Hỗ trợ doanh nghiệp

Điều kiện khả thi cho các hộ chăn nuôi vay vốn phải là thành viên hợp tác xã

DNVN - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Chính sách tín dụng ưu đãi cho các hộ chăn nuôi là rất quan trọng. Nhưng điều kiện khả thi cho các hộ chăn nuôi vay vốn thì phải là thành viên của hợp tác xã.

Kiến nghị Chính phủ 5 vấn đề giúp ngành chăn nuôi vượt qua thách thức lớn từ đại dịch / Xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi tăng trưởng cao

Thưa ông, hộ nuôi lợn cá thế hợp tác xã sau 2 năm đại dịch vừa qua rất khó khăn về nguồn tài chính tín dụng hỗ trợ. Để hộ chăn nuôi được Bộ NNPTNT phối hợp với ngân hàng, các tổ chức tín dụng hỗ trợ cho vay vốn, thì điều kiện cần và đủ như thế nào?


Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến. Ảnh: Hà Anh.

Ông Phùng Đức Tiến: Chăn nuôi hiện nay đang tồn tại hai hình thức chăn nuôi chính là nông hộ và trang trại. Trong trang trại chia ra quy mô nhỏ, vừa và lớn. Hình thức chăn nuôi trang trại có tiềm năng đầu tư, áp dung khoa học, công nghệ trong chăn nuôi, quản lý và thương mại hoá sản phẩm.

Ngược lại, chăn nuôi nông hộ còn chiếm tới 45% tỷ trọng sản phẩm thịt lợn của trên 2 triệu hộ nông dân vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro về dịch bệnh. Thị trường và hiệu quả kinh tế của sản phẩm được sản xuất ra từ quy mô nhỏ, thiếu đồng bộ chưa có thương hiệu, chứng nhận, trong khi chất lượng, an toàn thực phẩm còn phải cải tiến.

Trước thực trạng đó, các tổ chức liên kết sản xuất trong chăn nuôi là một loại hình tổ chức sản xuất tập thể như tổ, đội, câu lạc bộ, hợp tác xã, gia công cho doanh nghiệp chăn nuôi đã, đang và sẽ thể hiện được ưu thế trong giai đoạn khó khăn.

Bởi thông qua hình thức kinh tế tập thể này sẽ giảm được chi phí đầu vào, hỗ trợ và áp dụng cùng một quy trình chăn nuôi để tạo ra hàng loạt sản phẩm đồng đều hơn. Trong liên kết sản xuất, hợp tác xã chăn nuôi là một hình thức phổ biến về liên kết sản xuất, được Nhà nước đặt biệt quan tâm. Hiện, cả nước có hơn 911 hợp tác xã kiểu mới về chăn nuôi lợn.

Để hỗ trợ cho các thành viên của các tổ chức liên kết sản xuất trong chăn nuôi lợn, đặc biệt là hợp tác xã, vấn đề chính sách tín dụng ưu đãi cho họ là rất quan trọng. Nhưng để điều kiện khả thi khi các hộ chăn nuôi vay vốn thì phải là thành viên của hợp tác xã.

Đây là cách tiếp cận để Bộ NNPTNT phối hợp chặt chẽ với hệ thống ngân hàng có chính sách tín dụng phù hợp nhất, ưu đãi nhất cho sự phát triển bền vững của hình thức liên kết sản xuất trong chăn nuôi lợn, đặc biệt là bảo đảm an ninh sinh học gắn liên với nâng cấp hệ thống chuồng trại trong bối cảnh có dịch tả lợn châu Phi nhưng chưa có vaccine thương mại.

Trước những tác động từ cuộc chiến Nga- Ucraina, cùng với tác động từ đại dịch COVID-19, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đầu vào đang tăng phi mã. Bộ NNPTNT có giải pháp tổng thể nào hỗ trợ người chăn nuôi, thưa ông?

Ông Phùng Đức Tiến: Trong lúc khó khăn chồng chất khó khăn này, ngành chăn nuôi nói chung và thức ăn chăn nuôi nói riêng cần một hệ giải pháp đồng bộ để hỗ trợ ổn định việc sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi:

Về mặt chính sách, Bộ NNPTNT đã có văn bản gửi Chính phủ trình Quốc hội giảm thuế nhập khẩu thức ăn chăn nuôi (TACN), cụ thể ngô từ 5% xuống 2% (ước tính tiết kiệm 2 nghìn tỷ đồng); đậu tương từ 3% xuống 0% (ước tính tiết kiệm 350 tỷ đồng tại thời điểm giá nhập tháng 3/2022).

Đồng thời, Bộ đang xây dựng Nghị định của Chính phủ về hỗ trợ năng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2021-2030, triển khi thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2030 được Thủ tưởng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1520/QĐ-TTg ngày 6/10/2020.


Đề án Công nghiệp hóa sản xuất TACN sẽ đưa ra những giải pháp tổng thể để đổi mới ngành chăn nuôi.

Để thực hiện Chiến lược này, 5 đề án về công nghiệp hóa giống vật nuôi, sản xuất TACN, giết mổ và chế biến sản phẩm chăn nuôi, công nghiệp hóa chuồng trại và đổi mới khoa học, công nghệ.

Đặc biệt, Đề án Công nghiệp hóa sản xuất TACN sẽ đưa ra những giải pháp tổng thể để đổi mới ngành này, trong đó có giải pháp giảm một phần vào nguồn nguyên liệu TACN nhập khẩu.

Đồng thời, để hỗ trợ khó khăn của các doanh nghiệp chăn nuôi trong tính hình hiện nay, Nhà nước cần giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho họ từ nay đến hết năm 2025 để phục hổi, mở rộng sản xuất kinh doanh đi kèm theo điều kiện là doanh nghiệp có liên kết sản xuất với người nông dân.

Về mặt kỹ thuật chăn nuôi, các hộ chăn nuôi cần sử dụng các nguyên liệu TACN có sẵn tại địa phương như cám, ngô, sắn… tự phối trộn với thức ăn đậm đặc để giảm giá mua thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh. Các trang trại chăn nuôi quy mô vừa, lợn cần đầu tư công nghệ hiện đại để có thể dự trữ thức ăn, góp phần giảm giá TACN qua việc tiết kiệm bảo gói, nhãn mác và hoa hồng từ các đại lý phân phối các cấp.

Về quy hoạch vùng nguyên liệu TACN, cần có chính sách, thể chế tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tích tụ đất nông nghiệp đủ thành cánh đồng mẫu lớn để áp dụng khoa học, công nghệ trong khâu giống (phải trồng ngô biến đổi gen có năng suất cao), cơ giới hóa đồng bộ để sản xuất ngô, đậu tương, ngô sinh khối làm thức ăn cho chăn nuôi.

Chuyến nhanh 500 ngàn ha đất nông nghiệp kém hiệu quả mà Chính phủ đã cho phép sang trồng cây thức ăn chăn nuôi, hướng dẫn và mở rộng việc trồng ngô sinh khối trên đất vụ Đông ở miền Bắc, miền Trung và những địa phương có điều kiện.

Các địa phương tiếp tục thực hiện chính sách tại Quyết định 915/QĐ-TTg ngày 27/5/2016 để chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng ngô tại vùng Trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ, Đồng bằng Sông Cửu Long, Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên để hình thành các vùng sản xuất nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi gắn với liên kết sản xuất là các hợp tác xã theo hợp đồng đặt hàng của doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Về cơ cấu sản phẩm chăn nuôi, trong chiến lược lâu dài, cần giảm tỷ trọng thịt lợn, tăng thịt gia cầm, thịt gia súc ăn cỏ.

Về chế biến phụ phẩm nông nghiệp, hằng năm, nước ta có khoảng 156,8 triệu tấn phụ phẩm từ trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và thủy sản, trong đó gấn 90 triệu tấn có thể thu gom, chế biến, bảo quản làm thức ăn cho gia súc ăn cỏ, chế biến làm thức ăn cho lợn, gia cầm thay thể một phần nguyên liệu TACN phải nhập khẩu. Đây là một tiềm năng to lớn chưa được khai thác hiệu quả, được coi là nguồn tài nguyên tái tạo trong hệ thống nông nghiệp, là nguyên liệu đầu vào của quá trình nông nghiệp tuần hoàn.

Vì vậy, Bộ NNPTNT đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, trong đó có Cục Chăn nuôi xây dựng chính sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân, các mô hình liên kết sản xuất để đầu tư công nghệ, cơ giới hóa đồng bộ để thu gom, sơ chế, chế biến sâu, bảo quản phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho chăn nuôi, sản xuất phân bón hữu cơ, chăn nuôi côn trùng để lấy protein thay thể cho bột cá, khô dầu và sản xuất phân bón hữu cơ từ phụ phẩm nông nghiệp thông qua tiêu hóa của côn trùng.

Xin cảm ơn ông!

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm