Đề xuất bổ sung chỉ tiêu doanh nghiệp được hỗ trợ chuyển đổi số
DNVN - Góp ý Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 (Dự thảo), trên cơ sở tổng hợp ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra nhiều đề xuất, trong đó có nội dung bổ sung chỉ tiêu doanh nghiệp được hỗ trợ chuyển đổi số.
Ảnh hưởng COVID-19, Hà Nội vẫn thu hút 1,28 tỷ vốn FDI trong 9 tháng năm 2021 / CS-MAP cần được sử dụng rộng rãi để ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành trồng trọt
Theo Dự thảo, chỉ tiêu đạt “100.000 doanh nghiệp được hỗ trợ chuyển đổi số” trong giai đoạn 2021-2025. VCCI cho rằng, số lượng doanh nghiệp được hỗ trợ theo mục tiêu dự thảo đưa ra là khá nhỏ, chỉ chiếm khoảng 10% tổng số doanh nghiệp tính đến hết năm 2020, trong khi chưa tính đến đối tượng là hợp tác xã, các hộ kinh doanh. Nếu tính ra số lượng từng năm cho mỗi địa phương trong 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thì con số thực hiện hàng năm còn nhỏ hơn nữa.
Do đó, VCCI yêu cầu, cơ quan soạn thảo (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nâng chỉ tiêu về số lượng doanh nghiệp được hỗ trợ chuyển đổi số và nêu rõ các mức độ hỗ trợ. Ngoài ra, bổ sung các chỉ tiêu lượng hóa có liên quan vào nội dung dự thảo, như: tỷ lệ các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, tỷ lệ các doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu, tỷ lệ tận dụng các ưu đãi thuế quan theo các FTA; tỷ lệ tăng trưởng xuất nhập khẩu...
Ảnh minh họa. (Nguồn: GHN)
Cũng theo VCCI, trong dự thảo, các quan điểm, định hướng phát triển doanh nghiệp trong giai đoạn 5 năm (2021-2025) khá rõ ràng, hợp lý và đã xác định được những vấn đề cốt lõi để hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển và phù hợp với tình hình mới. Tuy nhiên, để thể hiện quan điểm, định hướng toàn diện hơn, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc việc "đơn giản hóa khâu tiền kiểm, tăng cường hậu kiểm dựa trên tiêu chuẩn, tiêu chí rõ ràng, minh bạch và hợp lý” là phù hợp, tạo ra cơ chế quản lý vừa đảm bảo mục tiêu quản lý của Nhà nước vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
VCCI đánh giá, Dự thảo đã đề cập đến quan điểm, định hướng “hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi và tăng trưởng”. Tuy vậy, VCCI đánh giá, nội dung này vẫn chưa đủ rõ ràng và thể hiện được tinh thần này. Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi nội dung theo hướng: “Hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục và vượt qua các hệ quả của đại dịch COVID-19 để phục hồi sản xuất kinh doanh; tập trung cải thiện năng lực cạnh tranh, tận dụng các lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do, thúc đẩy chuyển đổi số, qua đó tạo đà tăng trưởng mới…”.
Đồng thời, Dự thảo cần hướng đến hai nhóm giải pháp lớn về phát triển xanh và bền vững, giảm phát thải carbon, thích ứng với biến đổi khí hậu và nhóm giải pháp hình thành phát triển chuỗi giá trị hàng hóa trong sản xuất công nghiệp và nông nghiệp mà Việt Nam có thế mạnh.
Đây sẽ là xu hướng chủ đạo của thế giới, nếu doanh nghiệp Việt Nam không được định hướng và hỗ trợ thì sẽ gặp bất lợi trong cạnh tranh với các nước khác trên thế giới. Hơn nữa, bài học đứt gãy chuỗi cung ứng dẫn đến doanh nghiệp đứt gãy dòng tiền và mất thanh khoản hay doanh nghiệp phải ngừng hoạt động vừa qua đã cho thấy rất rõ cần có chính sách, giải pháp mới phù hợp với tình hình mới của nền kinh tế toàn cầu cũng như Việt Nam, cần thích nghi và sống chung với COVID-19.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025. Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành kịp thời nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh bị tác động bởi dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, tác động của dịch bệnh COVID-19 sẽ còn gây ra những hậu quả lâu dài và nghiêm trọng hơn nếu khu vực doanh nghiệp không được tiếp sức kịp thời. Do đó, bên cạnh những giải pháp hỗ trợ ngắn hạn cũng cần chuẩn bị ngay giải pháp hỗ trợ trong trung và dài hạn, tạo nền tảng giúp khu vực doanh nghiệp có thể thích ứng với tình hình mới, phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh nhanh chóng, tạo đà bứt phá, góp phần đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Đảng và Nhà nước đã đề ra trong giai đoạn 2021-2025. Vì vậy, việc xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025 là thực sự cần thiết. |
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo