung ứng.

Doanh nghiệp cần xây dựng các mô hình liên kết, hỗ trợ nông dân cao su tiểu điền tham gia chương trình phát triển cao su bền vững của doanh nghiệp, tạo nguồn cao su bền vững để cung cấp cho thị trường, góp phần xây dựng thương hiệu và uy tín của ngành cao su Việt Nam.

“Ngành cao su và các doanh nghiệp đang nỗ lực thực hiện phát triển bền vững theo định hướng của Chính phủ và đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Việc đưa các hộ tiểu điền vào trong kế hoạch thực hiện phát triển bền vững của doanh nghiệp là cần thiết (hiện lượng cao su từ tiểu điền chiếm hơn 60%) nhưng sẽ cần lộ trình và sự hỗ trợ về chính sách từ Chính phủ và các nguồn lực khác”, Hiệp hội Cao su cho biết.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm