Doanh nghiệp - Doanh nhân

Bài 3: Xin đừng “quay lưng” với cây cao su

Cao su là cây công nghiệp dài ngày có vị trí quan trọng trong ngành nông nghiệp Việt Nam, được các nhà khoa học, Bộ NN-PTNT ghi nhận, đánh giá là cây đa mục đích. Thế nhưng mấy năm lại đây sự cố giá mủ cao su có phần tụt giảm, nên một số ý kiến cho rằng, cần phá bỏ cây cao su để thực hiện dự án nuôi bò, hay trồng cây khác.

Phát triển kinh tế vùng Bắc Trung Bộ: Điểm nghẽn và vai trò doanh nghiệp / Sức sống cây cao su vùng Bắc Trung bộ - Bài 1: Đổi đời từ “vàng trắng”

LTS: Cây cao su được đưa vào Việt Nam đã hơn một thể kỷ do chủ đồn điền người Pháp trồng trên vùng đất Nam bộ, sau đó phát triển ra nhiều đồn điền thuộc vùng Duyên hải Miền Trung. Những năm đất nước khó khăn cây cao su được ví là cây kinh tế mũi nhọn, được Chính phủ giao cho Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (CNCSVN - PV) phát triển, trở thành Tập đoàn kinh tế hàng đầu của cả nước.

Đến những năm 90 các dự án đầu tư phát triển cao su lan tỏa ra các tỉnh Miền Trung, Tây Bắc, sang đến cả Lào, Campuchia, giải quyết việc làm ổn định cho hàng vạn lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo, phủ xanh đất trống đồi núi trọc cho những vùng dự án đầu tư.

Tuy nhiên mấy năm gần đây, giá mủ cao su bị tụt giảm, cộng với sự biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng đến sự phát triển của loại cây này. Chính vì vậy, thời gian gần đây dư luận đang có nhiều quan điểm khác nhau, thậm chí nghi ngờ về khả năng phát triển của cây cao su trên vùng đất nắng gió này. Có nhiều ý kiến cho rằng cần phá bỏ cây cao su để thay cây có giá trị kinh tế hiệu quả hơn. Doanh nghiệp Việt Nam sẽ tìm hiểu rõ hơn về vai trò của cây cao su trong phát triển kinh tế - xã hội ở vùng duyên hải miền Trung.

Bài 1: Sức sống cây cao su vùng Bắc Trung bộ: Đổi đời từ “vàng trắng”

Bài 2: Cây cao su bén duyên nơi miền Duyên hải

Từ định hướng phát triển của Chính phủ

Năm 2009 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 750/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển cao su đến năm 2015 và tầm nhìn 2020. Theo đó, diện tích cao su trồng trên lãnh thổ Việt Nam ổn định 800 ngàn ha. Trong giai đoạn 2010 - 2015 cao su Việt Nam có bước phát triển nhanh. Nguyên nhân diện tích cao su tăng nhanh trong những năm 2010, 2011, 2012 bởi giá cao su thị trường xuất khẩu tăng cao, có lúc lên tới 5.000 USD/tấn mủ khô (năm 2011). Vì thế nên Tập đoàn CNCSVN (VRG), các doanh nghiệp, nông dân đã mở rộng diện tích trồng cao su ở nhiều tỉnh trên cả nước.

Thủ tướng

Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng nước CHDCND Lào Thongsing Thammavong thăm vườn cây cao su tại tỉnh Nghệ An.

Năm 2008 Bộ NN-PTNT ra Quyết định số 2855/QĐ-BNN-KHCN xác định, cây cao su là cây đa mục tiêu. Đồng thời, Thông tư 58/2009/TT-BNN-PTNT năm 2009 cho phép chuyển diện tích đất rừng nguyên liệu, đất trồng rừng sản xuất có đủ điều kiện sang trồng cao su. Chính từ những nguyên nhân trên trong giai đoạn 2009 - 2015 diện tích cao su trên toàn quốc tăng 304 ngàn ha, bình quân mỗi năm tăng trên 50 ngàn ha.

Sau 5 năm thực hiện quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tổng diện tích cao su toàn quốc lên tới 981 ngàn ha. Đây thể hiện cây cao su có giá trị kinh tế, tạo việc làm nên nông dân xem cây cao su là cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế hiệu quả nhất.

dân tộc

Niềm vui khi cây Cao su đến với vùng núi Tây Bắc.

Theo số liệu thống kê, trong 10 năm, năng suất cao su Việt Nam tăng 3 tạ/ha từ 13,9 tạ/ha (năm 2004) tăng lên 16,9 tạ/ha (năm 2015), tốc độ tăng trưởng bình quân 2%/năm. Hiện năng suất cao su Việt Nam đứng thứ hai thế giới (chỉ sau Ấn Độ 1,8 tấn/ha). Năng suất tăng cao do Tập đoàn, các chủ đầu tư đưa các giống cây phù hợp với tiểu khí hậu từng vùng, áp dụng nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới về trồng, chăm sóc, cạo mủ... Vì thế, vườn cây cao su đưa vào khai thác 3 - 4 năm đầu đạt trung bình 1,1 - 1,3 tấn/ha và đạt năng suất cao nhất từ tuổi 11 - 25 năm.

Giá trị kinh tế và việc làm

Theo báo cáo của Tập đoàn CNCSVN (VRG), sau khi hết thời kỳ khai thác mủ, số diện tích cao su này được thanh lý trở thành rừng gỗ quý đưa vào khai thác chế biến sản xuất đồ mộc dân dụng, xuất khẩu chế biến gỗ ván ép, gỗ MDF. Hiện Tập đoàn có 13 nhà máy chế biến gỗ, công suất trên 200 nghìn m3 gỗ phôi/năm, sử dụng hơn 7 ngàn ha cao su thanh lý hàng năm.

Điển hình như nhà máy chế biến gỗ cao su ở tỉnh Gia Lai, công suất 9 ngàn m3 phôi/năm; tỉnh Quảng Trị có 2 nhà máy, công suất đạt 120-240 nghìn m3 gỗ MDF/năm, được lắp đặt thiết bị của EU. Tại tỉnh Bình Phước có nhà máy MDF công suất lên tới 400 ngàn tấn/năm, được lắp ráp bởi công nghệ Hàn Quốc, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Tổng doanh thu của các nhà máy đạt hàng chục ngàn tỷ đồng/năm.

bao

Đi giữa bạt ngàn cao su trên đất Lào do Công ty cao su Viêt- Lào đầu tư phát triển tại tỉnh Champasak (Lào).

Đánh giá của một số chuyên gia kinh tế chuyên nghiên cứu về cây cao su cho rằng, phát triển cây cao su không chỉ đơn thuần kinh doanh khai thác mủ mà khi dự án trồng cao su được thực hiện thì kéo theo cả một toa ngành nghề, tạo việc làm ổn định cho hàng vạn công nhân lao động. Đó là các trung tâm kỹ thuật về sản xuất giống, dịch vụ phân bón, dịch vụ tiêu thụ mủ cao su cho các đại lý thu gom…

Về lao động, ngành cao su tăng liên tục trong những năm qua, hiện tại số lao động trực tiếp 50 vạn người. Đối tượng lao động ngày càng được mở rộng không chỉ là các hộ lao động người Kinh mà có cả lao động là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa như vùng Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ, Tây Bắc. Riêng lao động người địa phương làm công nhân cho VGR có trên 80 ngàn lao động.

Đời sống của người lao động ngành cao su trong nhiều năm qua có mức thu nhập khá cao, trung bình từ 5 - 7 triệu đồng/tháng, ổn định trong nhiều năm, hơn hẳn so với một số cây trồng nông nghiệp khác. Đặc biệt tất cả các dự án phát triển cao su của Tập đoàn CNCSVN đều song hành với đầu tư cơ sở hạ tầng điện, đường, trường học, trạm xá… Có thể nói, cây cao su đi đến đâu, đời sống dân sinh, văn hóa xã hội gắn với an ninh quốc phòng đều được phát triển đến đó.

Cây cao su vẫn là hũ tiền

Ông Nguyễn Anh Nghĩa - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam từng nói với chúng tôi "xin đừng xem cây cao su như tội phạm". Chúng ta có nên quay lưng với cây cao su?

Phải khảng định rằng, cây cao su là cây đa mục đích, cây công nghiệp dài ngày, cũng là cây rừng phòng hộ đưa lại hiệu quả giá trị kinh tế cao. Và, đến thời điểm này, về mặt kinh tế - xã hội, môi trường thì chưa có cây gì bằng cây cao su.

Thế nhưng mấy năm lại đây do sự cố mủ cao su bị rớt giá, cộng với thời tiết khí hậu biến đổi cực đoan, mưa bão lớn thường hay xảy ra, nhất là khu vực miền Trung. Còn nhớ năm 2013, bão số 7 đổ bộ vào vùng Duyên hải miền Trung gây thiệt hại năng nề về người và tài sản, trong đó có hơn chục ngàn ha cao su đại điền, tiểu điền bị đổ gãy. Ngay sau bão, Bộ NN- PTNT đã tổ chức cuộc họp khẩn tại huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, nơi có số diên tích cao su bị gãy đổ nhiều nhất, bởi vùng đất trồng cao su lại tiếp giáp đối diện với biển đông, gây thiệt hại khá nặng nề. Tại cuộc họp khẩn này Bộ NN-PTNT cùng với một số nhà khoa học đầu ngành, có sự tham gia của rất đông người dân trồng cao su cùng đến tham dự. Khi Bộ đưa ra ý kiến: Nên tiếp tục trồng lại hay xóa bỏ cây cao su để chuyển đổi sang trồng loài cây khác? Sau ý kiến của các bộ ngành là ý kiến hầu hết của người dân dự họp đều đồng thanh cho rằng, cây cao su gắn bó máu thịt, nuôi sống người dân Vĩnh Tường chúng tôi. Dù thế nào, chúng tôi cũng không bao giờ “quay lưng” lại với cây cao su.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trông cây cao su trên quê hương Bác Hồ

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trồng cây cao su tại Nghệ An.

Còn tại Hà Tĩnh, khi công nhân đang cạo mủ giữa vườn cao su, xuất hiện một số người của huyên H, đưa máy móc, thiết bị đo đạc đất đai trong vườn cây khi chưa hề có ý kiến gì của (VRG), Tập đoàn cao su - cơ quan chủ quản được giao đất 50 năm. Nhiều công nhân ngỡ ngàng hỏi mới vỡ lẽ ra, huyện có chủ trương bỏ cao su để đưa dự án nuôi bò về thay thế…

Thiết nghĩ, đất đai là tài sản Quốc gia, khi Quốc gia giao cho một tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nào đó thì phải được bảo vệ. Bất luận là ai dám đứng ra đòi xóa bỏ rừng cao su đang cho hiệu quả kinh tế thiết thực, đang nuôi sống hàng ngàn công nhân lao động để làm dự án khác khi chưa được chủ đầu tư chấp thuận là đều vi phạm pháp luật.

Kết thúc loạt bài viết này, tác giã xin được nêu lên ý kiến của những người dân trồng cao su ở xã Vĩnh Tường, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị: Đời sống của nông dân trong xã chúng tôi đến nay có nhà lầu xe hơi, con cái được ăn học nên người, tất cả là nhờ vào gốc cao su đó. Chúng tôi xem gốc cao su là hũ tiền. Và không bao giờ chúng tôi chặt bỏ cây cao su.

Anh Bình - Văn Lý
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm